Xuất khẩu thủy sản: Coi chừng thẻ đỏ!

(ĐTTCO) - Tháng 10-2017,  ngành thủy sản Việt Nam bị Ủy ban châu Âu (EC) rút thẻ vàng vì không tuân thủ quy định chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU). 
Thẻ vàng này đồng nghĩa với việc thủy hải sản từ Việt Nam xuất khẩu sang EU bị kiểm soát 100% chứ không còn là kiểm tra xác suất như trước đây. Và hậu quả của thẻ vàng được nhìn thấy ngay sau đó.
Sau 2 năm chịu tác động từ thẻ vàng IUU, kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang EU giảm 12%, tương đương 183,5 triệu USD. Từ năm 2019, EU đã tụt từ vị trí thứ 2 xuống vị trí thứ 4 trong các thị trường nhập khẩu thủy sản Việt, sau Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. 
Đến nay sau gần 4 năm loay hoay chưa thể gỡ được thẻ vàng, thì nhiều ý kiến bắt đầu tỏ ra lo ngại liệu chúng ta có bị EC rút thẻ đỏ hay không. Phía Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn cũng như Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng với những nỗ lực của Việt Nam thì khó bị rút thẻ đỏ và đặt mục tiêu trong năm 2022 chúng ta sẽ gỡ được thẻ vàng trở về thẻ xanh.
Thực ra mục tiêu gỡ thẻ vàng có ngay từ tháng 5-2018 khi EC tổ chức đợt đánh giá đầu tiên ở Việt Nam. Nhưng mục tiêu không thành. Việt Nam tiếp tục nỗ lực với nhiều giải pháp được đưa ra để chờ đợt đánh giá thứ 2 của EC vào tháng 11-2019.
Thế nhưng thẻ vàng vẫn chưa được gỡ, EC còn đưa ra 4 nhóm khuyến nghị yêu cầu Việt Nam cần thực hiện trong thời gian tới gồm: Khung pháp lý; Theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá, quản lý đội tàu; Chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác; Thực thi pháp luật.
Từ năm 2020 đến nay theo thông tin từ Bộ Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn, do dịch Covid-19 EC không thể sang Việt Nam trực tiếp đánh giá, nhưng Bộ thường xuyên cập nhật kết quả thực hiện theo 4 nhóm khuyến nghị trước đó. Song kết quả cho đến nay chúng ta vẫn đang bị thẻ vàng và thời hạn đến khi nào, có chuyển sang thẻ xanh hay lại bị đỏ thì chưa ai có thể nói trước.
Bởi lẽ chúng ta cần xem xét lại toàn bộ quy định, luật pháp cũng như việc thực thi của mình, nhất là ở cấp độ địa phương nơi có những hoạt động đánh bắt hải sản. Cái nào làm được, cái nào chưa làm được cần phải được công khai, minh bạch để cùng các cơ quan chức năng gỡ nút thắt, chứ đừng vì thành tích mà cho rằng địa phương mình đã làm tốt để ảnh hưởng đến kết quả chung. EC có những quy trình kiểm tra thực tế chứ không chỉ nhìn vào văn bản báo cáo để kết luận có rút thẻ hay không. 
Trong bối cảnh hiện nay, khi tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, việc lơ là trong thực thi, kiểm soát hoàn toàn có thể xảy ra. Nó buộc các địa phương phải có những giải pháp rõ nét hơn nữa. Làm sao để vừa chống dịch nhưng cũng vừa đảm bảo thực thi tốt nhất các khuyến nghị của EC.
Chúng ta đang bước vào một mục tiêu mới là gỡ thẻ vàng trong năm 2022. Nếu không làm tốt thì có thể mục tiêu vẫn chỉ là mục tiêu. Thậm chí thẻ vàng không thể gỡ mà còn bị chuyển qua thẻ đỏ. 
Tất nhiên, thẻ đỏ là điều không ai mong muốn vì hậu quả của nó thật khủng khiếp. Chúng ta sẽ mất đi thị trường EU, ước tính ngành thủy sản Việt Nam sẽ tổn thất khoảng 480 triệu USD mỗi năm nếu mất thị trường EU. Trong đó, ước tính tổn thất từ hải sản khai thác, bao gồm cá ngừ, cá kiếm, nhuyễn thể, mực, bạch tuộc và các loài hải sản khác khoảng 387 triệu USD mỗi năm.
Các tác động gián tiếp đối với thủy sản nuôi trồng có nguyên do từ việc giảm sút uy tín, gánh nặng kiểm soát hải quan ngày càng tăng và việc không tận dụng được thuế quan ưu đãi của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA). Ngành thủy sản nuôi trồng có thể mất khoảng 93 triệu USD do các tác động gián tiếp.
Đó là chưa kể từ thẻ đỏ này nhiều thị trường khác cũng sẽ siết chặt gọng kìm kiểm soát thủy hải sản của Việt Nam. Như vậy khó sẽ càng thêm khó. Đừng để vàng mãi vàng hoặc vàng chuyển đỏ. Hãy nỗ lực để vàng thành xanh, kéo lại uy tín và sức tăng trưởng cho một ngành hàng đầy tiềm năng xuất khẩu là thủy sản. 

Các tin khác