Xử lý nhà băng yếu kém bao giờ xong?

(ĐTTCO) - Khi thị trường đang chăm chú theo dõi sự so kè lợi nhuận của các NHTM, Chỉ thị 01 ngày 8-2-2022 của Thủ tướng Chính phủ lại khuấy động lên vấn đề gần như bị lãng quên: xử lý các NH yếu kém. 
Chính phủ yêu cầu NHNN triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 NHTM yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các NH yếu kém còn lại.
7 năm dậm chân tại chỗ
Lâu nay, nhắc đến ngành NH, điều được nói đến đầu tiên là câu chuyện tăng lợi nhuận ấn tượng. Năm 2021 có 8 NH nằm trong câu lạc bộ lợi nhuận trước thuế trên 10.000 tỷ đồng. Thậm chí 2 NH đứng đầu bảng xếp hạng có lợi nhuận hơn 20.000 tỷ đồng. Đồng thời, vốn điều lệ của hệ thống NH trong năm 2021 cũng tăng mạnh nhất từ trước đến nay, thêm hơn 110.000 tỷ đồng.
Hiện tại, trước mùa đại hội cổ đông sắp diễn ra, nhiều nhà băng dự kiến tiếp tục tăng mạnh vốn điều lệ để tăng tỷ lệ an toàn vốn. Mặc dù vẫn còn nỗi lo về nợ xấu, song khả năng ứng phó với nợ xấu của đa số NH được đánh giá tốt hơn giai đoạn trước. Về hoạt động, ngành NH đã từng bước hội nhập hệ thống NH toàn cầu, đẩy mạnh số hóa, tạo ra môi trường cạnh tranh vô cùng khốc liệt. 
Trong bối cảnh đó, nhóm các NHTM yếu kém gần như bị quên lãng trên thị trường. Nguyên nhân không chỉ vì sự so kè khốc liệt của nhóm NH tư nhân và NH có vốn nhà nước át đi những tên tuổi NH ở nhóm sau, còn nằm ở chỗ tình hình kinh doanh của các NH này nhiều năm nay đều rất “bí mật”, nên giới đầu tư hay người dân cũng dần ít quan tâm đến. Các NH được nhận diện trong nhóm này gồm 3 NH được NHNN mua lại với giá 0 đồng là CBBank, GPBank và Ocean Bank và DongABank (bị kiểm soát đặc biệt).
Thỉnh thoảng, cơ quan chủ quản ngành NH có tiết lộ, nợ xấu và tài sản không sinh lời của những NH yếu kém bước đầu được xử lý và thu hồi, tiền gửi gia tăng, quản trị điều hành được củng cố. Thông điệp truyền đi rất lạc quan, nhưng nếu nhìn vào thực chất có thể nói mọi việc vẫn còn ngổn ngang. Vì đã bước qua năm thứ 7 tính từ khi NHNN mua 3 NH trên, vẫn chưa có tiến triển mới, quá trình phục hồi vẫn dậm chân tại chỗ, dù khẩu hiệu đưa ra phải giải quyết dứt điểm các NH yếu kém.
Tháng 10-2021, báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp Quốc hội, cho biết việc cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn, bảo đảm tính ổn định, an toàn hệ thống. Các NH cơ bản đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn Basel II. Tuy nhiên, việc xử lý các TCTD yếu kém được đánh giá còn hạn chế. Đến đầu năm nay, Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu NHNN triển khai ngay việc xử lý, cơ cấu lại 2 NHTM yếu kém đã được cấp có thẩm quyền thông qua chủ trương; tiếp tục khẩn trương xây dựng phương án xử lý, cơ cấu lại các NH yếu kém còn lại. Điều này đồng nghĩa với việc mọi hoạt động xử lý NH yếu kém cho đến nay vẫn chỉ  nằm trên giấy, thậm chí có nơi còn đang chờ xây dựng.

