Làn sóng F0
Theo Trung tâm Lưu ký CK Việt Nam (VSD), trong tháng 11, nhà đầu tư (NĐT) trong nước đã mở mới 41.203 tài khoản (TK). Số TK mở mới trong tháng 11 đã phá kỷ lục mới khi chính thức vượt qua số TK mở mới của tháng 3-2018 là 40.651 TK. Đây là số TK mở mới tăng cao nhất 1 tháng trong lịch sử TTCK Việt Nam.
Theo thống kê, phần lớn số TK mở mới là NĐT cá nhân với 41.080 TK. Như vậy tính từ đầu năm đến nay, số TK mở mới đạt hơn 330.000 TK, tăng gần 88% so với cùng kỳ 2019. Đáng chú ý là dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng số TK mở mới trong 3 tháng trở lại đây đạt 302.000 TK.
Có 2 yếu tố được giới phân tích lý giải về xuất hiện của nhiều NĐT mới (F0) trên TTCK. Yếu tố đầu tiên là kỳ vọng về sự phục hồi của TTCK sau khi Covid-19 và lãi suất tiền gởi liên tục sụt giảm, giúp TTCK trở thành kênh đầu tư hấp dẫn. Theo nhận định của một chuyên gia CK, các NĐT F0 hiện nay khác rất nhiều so với thế hệ trước đây. NĐT F0 thời điểm hiện tại gia nhập thị trường muộn nhưng lại là những người tích lũy tài sản.
Nền kinh tế Việt Nam đã trải qua nhiều năm tăng trưởng cao, số lượng người giàu tăng, giá trị tích lũy tài sản tăng lên. Các NĐT F0 mới này chính là thế hệ thừa hưởng sự phát triển kinh tế và các giá trị tích lũy tài sản trước đó nên họ rất có tiềm lực.
Sự xuất hiện của ngày càng nhiều các NĐT F0 đã mang lại làn sóng mới cho TTCK cả về thanh khoản lẫn điểm số. Thực tế, thị trường chỉ có vài phiên điều chỉnh xen kẽ và ngay lập tức bùng nổ trở lại. Đơn cử sau phiên điều chỉnh ngày 10-12, dòng tiền nhanh chóng giúp VN Index hồi phục và bứt phá lên trên ngưỡng kháng cự 1.040 điểm trong phiên 11-12.
Điểm tích cực là thanh khoản thị trường đứng ở mức cao với giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE luôn được duy trì trên mốc 10.000 tỷ đồng. Việc VN Index vượt ngưỡng tâm lý 1.000 điểm và dòng tiền duy trì trên mốc 10.000 tỷ đồng, tạo niềm tin cho NĐT về khả năng thị trường kết thúc năm 2020 với chuỗi tăng trong 5 tháng liên tục. Trước đó, chuỗi tăng liên tiếp theo tháng dài nhất là thời điểm VN Index đạt 1.200 điểm với 7 tháng tăng liên tiếp năm 2018.
Vẫn còn cơ hội nhưng cẩn trọng những mã “nóng”
Dù VN Index tăng cao nhưng theo đánh giá của giới phân tích, giá CP vẫn đang ở mức hấp dẫn. Theo CTCK Sài Gòn (SSI), định giá thị trường Việt Nam lên cao so với tháng trước nhưng vẫn ở mức hấp dẫn khi nhìn vào kỳ vọng. Cụ thể, mức tăng trưởng về điểm số trong tháng 11 đã đưa hệ số P/E 2020 và 2021 của nhóm CP trong phạm vi nghiên cứu của SSI lên 18,6x và 15,3x vào ngày 1-12, cao hơn so với mức 17,49x và 14,3x được cập nhật vào ngày 6-11.
Thanh khoản liên tục duy trì ở nền cao kỷ lục củng cố cho quan điểm thị trường đang phản ánh kỳ vọng vào sự hồi phục mạnh của lợi nhuận doanh nghiệp từ năm 2021. So với các nước trong khu vực, hệ số P/E hiện tại của Việt Nam cũng cho thấy một mức hấp dẫn khi nhìn vào triển vọng tăng trưởng kinh tế trong năm 2020 và năm 2021.
