PGS-TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước các công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) |
PHÓNG VIÊN: Ông đánh giá như thế nào về hệ lụy của tình trạng nhiều dự án được động thổ, khởi công rầm rộ rồi nằm bất động? Trách nhiệm thực trạng này thuộc về đâu?
PGS-TS TRẦN CHỦNG: Tình trạng này đã diễn ra ở nhiều địa phương, trong thời gian dài, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân khu vực dự án, gây lãng phí tài nguyên, bức xúc dư luận. Hơn thế, việc các dự án lớn đã nằm trong quy hoạch không được đưa vào khai thác đúng hẹn sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực.
Ví dụ, các dự án cầu đường, công viên, nhà ở xã hội, nhà máy xử lý rác… là những công trình cấp thiết, việc hoàn thành và khai thác chậm ngày nào thì người dân khổ ngày đó. Trách nhiệm này trước hết thuộc về thẩm quyền cơ quan quyết định đầu tư. Các dự án lớn chắc chắn nằm trong quy hoạch của địa phương, của bộ ngành.
Vậy tại sao dự án đã phê duyệt lại không thể triển khai được, có phải là quyết định vội vàng, chưa đủ cơ sở hay không? Tiếp theo đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, dự án không triển khai vì thiếu vốn, thiếu mặt bằng hay lý do nào khác?
Vậy có nên quy định rõ hơn về các điều kiện cần và đủ để khởi công dự án, tránh các trường hợp khởi công rầm rộ xong rồi nằm bất động, làm mất niềm tin xã hội?
Luật Xây dựng đã quy định rất rõ các điều kiện để dự án được khởi công, đó là dự án đã được phê duyệt, nguồn vốn đã được quyết định, chủ đầu đã được xác định, thi công phần móng thì bản vẽ kỹ thuật phần móng đã được phê duyệt…
Các sự kiện khởi công dự án được tổ chức rầm rộ, có sự tham dự của lãnh đạo các cơ quan nhà nước có ý nghĩa khẳng định tầm quan trọng của dự án, sự đồng thuận của cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư trong việc triển khai dự án.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, các chủ đầu tư thường có thêm sự kiện lễ động thổ, mang tính tâm linh, không có giá trị pháp lý. Nếu sự kiện động thổ cũng tổ chức rầm rộ, có sự tham dự của các lãnh đạo thì tôi cho rằng không cần thiết, dễ gây hiểu lầm trong dư luận.
Trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý khắc phục tình trạng này cần được thực hiện thế nào, vai trò của Bộ Xây dựng với tư cách là cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này ra sao, thưa ông?
Những công trình lớn phục vụ cộng đồng, phục vụ xã hội có thể là vốn nhà nước, có thể là vốn huy động xã hội, nhưng mục đích cuối cùng là phục vụ người dân, nên phải để nhân dân kiểm tra. Trong Luật Xây dựng hiện hành đã yêu cầu tất cả các dự án phải gắn biển tại công trình với thông tin minh bạch, công khai tên dự án là gì, ai là chủ đầu tư, nhà thầu, thiết kế thi công, ngày khởi công, ngày hoàn thành… để thực hiện giám sát cộng đồng.
Nhưng một thời gian dài, các ban quản lý dự án không tuân thủ, các cơ quan quản lý nhà nước không kiểm tra xử lý nên việc giám sát cộng đồng không phát huy hiệu quả. Về phía Bộ Xây dựng, cơ quan này chịu trách nhiệm về quy hoạch chung, đảm bảo các dự án lớn phải được thực hiện theo quy hoạch. Việc thực hiện dự án đã được phân cấp cho các địa phương, bộ chuyên ngành.
Tuy nhiên, Bộ Xây dựng phải có trách nhiệm phối hợp với địa phương rà soát, xử lý các dự án không đảm bảo tiến độ để quy hoạch được thực hiện, phát huy tốt nhất hiệu quả phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và quốc gia.
Dự án nhà ở xã hội tại phường Long Trường (TP Thủ Đức, TPHCM) được khởi công gần 1 năm qua, nhưng hiện nay không có dấu hiệu thi công. Ảnh: ĐỨC TRUNG |
Ông có thể đề xuất cụ thể hơn về giải pháp xử lý, khắc phục tình trạng này?
Việc quy trách nhiệm, xử lý các đơn vị liên quan không khó, chúng ta đã có đủ hành lang pháp lý để xử lý việc này, vấn đề là có thực hiện hay không. Để khắc phục thực trạng này, các cơ quan quản lý cần khẩn trương rà soát lại các dự án để xem đang vướng mắc ở đâu.
