Đó là “hữu xạ tự nhiên hương”, chỉ là vấn đề thời gian. Song câu chuyện ở đây là phải làm sao để tìm ra giải pháp giữ chân NLĐ lâu dài, dù khi dịch bệnh trở lại họ vẫn kiên trì ở lại TP, cùng chống dịch và cùng tái tạo lao động sản xuất khi dịch đi qua.
Người xưa có câu “an cư thì mới lạc nghiệp”, câu nói này đúng với thực trạng NLĐ ở TPHCM hiện nay. Làm sao NLĐ có thể bám trụ ở lại cùng TP tổ chức lao động sản xuất khi công việc vẫn bấp bênh (vì dịch Covid-19 chưa được kiểm soát hoàn toàn) và điều kiện ăn ở, sinh hoạt – những yếu tố tối cần thiết dùng để tái sản xuất lao động đã không được đảm bảo?!
Chẳng hạn như từ nhiều năm nay, vấn đề nhà ở cho NLĐ, đặc biệt là công nhân làm ở các nhà máy, KCN, KCX dù đã có chủ trương từ trên, dù đã được bàn đi thảo lại nhiều lần, nhưng dường như tất cả đều chỉ nằm trên giấy, chưa bao giờ thành hiện thực. TPHCM với hàng chục ngàn công nhân làm việc tại đây, chủ yếu vẫn ở trong các khu dãy nhà trọ, thậm chí là khu ổ chuột.
Nhà ở đang là vấn đề bức xúc đối với công nhân lao động, nhất là NLĐ nhập cư trong nhiều năm qua. Những bức xúc, hạn chế này càng lộ rõ hơn trong thực tế triển khai công tác phòng, chống dịch Covid-19 vừa qua.
Cũng có lúc, có nơi, cơ quan chức năng kêu gọi các chủ kinh doanh nhà trọ miễn, giảm tiền nhà trọ cho NLĐ mất việc làm và không có thu nhập. Nhiều chủ nhà trọ cũng đã miễn giảm từ 20-50%, thậm chí có nơi 70-100%. Nhưng đó là câu chuyện “lá lành đùm lá rách”, là giải pháp tạm thời.
Chủ nhà trọ “giải cứu” NLĐ bằng cách miễn, giảm tiền nhà trọ, vậy ai sẽ “giải cứu” những hộ dân kinh doanh nhà trọ, khi mà thực tế có nhiều hộ kinh doanh đang vay nợ ngân hàng để đầu tư kinh doanh nhà trọ với mức lãi suất ngân hàng không hề giảm và trong bối cảnh dịch Covid-19 tình hình kinh doanh ảm đạm?
Không riêng gì TPHCM, mà tại nhiều TP lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, vấn đề nhà lưu trú cho NLĐ, đặc biệt là công nhân tại các KCX - KCN đang là nhu cầu bức thiết rất lớn.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là cơ chế về xây dựng quỹ đất dành cho đầu tư xây dựng nhà lưu trú chưa thu hút được các nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này. Bởi với quy định hiện hành, quỹ đất xây dựng nhà lưu trú phải nằm ngoài ranh giới KCN - KCX. Đó là chưa kể đến còn cả “rừng” thủ tục bày ra trước mắt khi các doanh nghiệp muốn đầu tư xây dựng nhà lưu trú.