PHÓNG VIÊN: - Xin chúc mừng ông được bầu làm Chủ tịch YBA nhiệm kỳ mới. Ông có thể chia sẻ một số hoạt động của YBA trong thời gian tới?
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, DN trong nước phải tìm đường ra nước ngoài phát triển mạnh hơn. Để góp phần giúp DN trong hành trình này, YBA đang nỗ lực kết nối các hiệp hội của nhiều nước để làm cầu nối cho DN trong hội trong việc tìm kiếm các cơ hội kinh doanh. |
Trải qua 24 năm hình thành và phát triển, đến nay YBA có rất nhiều thành viên là chủ DN, đó chính là đội ngũ cố vấn giúp hỗ trợ các hội viên mới. Ngoài ra, YBA hiện có những hội viên rất mạnh về các mảng như quản trị, tài chính, nhân lực, marketing…
Chúng tôi sẽ tận dụng nguồn lực đó để hỗ trợ DN hội viên thông qua những buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm. Trong tương lai YBA hướng tới việc tổ chức nhiều nhóm nhỏ sau đó mời chuyên gia nước ngoài về giảng dạy.
Thứ hai, YBA sẽ hỗ trợ hội viên phát triển kinh doanh của DN mình thông qua các chuỗi YBA link, tạo liên kết ngành nghề để chinh phục thị trường trong và ngoài nước, hoặc các hội viên cùng liên kết để thực hiện các dự án lớn.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ mới chúng tôi tập chung nhiều hơn cho công tác xã hội. Lâu nay YBA có 5 chi hội thành viên và các chi hội đều có hoạt động xã hội của mình nhưng còn đơn lẻ chưa mang tính cộng hưởng. Ban lãnh đạo nhiệm kỳ mới mong muốn sẽ có những hoạt động chính, sau đó lan tỏa xuống các chi hội, như vậy tính hiệu quả sẽ cao hơn.
- Nhiều ý kiến cho rằng tham gia các hiệp hội chỉ làm mất thời gian, hiệu quả chưa cao. Với kinh nghiệm hơn 10 năm là hội viên YBA ông nghĩ sao về điều này?
- Hơn 10 năm trước, Liên Á còn là DN nhỏ, kiến thức quản trị, tài chính, marketing của tôi cũng còn non nớt. Vì thế tôi đã nghĩ mình phải tìm kiếm môi trường để học hỏi và quyết định gia nhập YBA để học hỏi kiến thức.
Thực tế YBA là môi trường giúp mình học hỏi rất nhanh thông quan những buổi gặp gỡ, chia sẻ của từng nhóm nhỏ. Nhiều doanh nhân đi trước chia sẻ những thành công, thất bại cũng là cách để mình tự học hỏi được nhiều điều.
Về thời gian nếu chỉ là hội viên bình thường sẽ không bị áp lực, nhưng khi tham gia ban chấp hành mất khá nhiều thời gian. Nhưng tôi luôn xác định rõ mình đang được hưởng lợi nhiều ở ngôi nhà chung này, trưởng thành từ đây nên phải có cái gì đó đóng góp lại cho tổ chức để YBA phát triển ngày càng tốt hơn.
Chúng tôi luôn xác định YBA là sân chơi chung, ở đó mọi người cùng đóng góp. Cũng phải nói rõ chuyện hưởng lợi ở đây không chỉ là học hỏi kinh nghiệm mà mình còn có cơ hội mở rộng mối quan hệ, có thêm nhiều bạn bè thân từ YBA và mọi người hỗ trợ lẫn nhau không chỉ trong công việc. Chính vì lẽ đó mỗi người trong ban chấp hành đều cảm thấy thoải mái khi sắp xếp công việc riêng và công việc chung của hội.
- Năm 2017, Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết hỗ trợ DN tư nhân phát triển. Ông nhận thấy những chính sách này đã tác động đến DN như thế nào?
- Ở góc độ của DN mình, tôi cho rằng các tác động chưa rõ nét, có lẽ còn phải có độ trễ của các Nghị định. Tuy nhiên cũng có một vài điểm sáng như các cơ quan ban ngành ngày càng cởi mở, cầu thị và lắng nghe DN nhiều hơn. Nếu hình dung DN như một chiếc xe chạy trên đường, để xe có thể chạy tốt hạ tầng cơ sở phải đảm bảo.
Hạ tầng ở đây bao gồm nhiều yếu tố, trong đó chính sách cần hạn chế thay đổi đột ngột. Chẳng hạn chính sách về BHXH, BHYT có hiệu lực từ năm 2018 sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến DN, nhất là các DN sử dụng nhiều lao động. Tất nhiên, DN cũng kỳ vọng qua năm 2018 những quyết sách của Chính phủ liên quan đến trợ lực cho DN tư nhân sẽ có tác động mạnh mẽ hơn.
- 2018 là năm hội nhập mạnh mẽ khi nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương, đa phương Việt Nam ký kết sẽ có hiệu lực. Theo ông, các DN tư nhân đã sẵn sàng cho quá trình này?
- Có thể thấy việc Việt Nam tham gia nhiều FTA song phương và đa phương cũng chính là nỗ lực của Chính phủ khi tạo ra con đường rộng mở hơn cho các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa của mình ra nhiều nước trên thế giới, những việc còn lại phụ thuộc vào DN. Theo góc nhìn của tôi, hiện nay có nhiều DN tự tin phát triển thị trường trong và ngoài nước, nhưng còn không ít DN chưa chú trọng vào chất lượng, chưa quan tâm đến việc lấy chứng nhận - giấy thông hành cho DN khi đi ra toàn cầu - của các tổ chức quốc tế.
Lâu nay DN Việt Nam vẫn còn yếu về nguồn lực tài chính, con người nhưng cũng ít nhận được trợ lực từ Nhà nước. Riêng về nguồn nhân lực cũng là thách thức rất lớn. DN muốn phát triển không chỉ có chủ DN mà cần có các cộng sự, trong khi hiện nay tìm kiếm nhân lực thực sự có chất lượng không hề đơn giản.
- Là DN khá thành công khi phát triển sản phẩm ra nhiều quốc gia trên thế giới, ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm của Liên Á khi khai phá thị trường ngoại?
- Phải thẳng thắn nhìn nhận khi khai phá thị trường mới cần nhiều thời gian và tài chính, DN phải trường vốn, có nguồn nhân lực đủ tầm để đi xa. Riêng Liên Á khi xuất khẩu chúng tôi xác định rõ 2 thế mạnh của mình là chất lượng và giá thành rất cạnh tranh.
Hiện nay Liên Á đã tự động hóa hoàn toàn với hệ thống máy móc do các kỹ sư của Liên Á hoàn thiện và suất đầu tư chỉ bằng khoảng 1/3 so với máy móc nhập ngoại, trong khi chất lượng sản phẩm luôn ổn định, hiệu quả sản xuất cao.
Một điểm rất cần quan tâm nữa khi xác định đưa hàng ra thị trường nước ngoài là phải hiểu rõ về văn hóa kinh doanh, tiêu dùng địa phương, và quan trọng hơn phải nắm rõ luật của nơi mình đến làm ăn mới có thể thành công.
- Xin cảm ơn ông.