Xung quanh vấn đề này, ĐTTC đã trao đổi với bà NGUYỄN THỊ THU SẮC, Chủ tịch Ủy ban Hải sản thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP).
PHÓNG VIÊN: - Xin bà chia sẻ những tác động của thẻ vàng đến ngành hải sản Việt Nam trong 2 năm qua?
Bà NGUYỄN THỊ THU SẮC: - Kim ngạch xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang thịtrường EU giảm rõ rệt. Tác động đầu tiên có thể nhìn thấy khi EU rút thẻ vàng trong năm 2018 xuất khẩu hải sản sang EU giảm 6,5% còn gần 390 triệu USD, 8 tháng năm 2019 xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục chững lại.
Từ vị trí thứ 2 trong các thị trường nhập khẩu hải sản của Việt Nam, sau thẻ vàng EU đã tụt xuống đứng thứ 5 và tỷ trọng sụt giảm từ 18% xuống 13%. Ngoài ra, các DN cũng bị gia tăng chi phí khi 100% containers hàng hải sản xuất khẩu sang EU bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác. Thậm chí có một số DN không thể xuất vào thị trường EU do những yêu cầu giấy phép. Đó là chưa kể uy tín của sản phẩm thủy sản Việt Nam cũng bị ảnh hưởng khi xuất sang các thị trường khác.
Nhiều doanh nghiệp chế biến cá basa xuất khẩu đã bị thiệt hại với thẻ vàng IUU.
Thực ra từ ngày 25-9-2017, Ủy ban Hải sản VASEP và các DN chế biến, xuất khẩu hải sản đã ra mắt ban điều hành IUU, tuyên bố cam kết chống khai thác IUU của 62 DN và thông qua kế hoạch hành động của chương trình, như treo biển cam kết chống khai thác IUU, chỉ thu mua nguyên liệu hải sản từ những tàu cá hợp pháp, ra sách trắng về nỗ lực chống khai thác IUU tại Việt Nam, ra mắt bản đồ chuỗi cung ứng cá ngừ và hải sản Việt Nam trong cam kết chống khai thác IUU…
Song quan trọng nhất vẫn là làm sao tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân để họ từng bước nhận ra, chuyển đổi từ nghề cá nhân dân sang nghề cá có trách nhiệm hướng tới phát triển bền vững.
- Được biết trong tháng 11 tới đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản Ủy ban châu Âu (EC) sẽ sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện khuyến nghị về chống khai thác IUU. Vậy chúng ta phải có những giải pháp nào để thuyết phục EC?
- Trước hết cần hiểu rõ việc lấy lại thẻ xanh không thể vội vàng, dù phía DN cũng đã nỗ lực không ngừng nghỉ. Việt Nam cũng phải cho phía châu Âu thấy những nỗ lực và hành động cụ thể của mình để đoàn thanh tra EC có thể tin tưởng được.
Những việc cần làm ngay như phải có biện pháp mạnh tay hơn từ Chính phủ để xử lý các tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép; thuyết phục, hướng dẫn để ngư dân mở thiết bị định vị hành trình, vì nếu không mở có lắp thiết bị cũng không giải quyết vấn đề; phải có hệ thống phần mềm truy suất thông tin tàu cá.
Về lâu dài, phát triển nghề cá bền vững cần tính đến chợ đấu giá tại cảng cá (mô hình tại nhiều quốc gia trên thế giới giúp ngư dân thấy được lợi ích sẽ làm tốt hơn), nâng cấp cơ sở hạ tầng cho cảng cá, tính đến phương án nuôi trồng trên biển… Trên thế giới đã có một số nước chuyển đổi thành công từ nghề cá nhân dân sang nghề cá bền vững như Na Uy, Đan Mạch, chúng ta nên học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia này. Tôi hy vọng đây là cơ hội tốt cho chúng ta chuyển đổi.
- Thời gian trước chúng ta thường đặt ra khoảng thời gian kỳ vọng để lấy lại thẻ xanh, còn bây giờ sau 2 năm thì sao, thưa bà?
