Trong đó, lĩnh vực giao thông có 34 dự án; nông - lâm nghiệp và thủy sản: 37 dự án; sản xuất và dịch vụ: 17 dự án; hạ tầng khu công nghiệp: 24 dự án; văn hóa - thể thao - du lịch: 14 dự án; năng lượng: 9 dự án; công nghệ thông tin: 9 dự án…
Tuy nhiên, quyết định cuối cùng phụ thuộc vào nhà đầu tư và thực tế những năm qua cho thấy, nhiều dự án trong danh mục không được nhà đầu tư quan tâm thực hiện và ngược lại.
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, các dự án khi đưa vào Danh mục phải tuân thủ các tiêu chí rất rõ ràng, đồng thời kèm theo thông tin cần thiết để nhà đầu tư tham chiếu trước khi ra quyết định khảo sát đầu tư. Đáng lưu ý, Danh mục chỉ chọn các dự án đã giải phóng mặt bằng hoặc thuận lợi trong giải phóng mặt bằng, đảm bảo tính khả thi cho việc triển khai thực hiện.
Danh mục sẽ được xây dựng trên nguyên tắc “mở”, được cập nhật và điều chỉnh, bổ sung hàng năm. Các dự án lớn, trọng điểm quốc gia, các dự án của các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia; dự án thành lập các trung tâm nghiên cứu - phát triển, đổi mới sáng tạo; dự án có tính chất liên vùng, tạo điều kiện hình thành các cụm liên kết phát triển công nghiệp; các dự án có kết nối hữu cơ với khu vực trong nước, tận dụng tối đa lợi thế cạnh tranh quốc gia, khu vực và địa phương… được ưu tiên lựa chọn.