Theo báo cáo của ADB, những tổn thất về kinh tế ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương có thể dao động từ 1.700 tỷ USD trong kịch bản dịch được ngăn chặn trong khoảng thời gian ngắn (3 tháng) và có thể lên tới 2.500 tỷ USD nếu như dịch Covid-19 kéo dài (có thể ngăn chặn trong 6 tháng).
Mức thiệt hại kinh tế của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương chiếm khoảng 30% tổng mức sụt giảm GDP toàn cầu. Trung Quốc là quốc gia trong khu vực có mức tổn thất kinh tế do Covid-19 cao nhất, ước tính nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này thiệt hại khoảng từ 1.100 – 1.600 tỷ USD.
Đối với các kịch bản ngăn chặn dịch Covid-19 ở cả trong ngắn hạn và dài hạn, báo cáo của ADB cũng lưu ý rằng, những biện pháp đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại và phong tỏa mà các nền kinh tế nơi dịch bùng phát đã thực hiện để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 cũng là nguyên nhân chính khiến thương mại toàn cầu sụt giảm từ 1.700 – 2.600 tỷ USD. Điều này cũng sẽ kéo theo thế giới sẽ giảm từ 158 - 242 triệu việc làm, trong đó khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có tỷ lệ mất việc cao nhất (chiếm 70% tổng số việc làm bị mất của thế giới). Thu nhập của lao động trên toàn thế giới cũng sẽ giảm từ 1.200 – 1.800 tỷ USD.
Ông Yasuyuki Sawada, Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, cho biết: “Phân tích mới này trình bày một bức tranh tổng thể về tác động kinh tế tiềm tàng to lớn của Covid-19. Nó cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của những can thiệp chính sách nhằm giúp giảm thiểu thiệt hại đối với các nền kinh tế. Những nghiên cứu này có thể cung cấp định hướng chính sách phù hợp cho các chính phủ, khi họ xây dựng và thực thi những biện pháp để ngăn chặn và đẩy lùi đại dịch, cũng như giảm nhẹ tác động của đại dịch tới nền kinh tế và người dân của mình”.
Hiện nay, chính phủ các nước trên thế giới đã và đang hành động nhanh chóng trước những tác động của đại dịch, thực thi các biện pháp như nới lỏng tài chính và tiền tệ, tăng chi tiêu cho y tế và hỗ trợ trực tiếp để bù đắp những thiệt hại về thu nhập và doanh thu.
Theo đánh giá của ADB, các nỗ lực được duy trì bởi các chính phủ có thể làm giảm bớt tác động về kinh tế của Covid-19 ở mức từ 30-40% (tương ứng với mức giảm tổn thất kinh kế toàn cầu do đại dịch gây ra từ 4.100 – 5.400 tỷ USD).
Báo cáo của ADB cũng khuyến nghị, bên cạnh việc tăng chi tiêu cho y tế và tăng cường các hệ thống y tế, sự bảo vệ mạnh mẽ đối với thu nhập và việc làm là hết sức cần thiết để tránh việc công cuộc phục hồi kinh tế “hậu Covid-19” sẽ kéo dài và khó khăn.
Cụ thể, chính phủ các nước cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: quản lý sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng; hỗ trợ và tăng cường thương mại điện tử và logictics để cung cấp hàng hóa và dịch vụ; tài trợ cho các biện pháp bảo hộ xã hội tạm thời, trợ cấp thất nghiệp và phân phối các hàng hóa thiết yếu (đặc biệt là lương thực) để ngăn chặn sự sụt giảm mạnh mẽ hơn trong tiêu dùng…