Tuy nhiên, trên thị trường vẫn có những mã CP ghi nhận mức tăng vượt trội so với mặt bằng chung. Đơn cử là TCM (CTCP Đầu tư - Dệt may - Thương mại Thành Công) chốt phiên giao dịch 9-12 ở mức 42.200 đồng/CP. Mức giá này cao gấp 2,4 lần so với thời điểm đầu năm 2020 và đây cũng là mức giá cao nhất TCM đạt được từ khi niêm yết tới nay (tính theo giá điều chỉnh).
Tương tự, mã HPG (CTCP Tập đoàn Hòa Phát) cũng đạt mức giá cao nhất trong lịch sử là 38.500 đồng/CP sau phiên giao dịch ngày 9-12. Kết phiên giao dịch ngày 16-11, mã TNC (CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên) đạt xấp xỉ 279.000 đồng/CP và trở thành CP có giá cao nhất trên TTCK ở thời điểm hiện tại. Ghi nhận mức tăng sốc nhất là mã GAB (CTCP Đầu tư khai khoáng và Quản lý tài sản FLC) tăng hơn 18 lần, từ mức chào sàn 12.000 đồng/CP tháng 7-2019 lên 193.000 đồng/CP ở thời điểm hiện nay.
Vấn đề được NĐT quan tâm nhất hiện nay là khi nào thị trường điều chỉnh và liệu sẽ có đợt suy giảm sâu như giai đoạn 2018, sau khi VN Index lên đỉnh 1.200 điểm? Thông thường, khi blue chips có dấu hiệu thoái trào, hàng đầu cơ lên ngôi là đoạn cuối của sóng tăng. Tuy nhiên, theo CTCK MB (MBS), hiện tượng này khó lặp lại trong giai đoạn hiện tại, do dòng tiền ngắn hạn của thị trường có xu hướng dịch chuyển luân phiên giữa các phân lớp CP.
Nếu như ở giai đoạn cuối tháng tháng 11, nhóm vốn hóa lớn thu hút được dòng tiền để tăng điểm, trong khi phần còn lại có xu hướng điều chỉnh giảm thì ở những phiên đầu tháng 12, dòng tiền lại đổ mạnh hơn vào nhóm vốn hóa vừa và nhỏ khi mà nhóm vốn hóa lớn biến động lình xình. Điều này đến từ bản chất dòng tiền đầu cơ là tìm kiếm cơ hội liên tục, nên khi nhóm CP vốn hóa lớn lình xình thì có một phần dòng tiền chạy vào các CP nhỏ. Nhờ sự luân chuyển đều của dòng tiền mà thị trường luôn giao dịch sôi động và dự báo thị trường sẽ còn có những phiên giao dịch bùng nổ về thanh khoản từ nay đến cuối năm.
Dù vậy, việc giải ngân vào CP đã tăng nóng như TCM, GAB hay NTC luôn có rủi ro cao, bởi nếu thông tin không đúng kỳ vọng NĐT thì giá có thể giảm đúng phần tăng trước đó và hiện tượng CP “nằm sàn” liên tục là không tránh khỏi. Với tính chất lợi nhuận cao đi kèm rủi ro cao, NĐT trước khi tham gia phải xác định được mức độ chịu đựng, khẩu vị rủi ro và kỳ vọng lợi nhuận.
Về chiến lược đầu tư, MBS cho rằng NĐT nên lựa chọn CP cụ thể quan trọng hơn là chỉ số thị trường ở thời điểm này trong bối cảnh mặt bằng CP đang ở vùng cao. Dòng tiền đang có dấu hiệu chuyển hướng sang nhóm midcap hoặc các CP trong rổ ETF Finlead và Finselect. Do vậy, bên cạnh nhóm ngân hàng vận động vai trò giữ nhịp thị trường, NĐT nên tận dụng các nhịp điều chỉnh để cơ cấu danh mục theo xu hướng dòng tiền.
Ngoài sự tham gia mạnh mẽ từ dòng tiền nội, yếu tố đóng góp phần lớn vào thành công của thị trường trong những tháng vừa qua, không thể không nhắc tới động thái quay trở lại mua ròng của NĐTNN kể từ phiên 18-11. |