Theo Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tiếp tục sụt giảm trong tháng 4. Cụ thể, tính tới ngày 20-4, vốn FDI đăng ký cấp mới là 750 dự án với số vốn đăng ký đạt 4,11 tỷ USD, tăng 65,2% so với cùng kỳ năm trước về số dự án và tăng 11,1% về số vốn đăng ký. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được cấp phép mới đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất với số vốn đăng ký đạt 3,34 tỷ USD, chiếm 81,3% tổng vốn đăng ký cấp mới.
Trong số 51 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm, Singapore vẫn là nhà đầu tư lớn nhất với 1,52 tỷ USD, chiếm 37% tổng vốn đăng ký cấp mới. Tiếp đến là Trung Quốc 526,2 triệu USD, chiếm 12,8%. Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 3 với 496 triệu USD.
Vốn đăng ký điều chỉnh có 386 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 1,66 tỷ USD, giảm 68,6% so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 1.044 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,11 tỷ USD, tăng 70,4% so cùng kỳ năm trước.
Như vậy, lũy kế 4 tháng đầu năm, vốn FDI tại Việt Nam ước đạt 5,85 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 4 tháng đầu năm 2023 có 41 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 140 triệu USD, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Có 11 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh tăng 13,5 triệu USD, giảm 67,8% so với cùng kỳ.
Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 153,5 triệu USD, giảm 53,2% so với cùng kỳ năm trước.
Trong 4 tháng đầu năm 2023 có 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, trong đó: Singapore là nước dẫn đầu với 103,3 triệu USD (chiếm 67,3% tổng vốn đầu tư). Kế đến là Lào 14,3 triệu USD (chiếm 9,3%), Australia 10,2 triệu USD (chiếm 6,6%), Cuba 9,3 triệu USD (chiếm 6,1%), Israel 6,1 triệu USD (chiếm 4%).