Nếu vướng mắc về giải phóng mặt bằng hay những vấn đề thuộc trách nhiệm địa phương thì địa phương phải giải quyết. Còn nếu do năng lực chủ đầu tư thì cần thu hồi dự án giao cho chủ đầu tư khác hoặc lập dự án khác.
Thực tế đã có những dự án bị thu hồi do chủ đầu tư không đủ năng lực triển khai. Mọi thông tin cần được công khai, minh bạch để người dân được biết.
Bích Quyên (thực hiện)
Ông PHẠM NHƯ HUY, Phó cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng:
Trước khi khởi công phải có giấy phép xây dựng
Trả lời câu hỏi về các điều kiện để khởi công dự án của Báo SGGP, đại diện Bộ Xây dựng cho biết, vấn đề này đã được quy định tại khoản 1 Điều 107 Luật Xây dựng năm 2014, sau đó được sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, việc khởi công xây dựng công trình phải bảo đảm các điều kiện: có mặt bằng xây dựng để bàn giao toàn bộ hoặc từng phần theo tiến độ xây dựng; có giấy phép xây dựng; có thiết kế bản vẽ thi công hạng mục công trình, công trình khởi công đã được phê duyệt; chủ đầu tư đã ký kết hợp đồng với nhà thầu xây dựng công trình; có biện pháp bảo đảm an toàn, bảo vệ môi trường trong quá trình thi công xây dựng; chủ đầu tư đã gửi thông báo về ngày khởi công xây dựng đến cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng tại địa phương trước thời điểm khởi công ít nhất 3 ngày làm việc.
Ông TRẦN NGUYÊN HIỀN, Trưởng Phòng Quản lý chất thải rắn, Sở TN-MT TPHCM:
Có thể cấp phép xây dựng tạm nhà máy đốt rác
Quá trình thực hiện thủ tục pháp lý xây dựng nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa hiện đang gặp vướng mắc do dự án đốt rác phát điện của 2 công ty chưa được đưa vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
2 công ty không thể xin giấy phép xây dựng tại Bộ Xây dựng do thiếu cơ sở pháp lý liên quan đến quy hoạch điện. Do đó, tại vị trí dự kiến xây dựng nhà máy đốt rác phát điện, chủ đầu tư chỉ thực hiện công tác chuẩn bị mặt bằng, tập kết móng cọc để chờ giấy phép xây dựng.
Riêng Công ty Vietstar đã chủ động đầu tư nâng cấp hệ thống dây chuyền phân loại tại nhà xưởng phân loại hiện hữu.
Thời gian qua, các sở ngành, đơn vị của TPHCM đã hỗ trợ 2 công ty nói trên xác định phương án đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia để hoàn thành hồ sơ pháp lý, trình UBND TPHCM có các văn bản đề nghị Bộ Công thương xem xét, bổ sung dự án đốt rác phát điện của Công ty Vietstar và Công ty Tâm Sinh Nghĩa vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia (tờ trình số 4927/TTr-UBND ngày 27-11-2019, tờ trình số 3277/TTr-UBND ngày 27-8-2020, tờ trình số 4349/TTr-UBND ngày 22-12-2021 và công văn số 1813/UBND-ĐT ngày 3-6-2022 của UBND TPHCM).
Tại cuộc họp ngày 20-9-2022, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Công Thương tiếp tục làm việc, phối hợp chặt chẽ với Bộ Công thương xem xét, phê duyệt bổ sung quy hoạch điện các dự án chuyển đổi công nghệ vào quy hoạch phát triển nguồn điện sử dụng chất thải rắn quốc gia.
Mới đây, tại cuộc họp do Phó Chủ tịch UBND TPHCM Bùi Xuân Cường chủ trì vào ngày 14-2, Sở Công thương đã kiến nghị UBND TPHCM xin ý kiến Bộ Xây dựng có cơ chế về việc tiến hành thẩm định thiết kế cơ sở dự án chuyển đổi công nghệ, do đây là các dự án có mục tiêu xử lý rác áp dụng công nghệ mới, hiện đại, không phải dự án có mục tiêu sản xuất điện năng.
Trường hợp cần thiết, có thể xem xét cấp giấy phép xây dựng tạm trong khi chờ bổ sung đầy đủ hồ sơ liên quan đến Quy hoạch Điện VIII. Ngoài ra, UBND TPHCM cũng chỉ đạo Sở Công thương phối hợp các sở ngành và cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn, hỗ trợ thực hiện các thủ tục pháp lý dự án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt sang đốt phát điện của các công ty đang có hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý rác cho thành phố để đẩy nhanh việc xây dựng, đưa dự án vào vận hành.
Ái Vân