Công cuộc đổi mới từ năm 1986 như “làn gió” đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế, đặc biệt việc chuyển sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã khởi nguồn cho sự phát triển mạnh mẽ của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đổi mới. Đến nay, khu vực kinh tế tư nhân có tới gần 900.000 doanh nghiệp, cùng với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp FDI, các hợp tác xã tạo thành lực lượng hùng hậu thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển, đưa quy mô GDP Việt Nam vào top 40 của thế giới, quy mô thương mại quốc tế nằm trong top 20 thế giới.
Sản phẩm Việt Nam đáp ứng tốt các nhu cầu trong nước, đồng thời tự hào vươn ra thị trường toàn cầu, đến mọi châu lục. Kinh tế phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện vượt bậc, GDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 4.110 USD, tăng 48 lần so với năm 1986.
Nhìn nhận doanh nghiệp là lực lượng chủ lực trong xây dựng kinh tế thì doanh nhân chính là lực lượng nòng cốt giữ vai trò lãnh đạo, quản lý, điều hành đội ngũ doanh nghiệp. Hiện nay, đội ngũ doanh nhân là lãnh đạo doanh nghiệp đã đạt con số từ 2-3 triệu người, nếu tính tất cả những người làm kinh doanh, những hộ kinh doanh cá thể thì đội ngũ doanh nhân ở nước ta có thể đạt tới 10 triệu người.
Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh
Khẳng định tầm quan trọng, định hướng xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong xây dựng kinh tế thời kỳ mới, ngày 10/10/2023, Bộ Chính trị đã ký ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW, mở đầu cho một giai đoạn phát triển mạnh mẽ tiếp theo của các doanh nhân nước ta, góp phần xây dựng đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, đủ sức gánh vác nhiệm vụ tiên phong thực hiện mục tiêu và khát vọng đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045…
Nghị quyết của Bộ Chính trị nhấn mạnh quan điểm: “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước. Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Theo đó, Nghị quyết đề ra mục tiêu phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
Trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng, các ngân hàng thương mại cũng chính là các doanh nghiệp với hoạt động kinh doanh đặc thù, vận hành theo Luật Các tổ chức tín dụng. Thời gian qua, ngành Ngân hàng đã khẳng định vai trò quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh tiền tệ quốc gia. Tác động và ảnh hưởng của ngành Ngân hàng bao trùm lên tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội, gắn liền với sự vận động của toàn bộ nền kinh tế. Với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, là kênh dẫn vốn chủ lực phục vụ sản xuất kinh doanh, hệ thống ngân hàng đã góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao đời sống người dân.
Trong hoạt động kinh doanh của các ngân hàng, mối quan hệ với các doanh nghiệp luôn được chú trọng, có mối quan hệ cộng sinh: nguồn vốn là vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp, còn cho vay là hoạt động “sống còn” của ngân hàng. Do đó, ngân hàng và doanh nghiệp luôn cần có sự hợp tác bền chặt để cùng phát triển, cùng đóng góp cho nền kinh tế.
Agribank triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp, giúp doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh
Agribank - 35 năm đồng hành thủy chung với cộng đồng doanh nghiệp
Sau 35 năm xây dựng và trưởng thành, Agribank là một trong những Ngân hàng thương mại (NHTM) hàng đầu Việt Nam và hiện là NHTM duy nhất Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Agribank hiện có quy mô và mạng lưới hoạt động lớn nhất hệ thống các tổ chức tín dụng với gần 40.000 lao động, 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch.
Hoạt động Agribank đạt được sự tăng trưởng ổn định cả về quy mô, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả với tổng tài sản đến nay đạt trên 1,89 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,78 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,49 triệu tỷ đồng, trong đó luôn dành 65-70% dư nợ đầu tư “Tam nông”.
Cùng ngành Ngân hàng, Agribank luôn xem trọng lợi ích của doanh nghiệp, bởi doanh nghiệp phát triển thì ngân hàng phát triển. Trên cơ sở định hướng, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, góp phần tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phục hồi trong giai đoạn khó khăn và yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, trong những năm qua, Agribank triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm mở rộng tín dụng có hiệu quả, tiên phong triển khai các chương trình tín dụng ưu đãi đối với các đối tượng khách hàng doanh nghiệp, doanh nhân, hộ sản xuất và cá nhân... cùng khách hàng tháo gỡ khó khăn, phục hồi và phát triển.
Sự đồng hành, hợp tác, gắn kết giữa Agribank và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân làm nên sức mạnh tổng hợp, hình thành nên các thương hiệu quốc gia, khẳng định sức mạnh và giá trị Việt trên trường quốc tế, có đóng góp tích cực, quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội đất nước trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng.