- Nỗ lực hiện nay là làm sao duy trì thẻ vàng, vì nếu bị chuyển sang thẻ đỏ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến ngành thủy sản nước ta. Bị thẻ vàng, tức đối diện nhiều khó khăn, nhưng nếu Chính phủ, các ban ngành, DN cùng nhìn về một hướng, có những chương trình hỗ trợ ngư dân, ngành hải sản Việt Nam sẽ phát triển tốt.
Chúng ta có lợi thế bờ biển dài, lượng ngư dân đông, lực lượng lao động trong ngành sản xuất chế biến xuất khẩu cũng lớn. Dù khó ở EU nhưng xuất khẩu hải sản vào nhiều thị trường khác trong thời gian gần đây có xu hướng tăng, nhất là mặt hàng cá ngừ. Dự kiến trong năm 2019 ngành hải sản sẽ đóng góp 3,5 tỷ USD vào kim ngạch chung của nhóm thủy sản.
Sẽ khó để nói khi nào chúng ta có thể lấy lại thẻ xanh cho hải sản Việt Nam. Song chúng tôi mong mỏi Chính phủ sẽ hỗ trợ hiệp hội cũng như DN để có thể đưa ra khung thời gian này. Sau cuộc kiểm tra của EC tới đây, hy vọng DN lại được ngồi với các ban ngành để xem lại những việc đã làm được và kế hoạch cho năm 2020.
- Xin cảm ơn bà.
Ông NGÔ VIẾT HOÀI, Phó TGĐ CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản Bà Rịa-Vũng Tàu (Baseafood): Thẻ vàng IUU không chỉ ảnh hưởng tại EU, các thị trường khác cũng trở nên khắt khe hơn với sản phẩm của Việt Nam. Hiện nay Mỹ đang thực hiện việc kiểm tra gắt gao hơn một số sản phẩm thủy sản nhập khẩu. Bản thân tôi cũng là 1 trong 9 thành viên đầu tiên của nhóm công tác chống IUU. Tất cả DN, hiệp hội đã nỗ lực hết sức trong suốt 2 năm qua từ khi EU rút thẻ vàng, với mong muốn có thể sớm lấy lại thẻ xanh cho hải sản Việt Nam. Dù vậy, nhìn ở góc tích cực hơn, thẻ vàng là cơ hội để nghề cá của Việt Nam có trách nhiệm hơn. Với DN đủ tiềm lực, đây là cơ hội đầu tư cải tiến công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, thị trường mới. Bà CAO THỊ KIM LAN, TGĐ Công ty Thủy sản Bình Định (Bidifishco): Hiện chúng tôi đang lo lắng cho hoạt động của 2 nhà máy với hơn 1.000 công nhân. Bởi các đơn hàng đi EU đều bị kiểm tra hết sức gắt gao, thời gian thông quan cho 1 lô hàng nhanh cũng 10-15 ngày, lâu thì tới 20 ngày. Quan trọng hơn khi chúng ta bị thẻ vàng, nhà nhập khẩu nhiều quốc gia khác cũng hạn chế mua hàng vì lo ngại những rủi ro trong hồ sơ chứng từ, truy suất nguồn gốc, khiến khách hàng lớn giảm đi rất nhiều. Khi chưa có thẻ vàng, DN chúng tôi xuất qua EU hơn 40 triệu USD/năm (chiếm 70% tổng kim ngạch xuất khẩu), nay con số này chưa tới 30 triệu USD (chiếm 40% tổng kim ngạch của công ty). Hiện 1 lô hàng phát sinh thêm chi phí 10-15% khiến DN không còn lợi nhuận, thậm chí nhiều lô hàng xuất lỗ, khả năng cạnh tranh giảm so với các đối thủ khác. Tất nhiên, cũng như nhiều DN khác, chúng tôi đang phải đa dạng hóa thị trường để giảm bớt thiệt hại. |