Xung đột Nga-Ukraine: Cú đúp thiệt hại kinh tế toàn cầu

(ĐTTCO) - Nền kinh tế thế giới đang phục hồi yếu ớt sau khi bị vùi dập bởi đại dịch Covid-19, đứt gãy chuỗi cung ứng và giá cả tăng vọt, nay phải hứng thêm cú đúp thiệt hại do cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine mang lại.

Một trạm khí đốt ở Kasimov. Nga là nguồn cung gần 40% khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở châu Âu.
Một trạm khí đốt ở Kasimov. Nga là nguồn cung gần 40% khí đốt tự nhiên tiêu thụ ở châu Âu.
Vai trò nhỏ, ảnh hưởng to
Nga là quốc gia có diện tích lớn nhất thế giới, xuyên lục địa với 146 triệu dân và kho vũ khí hạt nhân khổng lồ. Nước này cũng là nhà cung cấp chính dầu, khí đốt và nguyên liệu thô, giúp duy trì hoạt động của các nhà máy trên thế giới. Nhưng không như Trung Quốc, một cường quốc sản xuất và có vai trò quan trọng trong các chuỗi cung ứng toàn cầu, Nga chỉ đóng vai trò nhỏ trong nền kinh tế thế giới. Italia có dân số chỉ bằng nửa của Nga, ít tài nguyên thiên nhiên hơn, nhưng có nền kinh tế lớn gấp đôi. Hay như Ba Lan xuất khẩu nhiều hàng hóa sang EU hơn Nga. 
Jason Furman, nhà kinh tế học Harvard từng là cố vấn của Tổng thống Barack Obama, cho biết: “Nga cực kỳ không quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, ngoại trừ dầu khí. Về cơ bản, nó là một trạm xăng lớn”. Nhưng khi “trạm xăng” này đóng cửa, nó có thể gây tê liệt cho những người phụ thuộc vào nó. Châu Âu nhận gần 40% khí đốt tự nhiên và 25% dầu từ Nga. Sự phụ thuộc càng tăng khi thời tiết giá lạnh đang đến gần, trong khi dự trữ khí đốt ở châu lục này hiện ở mức thấp hơn 1/3 công suất.
Bên cạnh đó, giá thực phẩm vốn đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 10 năm do sự xáo trộn trong chuỗi cung ứng thời đại dịch. Nay lại thêm cú bồi khi Nga là nhà cung cấp lúa mì lớn nhất thế giới cùng với Ukraine, chiếm gần 1/4 tổng kim ngạch xuất khẩu toàn cầu. Đối với một số quốc gia, sự phụ thuộc còn lớn hơn nhiều. Dòng ngũ cốc đó chiếm hơn 70% tổng lượng lúa mì nhập khẩu của Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, nước đang ở giữa cuộc khủng hoảng kinh tế và phải vật lộn với lạm phát đang lên tới gần 50%, với giá thực phẩm, nhiên liệu và điện tăng chóng mặt.