Bao giờ dứt điểm?
Sau khi mua lại 3 NH với giá 0 đồng, mọi cố gắng để phục hồi lại nhóm này của NHNN đều không có hiệu quả. Bởi đặc trưng của nhóm NH này gắn khá chặt chẽ với những người chủ cũ về phương diện tín dụng và nhiều vấn đề khác. Nợ xấu của các NH này rất lớn. Cụ thể theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước công bố năm 2018, nợ xấu của 3 NH 0 đồng hơn 35.000 tỷ đồng. Cùng lúc, GPBank lỗ lũy kế đến 13.448 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 10.363 tỷ đồng; Ocean Bank lỗ lũy kế 15.894 tỷ đồng và âm vốn chủ sở hữu 11.625 tỷ đồng…
Tại Quyết định 1058/QĐ-TTg phê duyệt Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã duyệt phương án khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài nói chung và các định chế tài chính nước ngoài nói riêng mua lại, sáp nhập đối với các NHTMCP yếu kém của Việt Nam.
Năm 2016, Chính phủ cũng phát đi thông điệp sẽ bán cả NH 0 đồng cho các đối tác nước ngoài để họ chuyển đổi thành NH 100% vốn nước ngoài. Theo đó, đã có nhiều định chế tài chính nước ngoài như Tập đoàn J Trust (Nhật Bản), Tập đoàn Clermont (Singapore), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB)… tiếp cận NHNN đề cập việc mua lại vốn của NH Việt Nam đang tái cấu trúc, trong đó có nhiều lời đề nghị mua 100% cổ phần. 
Tuy nhiên, việc này gặp khó khăn do cơ quan quản lý cân lên đặt xuống về tỷ lệ bán, đồng thời do đối tác đưa ra các điều kiện khó đáp ứng như hỗ trợ thuế, hay NHNN phải cho vay hỗ trợ khoản lớn với lãi suất rất thấp, thậm chí 0% để đảm bảo thanh khoản cho NH này sau khi được mua bán/sáp nhập trong giai đoạn đầu và khắc phục nhanh lỗ lũy kế. Cũng chính vì thế, suốt 7 năm liền, các NH 0 đồng vẫn thuộc sở hữu của NHNN.
Một giải pháp nữa cũng được nhắc đến khi Luật Các TCTD 2017 có hiệu lực là phá sản NH yếu kém. Tuy nhiên, chia sẻ với ĐTTC, một chuyên gia kinh tế nói TCTD khác với doanh nghiệp bình thường. TCTD kinh doanh tiền gửi của công chúng nên việc quản lý nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi người gửi tiền, đồng thời tránh đổ vỡ hệ thống. Vị này ví von, đặc điểm của hệ thống NH giống như bức tường gồm nhiều viên gạch, mỗi viên gạch là 1 NHTM. Khi rút 1 viên gạch ra sẽ có nguy cơ đổ vỡ cả bức tường.
Do đó, cho phá sản NHTM là việc chẳng đặng đừng. Vị chuyên gia này nhận định, phá sản quy định trong Luật Các TCTD 2017 nhưng cũng chỉ là quy định dự kiến, phòng ngừa rủi ro cho các phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp, không phải tập trung cho phá sản. 
Nhưng nếu nhìn trên các phương diện đó, cách thức xử lý NH yếu kém đã được quy định trên luật chỉ là điều kiện cần, không thể xử lý dứt điểm. Muốn dứt điểm phải có thêm điều kiện đủ là chính sách hỗ trợ tái cơ cấu như hỗ trợ tài chính, miễn, giảm thuế đối với các TCTD tham gia sáp nhập, mua lại TCTD yếu kém; cơ chế khuyến khích để hỗ trợ TCTD xử lý nợ xấu; cơ sở pháp lý để xử lý những vấn đề về tài chính, hoạt động đối với các NH yếu kém… Và như vậy, chừng nào các yếu tố này chưa đầy đủ, chừng đó vẫn khó xử lý được các NH yếu kém.
 Xử lý NH yếu kém dù đã được quy định trên luật nhưng chỉ là điều kiện cần, không thể xử lý dứt điểm. 

Các tin khác