Có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Dẫn đầu là nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 21,5 tỷ USD. Kế đến là nhóm hàng điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,3 tỷ USD. Các nhóm hàng dệt may, máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng… đạt lần lượt 12,8 tỷ USD và 10,3 tỷ USD. Những nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu dưới 10 tỷ USD nhưng cao hơn 1 tỷ USD tập trung vào sản phẩm giày dép, gỗ và sản phẩm gỗ, phương tiện vận tải và phụ tùng, thủy sản…
Nhóm mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu nhìn chung giảm so với cùng kỳ năm trước, mức giảm mạnh nhất là cao su, đạt 606 triệu USD, giảm 27,8%; hạt tiêu đạt 365 triệu USD, giảm 19,1%; rau quả đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4%... Riêng mặt hàng gạo đạt 1,7 tỷ USD, tăng 19,3%.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, do tác động bởi dịch Covid-19 nên kim ngạch xuất khẩu tại một số thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, châu Âu sụt giảm, dẫn đến kim ngạch xuất khẩu nhiều mặt hàng giảm mạnh.
Ngày 29-6, Bộ NN-PTNT sơ kết 6 tháng đầu năm và đề ra các nhiệm vụ vượt qua khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu của ngành nông nghiệp trong 6 tháng cuối năm. Đáng chú ý, bước sang quý 2, ngành nông nghiệp Việt Nam đã lấy lại được tốc độ tăng trưởng với giá trị sản xuất tăng 2,19%. Riêng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 6 tháng đầu năm ước đạt 18,81 tỷ USD, chỉ giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái, mặc dù năm nay chồng chất khó khăn và vẫn xuất siêu 4,5 tỷ USD (tăng 339 triệu USD so với cùng kỳ năm ngoái).
Trong 6 tháng đầu năm, có 9 dự án chế biến nông lâm thủy sản với tổng mức đầu tư trên 10.000 tỷ đồng được khởi công hoặc đi vào hoạt động. Bộ NN-PTNT thay đổi chỉ tiêu cho cả năm 2020 là đạt tăng trưởng 2,5-3% và tổng trị giá xuất khẩu cả năm đạt 41 tỷ USD (mục tiêu cũ là 42 tỷ USD). Theo Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn, nếu tình hình thị trường thế giới tiến triển tốt như nửa cuối tháng 6 đến nay thì con số 41 tỷ USD có thể đạt được. Nhưng nếu sắp tới dịch Covid-19 vẫn lây lan, bùng phát, xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.