Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm vượt 3 triệu tấn

(ĐTTCO)- 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đạt trên 3 triệu tấn, là một trong những mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trong bối cảnh khó khăn chung.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sôi động ngay từ đầu năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sôi động ngay từ đầu năm. (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt 3,62 triệu tấn, là một trong những mặt hàng hiếm hoi có kim ngạch xuất khẩu tăng trong bối cảnh khó khăn chung.

Dự báo trong những tháng tiếp theo, gạo vẫn sẽ là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi nhu cầu lương thực trên thế giới tăng cao.

Trong quý I, dù nhiều mặt hàng chủ lực đều giảm mạnh nhưng xuất khẩu gạo đạt hơn 1,85 triệu tấn gạo, với trị giá 981 triệu USD, tăng hơn 23% về lượng và tăng 34% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá gạo xuất khẩu bình quân đạt 529 USD/tấn, tăng gần 9% so với mức bình quân cùng kỳ năm 2022. Nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường xuất khẩu gạo trong quý I ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng so với cùng kỳ năm ngoái. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các thị trường khu vực Đông Nam Á (Philippines tăng 33% so với cùng kỳ năm 2022; Indonesia tăng gấp 180 lần; Singapore tăng 30,7%), mà còn từ các thị trường khu vực Đông Á (Trung Quốc tăng gần gấp 2 lần; Đài Loan tăng gấp 3 lần).

Châu Phi là thị trường khu vực xuất khẩu lớn thứ hai, đạt hơn 157.000 tấn, chiếm 8,5% tổng lượng gạo xuất khẩu, giảm 50,4% so với cùng kỳ năm 2022. Tại thị trường châu Âu tuy chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ (khoảng 1,7%) trong tổng lượng xuất khẩu của Việt Nam nhưng vẫn đạt 32.000 tấn, tăng trưởng tốt gần 11% so với cùng kỳ năm 2022.

Đặc biệt là khu vực EU (ưa chuộng các dòng gạo thơm - ST, chất lượng cao) vẫn tiếp tục có tăng trưởng mạnh mẽ như: Hà Lan (đạt 4,6 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2022); Ba Lan (đạt 1,5 nghìn tấn, tăng gấp 2 lần); Bỉ (đạt 1,5 nghìn tấn, tăng 58,5%). Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ các thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.

Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên mức đỉnh của hơn 2 năm do nguồn cung khan hiếm, cùng với việc nhiều thị trường lo ngại về khả năng sản lượng bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thời tiết El Nino. Nhờ đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã được chào bán ở mức trung bình 498 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2021.

Đặc biệt, giá gạo xuất khẩu bình quân sang Trung Quốc đạt 589 USD/tấn, tăng hơn 18% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, hiện giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì mức cao hơn Thái Lan, Ấn Độ. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Việt Nam những tuần đầu tháng 6/2023 đạt khoảng 498 USD/tấn, trong khi giá gạo của Thái Lan và Ấn Độ lần lượt là 492 USD/tấn và 453 USD/tấn.

Dự kiến năm 2023, sản lượng lúa toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long vẫn đạt khoảng hơn 24 triệu tấn. Đây sẽ là nguồn cung gạo hàng hóa lớn cho các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, nhu cầu của các thị trường như Philippines, châu Phi và nhiều nước khác cũng đang tăng cao khi phải tích cực bổ sung kho dự trữ lương thực trong bối cảnh thế giới có nhiều bất ổn kinh tế và chính trị.

Ngoài ra, nhiều dự báo cho thấy biến đổi khí hậu diễn ra phức tạp ở nhiều quốc gia như EL Nino có thể xảy ra gây hạn hán vào giữa năm ở Indonesia, sẽ ảnh hưởng đến mùa vụ sản xuất lương thực trong thời gian tới nên các nước đang tăng mua bổ sung kho dự trữ.

Nguồn cung hạn chế trong bối cảnh nhu cầu nhập khẩu của nhiều quốc gia tiếp tục tăng mạnh đã giúp cho xuất khẩu gạo Việt năm 2023 sôi động ngay từ đầu năm. Đặc biệt, giá gạo có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài, bởi nhu cầu tiêu thụ trên thế giới đã vượt nguồn cung, trong khi đó tồn kho gạo toàn cầu liên tục giảm trong thời gian gần đây.

Về tình hình thị trường nửa cuối năm, nhiều doanh nghiệp cho biết, những thị trường vốn được coi là khó tính và một số thị trường mới mở ở các nước khu vực Trung Đông đang tạo ra cơ hội cho doanh nghiệp Việt gia tăng xuất khẩu khi người tiêu dùng đang rất chuộng các loại gạo chất lượng cao của Việt Nam. Trong 6 tháng cuối năm, cùng với nhiều biện pháp hỗ trợ tích cực sẽ giúp xuất khẩu gạo Việt Nam kéo dài đà tăng trưởng.

Các tin khác