Trong những năm qua, người tiêu dùng cảm thấy hoang mang khi hàng loạt hãng xe lớn, nổi tiếng về chất lượng từ Nhật Bản cho đến Hoa Kỳ đều phải thu hồi hàng chục triệu xe vì các lỗi kỹ thuật ảnh hưởng đến an toàn của người lái xe. Điều gì đang diễn ra? Có phải các “ông lớn” mải chạy theo số lượng nên đã bỏ quên vấn đề chất lượng?
Chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, số vụ thu hồi xe hơi trong năm ngoái đã tăng vượt bậc. Theo số liệu của Cục Quản lý An toàn giao thông Hoa Kỳ (NHTSA), trong năm 2013 có 632 vụ thu hồi ở nước này, ảnh hưởng tới 22 triệu xe. Con số này cao hơn nhiều so với 581 vụ thu hồi, 16,4 triệu xe bị ảnh hưởng của năm 2012.
Tai tiếng Toyota
Theo NHTSA, năm 2013 Toyota tiếp tục đứng đầu danh sách thu hồi xe ở thị trường Hoa Kỳ, với số lượng xe bị thu hồi lên tới 5,3 triệu chiếc, tương đương mức năm 2012 (5,33 triệu chiếc). Năm 2010, hãng này từng phải thu hồi hơn 10 triệu xe vì những vấn đề liên quan đến tăng tốc bất ngờ.
Những đợt thu hồi năm đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh tiếng của nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản, vốn được xây dựng dựa trên chất lượng và uy tín. Giới quan sát cho rằng chính các đợt thu hồi năm 2010 đã dẫn đến việc doanh số của Toyota bị sa sút năm 2011, khiến hãng này bị mất ngôi vị hãng xe số 1 thế giới vào tay GM mãi đến năm 2013.
Bước sang năm 2014, Toyota lại vừa tuyên bố thu hồi 1,9 triệu xe đa năng lượng Prius trên toàn cầu do lỗi phần mềm. Đợt thu hồi này ảnh hưởng đến mọi chiếc Prius thế hệ thứ 3 được sản xuất từ trước đến nay. Toyota cho biết đã phát hiện khoảng 400 xe bị lỗi này, đa số ở Nhật Bản. Quyết định thu hồi quy mô lớn này của Toyota đánh dấu một sự thay đổi lớn của Toyota so với cách nay 5 năm, khi hãng tỏ ra bất hợp tác với các nhà chức trách trong việc kiểm tra vấn đề gây ra lỗi tăng tốc đột ngột.
Theo giới phân tích, vụ thu hồi cũng cho thấy sự phức tạp của xe hơi ngày nay, với đủ các yếu tố kỹ thuật từ cơ cho đến điện tử và vi tính...
“Xe hơi ngày càng phức tạp. Cách nay 20 năm, chúng ta chẳng bao giờ biết tới lỗi trục trặc phần mềm là gì” - nhà phân tích Jack R. Nerad nói. Các vấn đề về chất lượng tiếp tục theo ám Toyota, hãng xe hơi có doanh số lớn nhất thế giới, trong bối cảnh hãng đang cố lấy lại uy tín sau những vụ thu hồi quy mô lớn gần đây. Chẳng hạn, cuối tháng trước Toyota phải ngừng bán một số mẫu như Camry và Corolla, do lo ngại khoảng 300 xe mới trang bị ghế ngồi sưởi ấm bị lỗi.
Đại gia xe hơi Nhật Bản đã bị những khoản phạt nặng ở Hoa Kỳ và phải chi hàng tỷ USD để hòa giải những vụ kiện liên quan đến việc thu hồi hơn 10 triệu xe năm 2009-2010 do liên quan đến lỗi tăng tốc bất ngờ, được tin đã khiến khoảng chục người chết. Toyota cũng đang cố gắng giải quyết vấn đề pháp lý quan trọng liên quan đến lỗi tăng tốc ngoài ý muốn.
Trong một vụ kiện, Toyota đang tiến gần đến thỏa thuận với Bộ Tư pháp để giải quyết một cuộc điều tra hình sự kéo dài khoảng 4 năm qua liên quan đến cách thức nhà sản xuất xe hơi tiết lộ các khiếu nại liên quan đến vấn đề tăng tốc đột ngột. Hãng cũng đang đàm phán để tiến tới một thỏa thuận trên diện rộng với hàng trăm đơn kiện cá nhân.
Trong khi còn ở giữa khủng hoảng pháp lý, Toyota dường như đã chủ động hơn trong việc ban hành các lệnh thu hồi, cho dù đối với các vấn đề nhỏ. “Tôi nghĩ nay họ đã phản ứng nhanh hơn bao giờ hết về các vấn đề an toàn. Đây là một đợt thu hồi tự nguyện, không bị bắt buộc” - Nerad nói.
Kỷ lục Ford
Đối với tất cả nhà sản xuất, quy mô các vụ thu hồi đều ngày càng tăng lên do gia tăng sử dụng các linh kiện tiêu chuẩn hóa để giảm chi phí, khi một bộ phận bị phát hiện lỗi, nhiều xe bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, kỷ lục thu hồi lớn nhất trong vòng 2 thập niên qua hiện thuộc về hãng Ford, theo tờ Independent (Anh).
Năm 2009, Ford đã thu hồi 14 triệu xe trên toàn cầu vì lỗi bộ phận chuyển mạch kiểm soát hành trình bị rò rỉ, có thể gây cháy. Ngoài ra, rò rỉ từ thiết bị có thể đi vào hệ thống phanh chống khóa, cũng có nguy cơ gây cháy. Đây là một lỗi đã được Ford phát hiện từ 1 thập niên trước.
![]() |
Toyota vừa tuyên bố thu hồi 1,9 triệu xe Prius trên toàn cầu. |
Trong lá thư ngày 9-10 gửi cho các nhà chức trách Hoa Kỳ, Ford cho biết các dòng xe bị ảnh hưởng gồm Excursion (diesel), F-Super Duty (diesel), Econoline, Explorer/Mountaineer, Ranger và F53 Motorhome đời từ 1992-2003. Trong thư, Ford cho biết thiết bị chuyển mạch là linh kiện do hãng Texas Instruments cung cấp, có thể quá nóng, bốc khói hoặc cháy.
Vấn đề thiết bị kiểm soát hành trình nổi lên lần đầu tiên năm 1998, khi chính phủ Hoa Kỳ điều tra về những khiếu kiện cháy xe. 1 năm sau, Ford cho thu hồi 279.000 chiếc Ford Crown Victoria, Mercury Grand Marquis và Lincoln Town Car đời 1992-1993 để thay thiết bị. Tuy nhiên, sau đó nhiều vụ khiếu kiện lại nổi lên về cùng lỗi này, khiến Ford phải thu hồi thêm 5 đợt từ năm 2006-2007, đối với 10 triệu xe con và xe tải thuộc các đời 1992-2004. Trong năm 2008, Ford tiếp tục thu hồi thêm 225.000 xe nữa.
Tính đến hết năm 2009, chỉ tính riêng tại thị trường Hoa Kỳ, tổng số xe Ford thu hồi vì lỗi này lên đến hơn 16 triệu chiếc, theo Huffington Post. Ford cũng là hãng có nhiều vụ thu hồi xe lớn nhất từ trước đến nay.
(Còn tiếp)