Ái ngại phim thị trường

(ĐTTCO) - Bộ phim “Em chưa 18” vừa được trao giải Bông Sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam 2017 diễn ra tại Đà Nẵng, thực sự khiến công chúng ái ngại cho tương lai điện ảnh nước nhà. 
Đành rằng mỗi tác phẩm phải hướng đến doanh thu, nhưng “Em chưa 18” khác gì một bộ phim Hoa Kỳ nói tiếng Việt. Từ bối cảnh đến tình tiết đều xa lạ với xã hội hôm nay, giá trị nghệ thuật của “Em chưa 18” rất mờ mịt để được tôn vinh tại một lễ hội điện ảnh quốc gia.
Chính nhà sản xuất bộ phim vừa được trao giải Bông Sen Vàng Charlie Nguyễn cũng thừa nhận: “Nhiều người khen “Em chưa 18” tuy hài nhưng không nhảm. Nhưng với tôi nó lại rất nhảm. Vấn đề ở đây là việc tôi quan niệm “nhảm” khác với khái niệm công chúng mặc định bấy lâu nay. Với “Em chưa 18”, chúng tôi không bán phim, chúng tôi bán giấc mơ. Chính vì vậy, chúng tôi tạo nên câu chuyện có màu sắc xa hoa cả về vật chất lẫn tinh thần như một lời gợi nhắc. Người xem đâu đó có thể nhìn thấy họ và cả giấc mơ thuở bé của mình trong phim.  Làm phim với nội dung khá Tây nhưng chúng tôi lại muốn nhắm đến khán giả Việt”. Còn đạo diễn bộ phim “Em chưa 18” cho biết sẽ làm phần tiếp theo của “Em chưa 18” với tên gọi “Em trên 18”. 
Ái ngại phim thị trường ảnh 1 Đoàn phim Em chưa 18 giành hai giải thưởng quan trọng của mảng điện ảnh tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XX. 
Bán được vé là một trong những tiêu chí của việc làm phim. Tuy nhiên, nếu xem tiền là mục đích duy nhất của điện ảnh sẽ tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa. Tại cuộc hội thảo trong khuôn khổ Liên hoan phim Việt Nam 2017, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát băn khoăn: “Vẫn còn nhiều phim có kết cấu giản đơn, cách làm hời hợt. Phim chủ yếu vẫn chỉ tập trung vào thể loại hài hước, kinh dị, khai thác tình yêu tay ba éo le, những chuyện giật gân, câu khách. Hiếm nhà sản xuất dám đầu tư những đề tài nghiêm túc, có giá trị nghệ thuật". 
Đạo diễn Đức Thịnh không ngần ngại chia sẻ: "Các nhà sản xuất phim thương mại luôn e ngại những dự án ít tính giải trí dù đề tài và nội dung có tính xã hội, dân tộc cao. Vì những dự án này thuộc típ khó bán vé. Điều này khiến phim chỉ loay hoay với vài mảng đề tài đơn điệu.
Để các nhà sản xuất mạnh dạn dấn thân vào các mảng đề tài có tính xã hội cao, có tầm ý nghĩa dân tộc, tôi nghĩ cần sự chung tay của Nhà nước và các đơn vị liên quan. Thí dụ các nhà phát hành, cụm rạp cần có sự bảo trợ nhất định với dòng phim này như một san sẻ rủi ro doanh thu. Như hỗ trợ về xuất chiếu, giờ chiếu và thời gian chiếu. Đồng thời có tỷ lệ ăn chia hợp lý hỗ trợ thật sự cho các dạng phim này. Nếu doanh thu tốt còn gì bằng, nếu không nhà sản xuất cũng thấy được san sẻ để có thể tiếp tục với dự án khác hơn là bỏ cuộc luôn".

Để có một thị trường điện ảnh lành mạnh, cần khuyến khích nhiều xu hướng sáng tạo. Thế nhưng, nếu tất cả các phim làm ra đều cùng một màu sắc nhảm nhí còn lâu mới có được một nền công nghiệp điện ảnh nước nhà.

Các tin khác