100 năm xung đột
Xung đột mới nhất bắt đầu khi quân đội Israel tấn công vào các địa điểm ở Dải Gaza nhằm “đáp trả các mối đe dọa” từ nhóm chiến binh Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ). Tuy nhiên, gốc gác các mâu thuẫn lại có từ cách nay 100 năm.
Đầu tiên Anh đã nắm quyền kiểm soát khu vực được gọi là Palestine (nay là của Palestine và Israel) sau khi người cai trị phần đó của Trung Đông, Đế chế Ottoman, bị đánh bại trong Thế chiến thứ nhất. Vùng đất này là nơi sinh sống của thiểu số Do Thái và đa số Ả Rập.
Căng thẳng giữa hai dân tộc ngày càng gia tăng khi cộng đồng quốc tế giao cho Anh nhiệm vụ thành lập "ngôi nhà quốc gia" ở Palestine cho người Do Thái. Đối với người Do Thái, đó là quê hương của tổ tiên họ, nhưng người Ả Rập ở Palestine cũng tuyên bố chủ quyền và phản đối việc này. Giữa những năm 1920 và 1940, số lượng người Do Thái đến đây ngày càng tăng, và bạo lực giữa người Do Thái và người Ả Rập cũng gia tăng.
Năm 1947, Liên hiệp quốc (LHQ) đã bỏ phiếu cho Palestine được tách thành các quốc gia Do Thái và Ả Rập riêng biệt, nhưng Jerusalem trở thành thành phố quốc tế của cả 2 quốc gia. Kế hoạch đó đã được các nhà lãnh đạo Do Thái chấp nhận nhưng bị phía Ả Rập bác bỏ và không bao giờ thực hiện.
Năm 1948, các nhà lãnh đạo Do Thái tuyên bố thành lập nhà nước Israel. Palestine phản đối và cuộc chiến xảy ra sau đó. Quân đội từ các nước Ả Rập láng giềng cũng tham gia. Hàng trăm ngàn người Palestine chạy trốn hoặc buộc phải rời khỏi nhà của mình. Israel dần kiểm soát phần lớn lãnh thổ. Thời điểm này, Jordan cũng nhảy vào chiếm vùng đất được gọi là Bờ Tây và Ai Cập chiếm Gaza. Jerusalem bị chia cắt giữa lực lượng Israel ở phía Tây và lực lượng của Jordan ở phía Đông. Từ đây khu vực này liên miên xảy ra các cuộc giao tranh.
Trong cuộc chiến vào năm 1967, Israel đã mở rộng lãnh thổ chiếm đóng Đông Jerusalem và Bờ Tây, cũng như hầu hết Cao nguyên Golan của Syria, Gaza và bán đảo Sinai của Ai Cập. Hiện nay, Israel vẫn chiếm đóng Bờ Tây, dù họ đã rút khỏi Gaza, nhưng LHQ vẫn coi mảnh đất đó là lãnh thổ bị chiếm đóng. Israel tuyên bố toàn bộ Jerusalem là thủ đô của mình, trong khi người Palestine tuyên bố Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine trong tương lai. Phía Mỹ đã công nhận thành phố này là thủ đô của Israel.
Trong 50 năm qua, Israel đã xây dựng các khu định cư ở những khu vực này, nơi hiện có hơn 600.000 người Do Thái sinh sống. Người Palestine cho rằng điều này vi phạm luật pháp quốc tế và là trở ngại cho hòa bình, nhưng Israel phủ nhận.
Sức mạnh của kinh tế?
Khi các lực lượng Israel tiến hành các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu PIJ ở Gaza vào tuần trước, nhiều người đã chờ xem liệu nhóm chiến binh lớn nhất kiểm soát Gaza từ năm 2007 là Hamas có bị lôi kéo vào. Năm ngoái, Hamas đã bắn hàng ngàn quả rocket vào Israel trong cuộc chiến kéo dài 11 ngày. Nhưng lần này, Hamas đã để cho nhóm nhỏ hơn tham gia cuộc xung đột kéo dài 56 giờ. Điều này có ý nghĩa gì?
