Kết nối “3 nhà” đưa hàng hóa nông sản vào hệ thống phân phối trong nước và quốc tế làm đa dạng phong phú mặt hàng, vừa góp phần tăng giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân. Thực tế thời gian qua, hoạt động liên kết này vẫn còn lỏng lẻo, thiếu tính bền vững, nhất là sản lượng, chất lượng sản phẩm từ nhà nông, nhà DN cung ứng thiếu ổn định đã dẫn đến nguy cơ đứt gẫy nguồn cung cho các nhà phân phối, từ đó làm giảm uy tín cũng như giá trị thương hiệu của mỗi bên.
Là DN phân phối có nhiều năm liên kết tiêu thụ các sản phẩm từ các địa phương, hệ thống siêu thị Co.opmart luôn sẵn sàng giao lưu, hợp tác với các đơn vị sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các HTX, các đơn vị sản xuất nông nghiệp nhằm hỗ trợ, giúp cho các đơn vị quảng bá hình ảnh, làm thương hiệu để góp phần mở rộng thị trường. Qua đó hệ thống phân phối của Co.opmart đa dạng hóa sản phẩm, mang được những sản phẩm chất lượng tốt nhất đến phục vụ cho người tiêu dùng.
Tuy nhiên, ông Trần Hoàng, Giám đốc Siêu thị Co.opmart Victoria Hà Nội vẫn đang băn khoăn vì 2 vấn đề lớn đối với những sản phẩm đặc sản vùng, miền khi tiếp cận các hệ thống phân phối, đó chính là sản lượng nguồn hàng không ổn định; quy trình bảo quản và vận chuyển nông sản chưa đảm bảo khiến sản phẩm xuống cấp đã mang lại khó khăn, thiệt hại trong chuỗi liên kết 3 nhà.
Ở yêu cầu về sản lượng, nhu cầu của thị trường hiện nay đối với các sản phẩm đặc sản vùng miền, sản phẩm nông sản an toàn đang rất cao. Tuy nhiên, mỗi khi nhà phân phối có nhu cầu tăng sản lượng, thường những nhà sản xuất (nông dân, HTX), nhà cung cấp không đáp ứng kịp do quy mô nhỏ lẻ khiến nguồn cung thường bị đứt gãy hoặc gián đoạn. “Các nhà sản xuất, cung ứng chưa chủ động trong việc dự báo nhu cầu thị trường để có sản lượng phù hợp, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, nhất là các nhà phân phối”, ông Hoàng nêu.
Ở yêu cầu về chất lượng, ông Hoàng cho biết, do quá trình vận chuyển hàng hóa từ nơi sản xuất về những điểm giao hàng, những trung tâm, điểm bán hàng của hệ thống đang còn khá khó khăn. Cung đường vận chuyển thường rất dài, trong khi những sản phẩm nông sản lại đòi hỏi những điều kiện bảo quản khá tốt, nên nhiều khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng đã bị loại bỏ rất nhiều.
“Những sản phẩm nông sản như rau, củ quả và nhất là rau thường có thời hạn sử dụng ngắn, nhưng trong nhiều trường hợp sản phẩm từ nơi sản xuất đến điểm bán đã có nhiều sản phẩm bị hỏng, hoặc chất lượng giảm quá xa so với chất lượng ban đầu. Đơn cử có nhà sản xuất cứ giao 10kg đào Sa Pa đi Hà Nội nhưng khi tới nơi đã bị hỏng mất 4 - 5kg, điều này vừa lãng phí vừa gây mất uy tín”, ông Hoàng kể.
Trước thực tế trên, ông Hoàng cho rằng, nhà nước cần có quy hoạch tổng thể về vùng sản xuất nuôi trồng. Quy định vùng nào sản xuất sản phẩm gì, trồng cây gì, diện tích bao nhiêu và sản lượng ra sao để tránh những cuộc “khủng hoảng thừa” khiến người tiêu dùng phải giải cứu nông sản. Khi đầu ra ổn định sẽ tạo được sự yên tâm cho người sản xuất, các hệ thống phân phối cũng chủ động được nguồn hàng.
Bên cạnh đó, do các HTX phần lớn là quy mô nhỏ, chưa thể đầu tư được xe lạnh, kho lạnh cũng như cả hệ thống vận chuyển. Chính vì thế, ngoài quy hoạch sản xuất, nhà nước cũng cần có sự đầu tư về kho lạnh ở điểm trung chuyển, điểm bán trung tâm, kho bãi tập kết…từ đó để đưa hàng về siêu thị để đảm bảo hơn chất lượng hàng hóa sản phẩm.
Người tiêu dùng thông minh cần sử dụng và mạnh mẽ ủng hộ sản phẩm nông sản của Việt Nam
Dưới góc độ nhà bán lẻ, ông Hoàng cho rằng, ngoài việc duy trì hỗ trợ các địa phương, HTX như lâu nay, đối với các DN, nhà bán lẻ cần linh động hơn nữa trong hợp tác đầu tư và bao tiêu sản phẩm. “Nhà nông cần phải có vốn để đầu tư sản xuất, nên hãy đầu tư vốn để họ yên tâm, từ đó họ mới có cam kết sản lượng, chất lượng đầu ra cho các nhà phân phối. Cùng với đó, chính sách thanh toán cần linh hoạt hơn, không thể để nhà sản xuất, người dân bán hàng xong nhưng 1 - 2 tháng sau mới được DN, nhà bán lẻ thanh toán tiền, như vậy vô hình chung đã gây khó khăn cho nhà sản xuất trong việc quay vòng vốn”, ông Hoàng chỉ ra.
Ông Hoàng cũng cho rằng, người tiêu dùng thông minh cần ưu tiên sử dụng và mạnh mẽ ủng hộ sản phẩm nông sản của Việt Nam, đặc biệt là hưởng ứng nhiệt tình trong Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên hàng dùng hàng Việt Nam”. Điều này chính là góp phần đem lại sức khỏe tốt hơn cho người tiêu dùng, cũng góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người nông dân, từ đó đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng cường hơn, phát triển tốt hơn.