Tín hiệu lạc quan
Có thể thấy, điểm nhấn XK quý I-2021 là ngành gỗ: miệt mài XK, tăng 41,5% so với quý I năm ngoái, nhờ tranh thủ cơ hội từ đại địch và thương chiến giữa các đại kình địch.
Theo đó, khi nhiều nước thu hẹp hoặc đình đốn sản xuất, đồ gỗ Việt Nam vẫn XK đều đều, còn vận dụng phương thức xúc tiến thương mại thời đại dịch, tham gia hội chợ trực tuyến vừa đỡ tốn phí, vừa quảng bá được nhanh và rộng nhiều sản phẩm.
Riêng kênh online, nền tảng của triển lãm trực tuyến HOPE dành cho ngành gỗ được khai sinh vào cao điểm của đại dịch có kết quả bất ngờ. Hiện nước ta đứng thứ 2 thế giới sau Trung Quốc về XK gỗ và sản phẩm gỗ, Mỹ vẫn là khách hàng mua đồ gỗ lớn nhất của Việt Nam.
Máy vi tính với kim ngạch đứng thứ 2 trong số 45 mặt hàng XK chủ lực tăng 28,1%; máy móc thiết bị phụ tùng đứng thứ 3 tăng 73,9%. Dệt may dù tăng khiêm tốn 1,1%, nhưng đã chấm dứt sự sa sút của năm 2020 (giảm 10,2% so với 2019), bắt đầu phục hồi sớm hơn ít nhất 1 năm so với tổng cầu của thị trường.
Dệt may thuộc nhóm hàng thiết yếu, khi đại dịch bị khống chế, gói cứu trợ đến người dân, sẽ là một trong những thứ được lựa chọn sớm. Điện thoại, giày dép kim ngạch duy trì vị thế cao, đều có mức tăng ấn tượng.
Rau quả qua cơn bĩ cực 2 năm 2019 (sụt 1,1% so với 2018) và 2020 (giảm 13% so với 2019), khi quý I tăng 6%. Cùng lúc có tin Nhật Bản cấp bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho vải thiều Bắc Giang. Điều đó khẳng định chất lượng vải thiều Lục Ngạn đạt chuẩn quốc tế, sẽ giúp quả vải không những đứng vững tại Nhật Bản, còn vươn tới nhiều quốc gia khác yêu cầu cũng khắt khe.
Doanh nghiệp nội vẫn lép vế
Doanh nghiệp nội vẫn lép vế
Khối doanh nghiệp (DN) nội tăng nhẹ 4,1%, thấp nhiều so với mức tăng chung 21%, càng thấp so với khối DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 27,5%, khi tỷ trọng của DN nội chỉ còn 23,6% trong tổng kim ngạch XK, nhường khối DN FDI chiếm 76,4%. Năm 2020, tỷ trọng đó của khối DN nội 27,9% và FDI 72,2%.
Chưa hết, DN ngoại tham gia XK tới 30 nhóm mặt hàng từ nông phẩm đến công nghệ phẩm, trong đó có 3 nhóm họ áp đảo DN nội.
Cụ thể, 2 tháng đầu năm 2021, nhóm hàng điện thoại và linh kiện XK 9,78 tỷ USD, trong đó DN FDI xuất tới 9,68 tỷ USD, DN Việt chỉ 0,1 tỷ USD; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện XK 7,27 tỷ USD, trong đó khối DN FDI 7,12 tỷ USD; máy móc thiết bị phụ tùng XK đạt 5,6 tỷ USD, trong đó DN FDI 5,21 tỷ USD.
Sự “thu mình” của khối DN trong nước bởi việc XK những mặt hàng chủ yếu do họ kinh doanh sa sút hoặc tăng không đáng kể.
Thủy sản tuy tăng song có hiện tượng các lô hàng bị Trung Quốc trả về tăng đột biến trong 3 tháng đầu năm so với năm 2020, do chưa đáp ứng được yêu cầu của khách hàng từng được coi là dễ tính.
