3 chữ C phát triển du lịch: Con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược

(ĐTTCO) – Sáng nay tại TPHCM, Trường Đại học Hoa Sen phối hợp cùng Sở Du lịch TPHCM tổ chức diễn đàn nguồn nhân lực du lịch Việt Nam 2019 với chủ đề “Đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam để phát triển ngành kinh tế trọng điểm”. 
Diễn đàn có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ, Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cùng đại diện các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch. 
 
3 chữ C phát triển du lịch: Con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược ảnh 1 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại diễn đàn. 
Thiếu nhân lực chất lượng cao
 
 Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh đây là lần đầu tiên TPHCM tổ chức diễn đàn để lắng nghe một cách toàn diện và khoa học về thực trạng và giải pháp phát triển nguồn nhân lực du lịch cho TP đồng thời tăng cường mối liên kết giữa nhà nước, các cơ sở đào tạo và DN du lịch trên cả nước. 
 
Ông Phong khẳng định trong những năm qua Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển ngành du lịch, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đặc biệt, kể từ khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 08, Chính phủ ban hành Nghị quyết 103 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thì vai trò, vị trí của ngành du lịch ngày càng được khẳng định, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. 
 
"Đối với TPHCM, Ban thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành Chỉ thị 07 cũng như các văn bản triển khai, phát triển ngành du lịch TP. Những năm qua ngành du lịch TP đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn những khó khăn nhất định trong đó lực cản khá lớn là nguồn nhân lực chất lượng cao" - Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong trăn trở.

Làm rõ hơn vấn đề nguồn nhân lực cho ngành du lịch, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM cho biết ngành du lịch đang rất “khát” nhân lực lành nghề. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người/năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
 
Do đó, trong 1,3 triệu lao động du lịch của cả nước (chiếm khoản 2,5% tổng lao động cả nước) chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ. TPHCM, hiện có 140.350 lao động trực tiếp trong ngành du lịch (chiếm 5% trong tổng số nguồn nhân lực của TP) trong đó 90% đã qua đào tạo (đại học chiếm 15%, 50% là trung cấp và cao đẳng, 25% là sơ cấp) và 10% dưới sơ cấp và chưa qua đào tạo.

3 chữ C phát triển du lịch: Con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược ảnh 2 TPHCM, hiện có 140.350 lao động trực tiếp trong ngành du lịch. 
Là người làm trong ngành giáo dục, GS.TS Mai Hồng Quỳ, Hiệu trưởng Trường đại học Hoa Sen, cho rằng hiện nay theo nhiều thống kê ngành du lịch đang thiếu nhân lực chất lượng cao. Song nhân lực được đào tạo như thế nào được xem là chất lượng cao. Đó là những người được đào tạo trình độ cử nhân, cách nhìn này tuy chưa toàn diện nhưng có thể chấp nhận được. 
 
Bà Mai Hồng Quỳ cũng đưa ra một số kiến nghị trong công tác đào tạo tại các trường đại học. Theo đó, các trường đại học cần triển khai đào tạo trực tuyến đối với các nội dung học có thể học trực tuyến, như thông tin về các nền văn hoá, đặc điểm tâm lý du khách các nước, các mô hình bài trí, và các môn thuộc khối kiến thức cơ sở và kiến thức ngành chính….

Một số nội dung trong chương trình đào tạo ngoại ngữ có thể được thực hiện bằng hình thức trực tuyến hay học trên ứng dụng. Việc kết hợp đào tạo với các nước tiên tiến có sử dụng tiếng Anh trong giảng dạy, cấp bằng bởi hai bên, học một nửa thời gian trong nước và một nửa thời gian ở nước ngoài, thực tập tại các doanh nghiệp nước ngoài… cũng là những điều mà các cơ sở đào tạo Việt Nam cần cân nhắc triển khai.

3 câu hỏi từ Thủ tướng

 Có 3 chữ C để phát triển du lịch: con người (nâng cao ý thức, sẵn sàng giúp đỡ du khách, đặc biệt là người dân địa phương), cơ sở hạ tầng (hạ tầng du lịch, hạ tầng kết nối giao thông) và chiến lược (Bộ VH-TT-DL cùng với các ngành khác cần đưa tầm nhìn chiến lược dài hạn, với lộ trình, bước đi phù hợp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực du lịch Việt Nam). 
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Lao động thiếu là điều khiến nhiều DN lữ hành phải trăn trở. Tuy nhiên, để tự giải quyết bài toán của mình, mỗi DN đang phải tìm cho mình những hướng đi thích hợp. Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Tổng giám đốc Công ty du lịch Vietravel cho biết sinh viên ra trường khi vào DN hầu hết phải đào tạo lại từ 6 tháng đến 1 năm, như vậy hết sức lãng phí. 
 