Israel và Ai Cập đã phong tỏa Gaza kể từ khi Hamas lên nắm quyền, làm tê liệt nền kinh tế của dải đất rộng 365km2 với 2,3 triệu cư dân bị ảnh hưởng. Nhưng kể từ cuộc chiến năm ngoái, các nhà chức trách Israel đã đưa ra các biện pháp thúc đẩy kinh tế của Hamas nhằm đảm bảo sự ổn định, nới lỏng các hạn chế đối với một số mặt hàng nhập khẩu, cấp khoảng 14.000 giấy phép cho người Gaza sang làm việc tại Israel để đổi lại sự hòa hoãn.
PIJ là nhóm nhỏ hơn nhưng cực đoan hơn Hamas.
Việc làm này của Israel đã đóng góp một phần vào quyết định của Hamas trong việc đứng ngoài cuộc giao tranh. Một quan chức ngoại giao Israel cấp cao cho biết: “Hamas không phải là đối tác, đó là kẻ thù. Nhưng chúng tôi vẫn có thể hợp tác, để cải thiện cuộc sống của người dân Gaza, đó là lợi ích của chúng tôi, cũng như lợi ích của người dân Gaza”.
Hòa bình mong manh
Theo các nhà phân tích, quyết định của Hamas phản ánh sự khác biệt giữa lợi ích của họ và lợi ích của PIJ. Cả 2 đều phản đối sự tồn tại của Israel và có chung hệ tư tưởng Hồi giáo. Nhưng PIJ cực đoan hơn và luôn bác bỏ bất kỳ sự can dự nào vào chính trị của người Palestine, tức không thỏa hiệp với Israel. Điều này khác với Hamas, tổ chức đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2006 ở Gaza. Tháng trước, lãnh đạo của PIJ, Ziad al-Nakhalah, đã chỉ trích việc Hamas chấp nhận sự đánh đổi cho phép hòa bình là phản tác dụng: "Khi chúng ta ngừng kháng cự, hài lòng với một số biện pháp, ai sẽ đòi hỏi quyền lợi của chúng ta?".
Ngược lại, Hamas, với tư cách là người cai trị Dải Gaza, đang cố gắng kiềm chế các đợt bạo lực lặp đi lặp lại. Hiện Gaza đang phục hồi sau cuộc xung đột năm ngoái làm hơn 250 người Palestine thiệt mạng. “Hamas biết rằng tâm trạng của công chúng ở Gaza phản đối kịch liệt các cuộc chiến. Hamas không có tư tưởng như các nhóm thánh chiến Hồi giáo. Họ cũng biết rằng các nhà tài trợ như Qatar và Ai Cập đang mệt mỏi và kiệt sức. Họ nghĩ phải tránh chiến tranh bằng mọi giá” - Muhammad Shehada, nhà phân tích người Gaza, nói.
Ngay sau ngừng bắn, Israel đã mở lại các ngã vào Gaza để vận chuyển nhân đạo, đồng thời nới lỏng thêm các hạn chế. Shehada nói nếu Israel đáp lại quyết định của Hamas bằng những nhượng bộ rộng rãi hơn, chẳng hạn cho phép một khu công nghiệp ở Gaza mở rộng hoạt động, có thể giúp thay đổi cán cân quyền lực giữa những người theo phe cứng rắn và ôn hòa của Hamas. “Các nhà lãnh đạo ôn hòa của Hamas sẽ nói với các đồng nghiệp cứng rắn của họ rằng: Hãy nhìn xem, các cuộc đàm phán, ngoại giao đã gặt hái được nhiều thành quả" - Shehada nói
Tuy nhiên, những người khác ít lạc quan hơn về sức mạnh của các biện pháp như vậy trong việc thay đổi mối quan hệ giữa Israel và Gaza nếu thiếu vắng tiến trình hòa bình lâu dài. Dalalsha nói: “Các biện pháp kinh tế chỉ là sự tập hợp các chiến thuật giúp quản lý tình hình từ vòng bạo lực này sang vòng bạo lực khác. Nếu không giải quyết được xung đột trong bức tranh lớn hơn, điều này sẽ phát triển thành vòng đối đầu khác. Và thời điểm tới vòng xung đột khác đang được đếm ngược".