Nâng cao khả năng thích ứng và chịu đựng trước những tác động bất lợi của thị trường đến từ nhiều nguồn khác nhau là yếu tố quan trọng với các doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay.
Xuất khẩu khả quan trong tình hình mới
Theo báo cáo xuất nhập khẩu của Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm nay ước đạt 206,51 tỷ USD, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 103,9 tỷ USD, tăng 28,3%; nhập khẩu đạt 102,6 tỷ USD, tăng 30,8%. Cán cân thương mại hàng hóa 4 tháng đầu năm ước tính xuất siêu 1,29 tỷ USD.
Trong 4 tháng đầu năm 2021, Việt Nam có 19 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 84,5% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 59,8.
Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng với kim ngạch đạt 30,26 tỷ USD, tăng 50,1% so với cùng kỳ năm trước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 16,84 tỷ USD, tăng 32,4%.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, dự báo hoạt động xuất nhập khẩu trong những tháng tiếp theo sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới khi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được thực thi toàn diện hơn, hiệu quả hơn. Các FTA như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), FTA Việt Nam-EU (EVFTA), FTA Việt Nam-Vương quốc Anh (UKFTA)… sẽ tiếp tục tạo điều kiện để hàng hóa của Việt Nam thâm nhập vào các thị trường đối tác với thuế quan ưu đãi, thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ.
Đặc biệt, doanh nghiệp đã và đang tiếp tục đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa cũng là một trong những yếu tố góp phần tạo nền tảng để ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, giao hàng nhanh.
Cũng trong nhóm hàng “tỷ USD”, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) dự báo, xuất khẩu thủy sản trong quý II/2021 sẽ tiếp đà tăng trưởng 10% và đạt khoảng 2,1 tỷ USD. Australia, Canada, Anh, Nga sẽ tiếp tục là những điểm sáng mới trong bức tranh xuất khẩu thủy sản từ nay đến cuối năm vì nhu cầu đang gia tăng và không gặp bất ổn hay rào cản thị trường.
Áp lực từ giá nguyên liệu tăng cao
Mặc dù thị trường xuất khẩu có nhiều tín hiệu lạc quan song nhiều doanh nghiệp đang đối mặt với không ít thách thức do chi phí nguyên liệu, vận chuyển tăng cao và diễn biến khó lường của dịch Covid-19 ở nhiều khu vực.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty Cao su Đức Minh, Chủ tịch Hội Cao su nhựa TPHCM cho biết, vấn đề lớn nhất hiện nay của các doanh nghiệp không phải là đầu ra mà chính là giá nguyên liệu tăng, đẩy chi phí sản xuất lên cao.
Cụ thể, chỉ tính từ đầu năm 2021 đến nay, giá các mặt hàng nguyên liệu và hóa chất và phụ gia sản xuất cao su đã tăng 60% so với trước và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
“Trong khi chí phí sản xuất tăng đột biến nhưng các doanh nghiệp rất khó để đàm phán tăng giá bán với khách hàng do hợp đồng đã được ký trước. Với các hợp đồng mới, khi doanh nghiệp đề cập điều chỉnh tăng giá từ 5 - 10% nhiều đối tác đã chần chừ chốt đơn và có tâm lý chờ giá giảm. Còn nếu bán với giá cũ thì doanh nghiệp nắm chắc phần lỗ dù sản lượng xuất khẩu vẫn tăng” - ông Nguyễn Quốc Anh nêu khó khăn.
Chi phí nguyên liệu tăng cao cũng là vấn đề khiến doanh nghiệp dệt may đau đầu trong thời gian gần đây. Ông Lê Nhung, Giám đốc Công ty TNHH May mặc Thành Đạt thông tin cho hay, không chỉ có nguyên liệu nhập khẩu trực tiếp tăng giá do ảnh hưởng của cước vận tải đường biển mà ngay cả nguyên liệu sản xuất trong nước cũng tăng từ 20 - 30% so với cuối năm 2020 khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.
Nguyên nhân là do các doanh nghiệp dệt Việt Nam chủ yếu nhập khẩu sợi từ nước ngoài nhưng sản lượng bông (nguyên liệu dùng để kéo sợi) thế giới năm qua sụt giảm khiến giá sợi nhiều nơi đã tăng lên từ 25 - 30%.
Trước tình thế trên, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải tìm nguồn hàng thay thế từ Thái Lan và Indonesia. Tuy nhiên, nắm bắt được tình trạng khan hiếm nguồn cung nguyên liệu nhựa trên thị trường, nhiều nhà cung ứng mới cũng liên tục tăng giá.
Từ đầu năm đến nay, những nhà cung ứng nguyên liệu nhựa tại Indonesia đã tăng giá bán 4 lần. Ước tính giá nguyên liệu nhựa trên thị trường đã tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước.
Nhiều chuyên gia và hiệp hội ngành hàng cho rằng, nguyên liệu phục vụ sản xuất -xuất khẩu không phải là vấn đề mới nhưng đang ngày càng trở nên cấp thiết đối với nhiều ngành hàng của Việt Nam.
Trước đó, giải pháp thu hút đầu tư, xây dựng các cụm khu công nghiệp chuyên biệt cho sản xuất nguyên liệu dệt may, da giày đã được nêu ra ở nhiều hội nghị, hội thảo nhưng đến nay vẫn chỉ dừng lại ở mức đề xuất.
Các cơ quan quản lý, ngành hàng phải hành động cụ thể cho chiến lược phát triển nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa phục vụ sản xuất – xuất khẩu. Bởi chủ động nguyên liệu tại chỗ không chỉ giúp doanh nghiệp sản xuất kiểm soát được chi phí, giá thành mà còn là điều kiện quan trọng để tận dụng ưu đãi từ các hiệp định thương mại tự do, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt trên thị trường quốc tế.