Hiện đối với kế hoạch phát triển nguồn nhân sự, Vietravel ưu tiên công tác tạo nguồn và đào tạo ngay từ đầu thông qua chương trình đạo tạo “Học việc” đối với các nhân sự có đam mê công việc trong ngành du lịch và đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản trong công tác tuyển dụng.
 
Các nhân sự này sẽ trở thành nguồn nhân lực đáp ứng cao nhất nhu cầu công việc tại Vietravel, xét cả về kiến thức, kỹ năng, thái độ và sự phù hợp văn hóa doanh nghiệp. Tăng cường hợp tác và đồng hành với các Trường đại học trong việc góp phần nâng cao chất lượng đào tạo thông qua các hoạt động như: hội thảo chia sẻ nghiệp vụ, các chương trình định hướng nghề nghiệp và tuyển dụng sinh viên thực tập để đào tạo tại công ty trước khi sinh viên tốt nghiệp và tìm kiếm việc làm. Tiếp cận đa dạng các nguồn tuyển dụng, xây dựng các quỹ học bổng trao cho sinh viên, đặc biệt cho sinh viên khối ngành lữ hành – du lịch và định hướng nhân sự tốt nghiệp phục vụ cho công ty.

Cũng tham gia chia sẻ tại diễn đàn lần này, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng giám đốc Saigon Tourist, cho biết các tiêu chí để xây dựng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Saigontourist được hoạch định cụ thể theo từng giai đoạn, đặc biệt là được thực hiện trên cơ sở đáp ứng yêu cầu và thực tế tình hình. 
 
3 chữ C phát triển du lịch: Con người, cơ sở hạ tầng và chiến lược ảnh 3  
“Saigontourist xây dựng các tiêu chuẩn chức danh cho các cấp lãnh đạo từ cấp trung cho đến quản lý cấp cao. Tùy theo từng chức danh tại các cấp sẽ có các tiêu chuẩn khác nhau căn cứ theo kiến thức-năng lực và các tiêu chuẩn cụ thể. Tiếp đến, đơn vị có những giải pháp nhằm thu hút, động viên, phát triển, giữ chân con người gắn với tổ chức nhằm phục vụ cho sự nghiệp phát triển của doanh nghiệp ngành du lịch, gồm: Lập kế hoạch, tuyển chọn, động viên, đánh giá; nâng cao năng lực chuyên môn và năng lực quản trị trong đó có kỹ năng lãnh đạo, năng lực quản trị tài chính doanh nghiệp và năng lực ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu hội nhập và đổi mới của tổng công ty” - ông Võ Anh Tài chia sẻ.

Lắng nghe những chia sẻ của các diễn giả tham gia trong diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu ra 3 câu hỏi và một số gợi ý chiến lược trong việc phát triển nguồn nhân lực du lịch Việt Nam. Câu hỏi thứ nhất, chúng ta băn khoăn việc thiếu lao động chất lượng cao cho ngành du lịch. Song theo tôi cần đặt câu hỏi ngược lại, ngành du lịch đủ hấp dẫn cạnh tranh thu hút nhân tài lực lượng lao động có kỹ năng trong nước và nước ngoài tham gia vào lĩnh vực này hay không. Và chính các công ty du lịch phải là người trả lời tốt nhất câu hỏi này. 

Câu hỏi thứ hai, chúng ta xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn và được kỳ vọng chiếm trên 10% GDP, tạo sức lan toả sâu rộng cho sự phát triển kinh tế-xã hội của cả nước. Vậy chúng ta làm gì tương xứng hai chữ mũi nhọn, làm gì thu hút lao động có kỹ năng tham gia vào ngành du lịch, làm gì tối ưu hoá nguồn lực sẵn có. Tôi muốn mở rộng nội hàm của chủ đề nhân lực du lịch, không chỉ ở công ty du lịch đó mà đó còn là những người dân, cộng đồng nơi diễn ra các hoạt động du lịch tham gia.

Cuối cùng là câu hỏi dành cho dành cho các Bộ, ngành: Đảng và Nhà nước những năm qua xác định thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng là 3 đột phá chiến lược hàng đầu, vậy các đơn vị đã làm gì để xây dựng nhân lực là đột phá chiến lược trong ngành du lịch Việt Nam. 

Các tin khác