Kết quả ấn tượng
Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết: “Kinh tế của tỉnh tăng trưởng qua từng năm phù hợp với nguồn lực của địa phương. Theo đó, tốc độ tăng trưởng GRDP giai đoạn 2015-2020 ước đạt 5,25%.
Quy mô nền kinh tế tăng khá, năm 2020 đạt 89.362 tỷ đồng; cơ cấu chuyển dịch tích cực, môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tăng qua từng năm. Chương trình xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm 1 năm so chỉ tiêu, hiện toàn tỉnh có 61 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới".
Năm 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân 192 triệu đồng/ha, đạt kế hoạch đề ra; kim ngạch xuất khẩu đạt 930 triệu USD, tăng 4,49% so với cùng kỳ; thu ngân sách vượt chỉ tiêu với 6.765 tỷ đồng; tỷ lệ lao động được đào tạo so với tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân đạt 65%... Đời sống người dân không ngừng cải thiện, GRDP bình quân đầu người năm 2020 đạt trên 46,8 triệu đồng (tăng 16 triệu đồng so năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2020 giảm còn 1,93%...
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng khách đến các điểm tham quan, du lịch có giảm, nhưng vẫn đạt khoảng 6,5 triệu lượt khách; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 4.000 tỷ đồng.
Rừng Tràm Trà Sư - điểm du lịch thế mạnh của An Giang.
Theo lãnh đạo Sở Văn hóa ,Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) tỉnh An Giang, toàn tỉnh có khoảng 97 cơ sở lưu trú du lịch (1 khách sạn 4 sao, 6 khách sạn 3 sao, 7 khách sạn 2 sao, 39 khách sạn 1 sao); 13 công ty lữ hành (2 công ty nội địa, 11 công ty quốc tế) hoạt động về du lịch. An Giang có 15 địa điểm tham quan, du lịch phục vụ đa dạng nhu cầu vui chơi của du khách.
Tỉnh tập trung xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch đặc trưng và chất lượng cao, trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên, thế mạnh. Ưu tiên phát triển du lịch văn hóa làm nền tảng, phát triển du lịch sinh thái; đồng thời phát triển các loại hình du lịch mới trên cơ sở khai thác tài nguyên và gắn kết các sản phẩm liên ngành; hình thành các sản phẩm phục vụ nhu cầu mua sắm tạo giá trị gia tăng như du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực…
Tăng tốc phát triển toàn diện
Ông Nguyễn Thanh Bình cho rằng, cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh ngày càng cải thiện. Đặc biệt công trình cầu Vàm Cống hoàn thành có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, giao thương giữa An Giang với các tỉnh trong và ngoài vùng.
Bên cạnh đó, hạ tầng du lịch, khu vui chơi, giải trí tiếp tục được nâng cấp, hoàn thiện, góp phần tăng trưởng ngành du lịch và dịch vụ của tỉnh. Đối với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã triển khai gần 5 năm bắt đầu có hiệu ứng tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân khẳng định, tới đây tỉnh sẽ đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản.
Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp, với phương châm “thị trường hóa hoạt động nông nghiệp để ổn định đầu ra cho nông sản; công nghiệp hóa và công nghệ hóa nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng; dịch vụ hóa nông nghiệp để tăng cường chuyên môn hóa và cải thiện hiệu quả; nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững”.
Bí thư Tỉnh ủy An Giang cũng cho biết tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, tạo giá trị sản xuất cao gắn với thị trường. Phát triển các loại hình trang trại, kinh tế hợp tác, tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao; hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn, vùng nông nghiệp công nghệ cao.
Song hành cùng nông nghiệp, An Giang khai thác thế mạnh về thương mại, dịch vụ và du lịch. Phát triển các loại hình dịch vụ du lịch, tín dụng, y tế, đô thị. Đẩy mạnh thương mại điện tử và có lộ trình phát triển kinh tế số. Phát triển các trung tâm tập kết trung chuyển hàng hóa, các loại hình dịch vụ logistics.
Phát huy vai trò của các cửa khẩu quốc tế trong kết nối vùng ĐBSCL với Campuchia, nhằm đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới. Ngoài ra phát triển đồng bộ các loại hình du lịch tâm linh - sinh thái - nghỉ dưỡng. Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khuyến khích những loại hình văn hóa, giải trí về đêm để thu hút và giữ chân du khách…
Trong chuyến công tác về An Giang (tháng 9-2020), ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, cho rằng An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế, cơ hội để phát triển. Là địa phương trong vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL, kết cấu hạ tầng ngày càng cải thiện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ, kết nối giao thương. An Giang tiếp giáp với Campuchia có nhiều cửa khẩu quốc tế, quốc gia; là cửa ngõ của trục Đông - Tây thông thương giữa ĐBSCL và các nước Đông Nam Á…
Mục tiêu từ nay đến 2025, tốc độ tăng trưởng bình quân 6,5-7%, đưa kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước, đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước.