Cú hích cho kinh tế tư nhân
Trong chiến dịch tranh cử, ông Yoon đã chỉ trích việc Tổng thống Moon Jae-in theo đuổi tăng trưởng kinh tế theo hướng do nhà nước lãnh đạo, và cho rằng khu vực tư nhân nên là động lực cho nền kinh tế "công bằng và đổi mới". Ông Yoon nói: “Mô hình kinh tế nên được thay đổi hoàn toàn, dẫn đầu bởi khu vực tư nhân và sự đổi mới, không phải bởi chính phủ và chi tiêu nặng nợ của nó”. Ngay sau khi đắc cử, ông Yoon đã gặp những người đứng đầu các tổ chức kinh tế Hàn Quốc như Phòng Thương mại - Công nghiệp (KCCI), Liên đoàn Công nghiệp (FKI), thống nhất chủ trương "Hội nhập xã hội, vượt qua khủng hoảng kinh tế, linh hoạt các quy định và hỗ trợ các ngành công nghiệp trong tương lai". Chủ trương này được tóm tắt bằng khẩu hiệu: "Hãy sử dụng tinh thần của doanh nghiệp để hỗ trợ mô hình tăng trưởng do tư nhân lãnh đạo".
Ông Yoon nhấn mạnh chính quyền của ông sẽ đảm bảo cơ hội cho mỗi người và tạo ra quốc gia năng động, nơi các cá nhân có thể độc lập và tự do thể hiện sự sáng tạo và nơi giá trị của lao động được tôn trọng. Ông cho biết khu vực tư nhân sẽ tạo ra việc làm và củng cố tầng lớp trung lưu, đồng thời cho biết thêm nền kinh tế vững mạnh do khu vực tư nhân dẫn đầu sẽ góp phần mở rộng phúc lợi. Ông hứa hỗ trợ lớn cho sự phát triển của các công nghệ sáng tạo, giúp nền kinh tế Hàn Quốc bước vào chu kỳ tăng trưởng. Ông cũng hứa hỗ trợ thuế trong các ngành mới như xe điện, pin thứ cấp và công nghệ sinh học, đồng thời duy trì quyền biểu quyết đa số cho các công ty liên doanh. Tổng thống đắc cử Yoon đã tiết lộ ý tưởng áp dụng linh hoạt quy định "Tuần làm việc 52 giờ" theo hướng phù hợp với từng loại hình công việc và đặc thù ngành nghề.
Theo trang EBN, chiến thắng của ông Yoon mở ra hy vọng phát triển ngành công nghiệp chất bán dẫn trong nước, vì ông được biết đến đã đề xuất thúc đẩy việc thành lập các thành phố bán dẫn trong nước, gây quỹ và thành lập các cơ quan liên quan để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn trong nước. Ông cam kết sẽ biến Yongin, Icheon và Pyeongtaek, nơi có Samsung Electronics và SK Hynix, trở thành những “thành phố bán dẫn” trong tương lai. Trong các cuộc vận động tranh cử, ông Yoon cho biết có kế hoạch phát triển ngành công nghiệp bán dẫn như một phần của chiến lược phát triển quốc gia.
Khó khăn trước mắt
Ông Yoon sẽ kế thừa nền kinh tế Hàn Quốc lớn thứ 4 châu Á đang trên đà phục hồi nhờ xuất khẩu tăng mạnh. Tuy nhiên, Hàn Quốc phải đối mặt với rủi ro kinh tế gia tăng trong và ngoài nước trong bối cảnh gia tăng các ca Covid-19, gián đoạn nguồn cung toàn cầu và cuộc khủng hoảng Ukraine. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự báo GDP trong nước sẽ tăng trưởng 3% trong năm nay so với dự báo 4% trước đó; giá tiêu dùng tăng 3,1%, vượt xa mục tiêu lạm phát 2%.