Hàn Quốc bổ sung 5 chỉ tiêu bệnh (DIV1, TiLV, NHP, SAV, AHPND) đối với một số thủy sản XK vào nước này phải kèm theo chứng nhận kiểm dịch đối với 5 bệnh nói trên, bắt đầu thực hiện từ 1-8 tới.
Trong quý này, nhóm nông thủy sản có 4 mặt hàng giảm là hạt điều, cà phê, hạt tiêu, gạo đều mang dấu ấn DN nội. Còn dầu thô từng là cứu cánh một thời, mấy năm nay sa sút và quý I năm nay còn tệ hơn, dù giá XK cao hơn giá bình quân thế giới nhưng sản lượng khai thác giảm mạnh, kết cục kim ngạch giảm tới 21,6%, kéo theo hệ lụy kim ngạch nhập siêu dầu thô tương đương kim ngạch XK chính nó.
Trong khi đó, giày dép tăng 13,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, kết quả này chủ yếu do các đơn hàng trước Tết Nguyên đán Tân Sửu. Nay qua đợt cao điểm đặt hàng, đơn hàng bắt đầu đi xuống nhất là giày dép thời trang, chỉ DN sản xuất giày thể thao cho các nhãn hàng lớn như Nike, Adidas đơn hàng còn tương đối ổn định.
Một số DN phải giảm thời gian sản xuất, chuyển một phần sang sản xuất giày nội địa. Dù tồn kho nhưng vẫn phải làm để giữ việc làm cho người lao động, chờ dịch được kiểm soát và sốt ruột ngóng… đơn hàng.
FTA mở nhưng vướng rào cản
FTA mở nhưng vướng rào cản
Khối DN nội XK quý I tăng nhẹ 4,1%, trong khi khối DN FDI tăng 27,5%, khi tỷ trọng của DN nội chỉ còn 23,6%, nhường khối DN FDI chiếm 76,4% trong tổng kim ngạch XK. |
Song lợi thế này lại đang bị vướng nhiều vụ kiện tụng. Cuối tháng 1, Malaysia áp mức thuế 7,42% dành cho các sản phẩm của POSCO Việt Nam, trong khi các sản phẩm của CTCP China Steel Sumikin Việt Nam và các nhà sản xuất thép khác sẽ chịu mức thuế 33,7%.
Đầu tháng 2, thép cốt bê tông XK vào Canada bị kết luận biên độ phá giá 3,7-15,4%, sẽ bị áp dụng thuế chống bán phá giá tạm thời tương ứng với mức biên độ bán phá giá. Ngày 11-2, Ấn Độ thông báo khởi xướng điều tra vụ việc chống trợ cấp đối với một số sản phẩm ống thép hàn không gỉ có xuất xứ từ Việt Nam.
Ngày 17-2, Indonesia cho rằng việc bán phá giá, gây ra thiệt hại cho các ngành sản xuất tôn lạnh nội địa của họ, đã áp dụng thuế chống bán phá giá 3,01-49,2% đối với thép Việt Nam...
FTA Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Viet Nam - EAEU FTA) đã mở ra thị trường XK, trong đó có hàng dệt may vào 5 nước thuộc EAEU gồm Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan.
Tuy nhiên vừa qua Việt Nam đã “chốt” XK vượt quota, có nguy cơ bị áp mức thuế MFN (đối xử tối huệ quốc) trong 6 tháng hoặc 9 tháng. Đặc biệt, việc thiếu container rỗng dai dẳng dẫn tới cước phí vận tải phi mã chưa có điểm dừng.
Cước phí thuê container tiếp tục gây khó cho XK, nhẹ cũng vài % nặng tới vài chục %, nếu cần gấp phải chịu giá cước chóng mặt. Với NK còn khó hơn vì các hãng tàu ưu tiên vỏ container cho hàng xuất từ Việt Nam (đưa hàng đi và quay lại ngay), thay vì chờ để đưa hàng nhập về.
Trong khi đó cước vận chuyển tăng, thuế NK tính trên giá CIF cũng tăng, vì gồm giá bán cộng phí bảo hiểm quốc tế và phí vận chuyển.