Năm 2023, bám sát chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, Agribank đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt khó, với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, lãi suất thấp, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đối với Chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, Agribank đã triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các chi nhánh thực hiện, kịp thời tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của khách hàng. Chương trình hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực bất động sản theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, Agribank dành 30.000 tỷ đồng với mức lãi suất hỗ trợ 2% để cho vay đối tượng khách hàng là pháp nhân, cá nhân đầu tư dự án và mua nhà ở tại các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo xây dựng lại chung cư cũ thuộc danh mục do Bộ Xây dựng công bố.
Hiện nay, Agribank cũng đang triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi dành cho các đối tượng khách hàng doanh nghiệp: Chương trình cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu, quy mô 25.000 tỷ đồng; Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực lâm, thủy sản vượt qua khó khăn, miễn/giảm các loại phí dịch vụ đối với khách hàng tham gia chương trình, quy mô 3.000 tỷ đồng; Cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô 10.000 tỷ đồng…
Agribank dành 25.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi dành cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Agribank cũng chủ động giảm lãi suất cho khách hàng từ nguồn tài chính của mình. Từ đầu năm 2023 đến nay, Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, lãi suất các khoản cho vay thông thường phát sinh mới giảm từ 2-4%/năm so với đầu năm; điều chỉnh giảm lãi suất tối đa 3% đối với khách hàng là pháp nhân vay vốn với mục đích kinh doanh bất động sản gặp khó khăn...
Với những thành tích đóng góp phát triển “Tam nông” trong quá trình 35 năm phát triển, Agribank được Đảng, Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước trao tặng các phần thưởng cao quý: Anh hùng Lao động thời kì đổi mới, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất, Cờ thi đua, Bằng khen; các tổ chức uy tín trong nước, quốc tế đánh giá cao, vinh danh Agribank là Thương hiệu Quốc gia, Top 10 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, xếp hạng tín nhiệm ở mức Ba2 tương đương mức tín nhiệm quốc gia, “Ngân hàng vì cộng đồng”…
Những thành tựu Agribank đạt được là kết quả cho sự nỗ lực của tập thể cán bộ, người lao động trong suốt hành trình hơn 3 thập kỷ xây dựng và trưởng thành, phát huy bản sắc văn hóa doanh nghiệp “Trung thực, Kỷ cương, Sáng tạo, Chất lượng, Hiệu quả”. Góp phần quan trọng vào những thành tựu đó là công sức, trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, những doanh nhân chèo lái con thuyền Agribank trên từng chặng đường phát triển cùng sự chung tay, hợp tác hiệu quả của cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Phát triển ngân hàng “Tam nông” hiện đại và hội nhập
Sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của đất nước đang chuyển sang giai đoạn phát triển mới với yêu cầu cao hơn và nặng nề, khó khăn, phức tạp hơn, trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục là lĩnh vực được Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các địa phương đặc biệt quan tâm, khuyến khích đầu tư, phát triển. Kiên định với sứ mệnh phục vụ phát triển “Tam nông”, Agribank chủ động, sẵn sàng các giải pháp, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tích cực hiện thực hóa mục tiêu Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Agribank nỗ lực "chuyển mình" phát triển và cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích, hiện đại, đa dạng kênh dẫn vốn, dịch vụ ngân hàng đến người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Agribank khai trương quầy Ngân hàng số thứ 17 tại huyện Thanh Oai (Hà Nội)
Bước sang giai đoạn phát triển mới, Agribank xác định mục tiêu xây dựng ngân hàng hiện đại và hội nhập, hướng tới ngân hàng số, ngân hàng bán lẻ; chuyển đổi thành NHTM cổ phần, quản trị điều hành và hoạt động theo hướng thông lệ quốc tế; phấn đấu đứng trong Top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á về quy mô tài sản; hoạt động an toàn, hiệu quả; giữ vững vị trí chủ lực trên thị trường tài chính nông nghiệp, nông thôn, thực hiện hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp đổi mới, phát triển và hội nhập của đất nước và ngành Ngân hàng trong các giai đoạn tiếp theo.
Sự gắn bó đồng hành thủy chung giữa Agribank và cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân trong những năm qua đã góp phần hiện thực hóa quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, hành động, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển và trở thành động lực phát triển đất nước, cùng nhau xây dựng hệ sinh thái lành mạnh, mà ở đó tất cả các thành phần kinh tế đều phát triển bình đẳng, kết nối và hỗ trợ nhau, đem lại sự thịnh vượng và phát triển kinh tế.
Sự gắn bó chặt chẽ ấy sẽ tiếp tục được phát huy trong giai đoạn phát triển mới, là minh chứng cho việc Agribank luôn tích cực, chủ động thực hiện định hướng chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 41-NQ/TW, tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước; xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.