Những lo ngại ngày càng gia tăng do các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Nga có thể làm suy giảm nhu cầu toàn cầu, ảnh hưởng đến xuất khẩu của Hàn Quốc. Lạm phát có thể tăng vọt lên mức 4% trong những tháng tới do xung đột Ukraine đã làm tăng chi phí năng lượng. Sự suy yếu đáng kể của đồng won so với USD đã thúc đẩy các hóa đơn nhập khẩu, gây áp lực lên lạm phát. Giá tiêu dùng của Hàn Quốc tăng 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 5 liên tiếp lạm phát tăng hơn 3%.
Lệnh cấm của Mỹ đối với nhập khẩu dầu và các sản phẩm năng lượng của Nga có thể sẽ thúc đẩy giá dầu vốn đã cao, trong khi Hàn Quốc phụ thuộc chủ yếu vào dầu nhập khẩu. Lạm phát cao làm giảm thu nhập thực tế của người dân và làm tổn hại đến sinh kế, giảm chi tiêu tư nhân và tăng trưởng kinh tế. Ông Yoon dự kiến tìm cách mở rộng chi tiêu tài khóa để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và củng cố sự phục hồi kinh tế. Ông hứa chi khoảng 50.000 tỷ won (40,6 tỷ USD) để bồi thường cho các thương gia vì những thiệt hại do các biện pháp phong tỏa gây ra. Kể từ năm 2020, chính quyền của ông Moon đã chi 7 đợt ngân sách bổ sung 134.000 tỷ won (109,06 tỷ USD) để đối phó với thảm họa bùng phát của đại dịch Covid-19.
Chính phủ sắp tới cũng có khả năng phải lập ngân sách bổ sung khác để tài trợ cho chương trình hỗ trợ Covid của ông Yoon. Ông Yoon cho biết sẽ cắt giảm những khoản chi tiêu không cần thiết và sử dụng nguồn thu từ thuế để tài trợ cho kế hoạch chi tiêu của mình. Nhưng với số tiền hỗ trợ khổng lồ, chính phủ mới sẽ không thể tránh khỏi việc bán nợ. Ông cũng được cho sẽ tập trung vào việc xây dựng môi trường thân thiện với doanh nghiệp và cung cấp hỗ trợ cho các công ty nhằm khuyến khích họ tạo ra việc làm có chất lượng.
Ông Yoon cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi tốc độ tăng trưởng tiềm năng của đất nước lên 4% từ mức 2% hiện tại, và xây dựng hệ thống phúc lợi bền vững với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ. Đối với thị trường nhà ở, ông dự kiến cải cách cơ chế thuế liên quan đến bất động sản. Sự bất bình của công chúng đối với chính sách bất động sản của chính quyền Moon khi giá nhà tăng chóng mặt đã làm tăng gánh nặng thuế lên chủ nhà và tăng chi phí cho những người muốn thuê hoặc mua nhà. Chính phủ đã tung ra một loạt biện pháp để ổn định thị trường nhà ở, bao gồm tăng thuế và thắt chặt quy định cho vay. Nhưng các biện pháp này chỉ khiến giá nhà giảm trong thời gian ngắn khi nhu cầu mua nhà tiếp tục.
Ông Yoon hứa sẽ giảm bớt cái gọi là thuế bất động sản toàn diện cho các chủ sở hữu 1 ngôi nhà và sửa đổi các loại thuế liên quan đến bất động sản khác. Ông cam kết cung cấp 2,5 triệu ngôi nhà mới trong nhiệm kỳ của mình, nới lỏng các quy định về tái thiết và tái phát triển. Tuy nhiên, vấn đề là hiện đảng PPP của ông Yoon vẫn yếu thế trong Quốc hội, nơi đảng Dân chủ (DP) của Tổng thống Moon vẫn chiếm đa số ít nhất đến năm 2024. Điều này lo ngại sẽ cản trở lời hứa của ông Yoon về việc dỡ bỏ các quy định kinh doanh cũng như thông qua các chính sách mới.