(ĐTTCO)-Theo Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa), hiện nay nhiều doanh nghiệp bắt đầu có đơn đặt hàng trở lại, đáp ứng trên 50 % công suất sản xuất.
Nhiều sản phẩm chế biến gỗ Việt Nam đạt tiêu chí xanh. (Ảnh: Hawa cung cấp)
Hiện nay, trung bình mỗi tháng, ngành chế biến sản phẩm gỗ xuất khẩu khoảng 1,2 tỷ USD. Trong đó, TP.HCM chiếm hơn 10% kim ngạch xuất khẩu. Với việc có đơn hàng trở lại, doanh thu của các doanh nghiệp trong ngành tăng từ 3% đến 5%.
Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM dự kiến, từ nay đến tháng 7, tháng 8 đơn hàng có thể sẽ tăng mạnh. Với đà tăng này thì năm 2023, ngành chế biến sản phẩm gỗ của cả nước có thể đạt được doanh thu xuất khẩu hơn 17 tỷ USD như mục tiêu đề ra.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM (Hawa) cho biết: Các nhà nhập khẩu thế giới đánh giá cao về chất lượng, thời gian giao hàng, các yêu cầu chứng chỉ xanh, giá thành sản phẩm gỗ của Việt Nam nên dù kinh tế toàn cầu có sụt giảm nhưng họ vẫn có nhu cầu tìm kiếm nhà cung cấp gỗ nội thất. Vấn đề là doanh nghiệp làm thế nào để tiếp cận được những khách hàng có nhu cầu này. Chính vì vậy, những người làm xuất khẩu sản phẩm chế biến gỗ phải “đi chợ” tìm khách hàng.
“Doanh nghiệp phải đẩy mạnh xúc tiến thương mại, doanh nghiệp phải đi hội chợ. Hội chợ xa thì mùa của nó sẽ sang năm, bây giờ hội chợ lớn thì châu Âu, Mỹ tháng 10 có hội chợ. Sang năm thì ở châu Âu tháng 1, tháng 2 có hội chợ, còn gần đây thì ở Ấn Độ sẽ có hội chợ rất lớn. Doanh nghiệp cứ đi hội chợ đi, rồi sang năm đi 1 lần nữa thì mình sẽ có đơn hàng. Còn mình không đi thì có thể sang năm đóng cửa luôn vì không có đơn hàng. Mỗi thị trường sẽ có 1 nhu cầu khác nhau về sản phẩm, kỹ thuật” - ông Nguyễn Chánh Phương nói.
Theo VOV