Cú đánh bồi
Như đã thấy rõ qua đại dịch, những gián đoạn nhỏ ở một khu vực có thể tạo ra những gián đoạn lớn ở xa. Đó là tình trạng thiếu hụt cục bộ và giá cả tăng đột biến - cho dù là khí đốt, lúa mì, nhôm hay niken - có thể gây ra “lở tuyết” trong thế giới vẫn đang vật lộn để phục hồi sau đại dịch. Hiện các nền kinh tế vẫn đang phục hồi sau những đòn kinh tế do đại dịch gây ra, thì cú bồi hành động quân sự của Nga có thể có tác động kép, làm chậm hoạt động kinh tế và tăng giá.
Tại Mỹ, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đang đối mặt với lạm phát cao nhất 40 năm, ở mức 7,5% vào tháng 1, dự kiến sẽ bắt đầu tăng lãi suất vào tháng tới. Giá năng lượng cao do xung đột ở châu Âu có thể chỉ là tạm thời, nhưng đang làm dấy lên lo lắng về vòng xoáy giá cả, tiền lương. Lạm phát cũng có thể được thúc đẩy bởi tình trạng thiếu hụt các kim loại thiết yếu như palađi, nhôm và niken, tạo ra sự gián đoạn khác đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang hứng chịu đại dịch. Thí dụ, giá của palađi, được sử dụng trong hệ thống xả ô tô, điện thoại di động, chất hàn răng, đã tăng vọt trong những tuần gần đây do lo ngại Nga, nước xuất khẩu kim loại lớn nhất thế giới, có thể bị cắt khỏi thị trường toàn cầu. Giá niken, được sử dụng để sản xuất thép và pin ô tô điện, cũng tăng vọt.
Phương Tây đã thực hiện các bước để giảm bớt tác động đối với châu Âu nếu ông Putin quyết định trả đũa những đòn trừng phạt. Mỹ đã tăng cường cung cấp khí đốt tự nhiên hóa lỏng và yêu cầu các nhà cung cấp khác như Qatar cũng làm như vậy. Nhu cầu về dầu có thể tạo thêm động lực cho các cuộc đàm phán nhằm khôi phục một thỏa thuận nhằm hạn chế chương trình hạt nhân của Iran. 

Được vạ má đã sưng?
Một số biện pháp trừng phạt Nga của chính quyền Biden đang xem xét, chẳng hạn như cắt quyền truy cập vào Hệ thống Thanh toán Quốc tế (SWIFT), hoặc chặn các công ty bán bất cứ thứ gì cho Nga có chứa các thành phần do Mỹ sản xuất, sẽ gây tổn hại cho bất kỳ ai làm ăn với Nga. Nhìn chung, Mỹ ít bị tổn thương hơn so với EU, đối tác thương mại lớn nhất của Nga. Nhưng khả năng giá xăng sẽ lên cao hơn là điều khó tránh. Trong khi đó, châu Âu có nhiều liên kết hơn với Nga và tham gia nhiều giao dịch tài chính hơn, bao gồm cả thanh toán cho khí đốt của Nga.
Thí dụ, các công ty dầu mỏ như Shell và Total có liên doanh ở Nga, trong khi BP là một trong những nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất ở Nga, có quan hệ với công ty dầu khí Nga Rosneft. Airbus, gã khổng lồ hàng không châu Âu, mua titan từ Nga. Các ngân hàng châu Âu, đặc biệt ở Đức, Pháp và Italia, đã cho người Nga vay hàng tỷ USD. Vì vậy, Adam Tooze, Giám đốc Viện Châu Âu tại Đại học Columbia, cho biết: “Các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc làm tổn thương Nga một cách đau đớn và toàn diện có khả năng gây thiệt hại lớn cho các khách hàng châu Âu”.
Tùy thuộc vào những gì xảy ra, những tác động đáng kể nhất đối với nền kinh tế toàn cầu có thể chỉ thể hiện trong thời gian dài. Một kết quả sẽ là thúc đẩy Nga có quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn với Trung Quốc. 2 nước này gần đây đã đàm phán hợp đồng 30 năm để Nga cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua một đường ống mới. Carl Weinberg, nhà kinh tế trưởng tại High Frequency Economics, nói: “Nga có khả năng xoay chuyển tất cả xuất khẩu năng lượng và hàng hóa sang Trung Quốc”.
Cuộc khủng hoảng cũng góp phần vào việc đánh giá lại cấu trúc nền kinh tế toàn cầu và khả năng tự cung tự cấp của các khu vực. Đại dịch đã nêu bật những mặt trái của các chuỗi cung ứng xa xôi dựa vào sản xuất tinh gọn. Giờ đây, sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt của Nga đang thúc đẩy các cuộc thảo luận về việc mở rộng các nguồn năng lượng, điều này có thể giúp thúc đẩy sự hiện diện của Nga trong nền kinh tế toàn cầu. 

Các tin khác