Bởi qua các vụ việc, quyền lợi của người gửi tiền vẫn chưa được NH bảo vệ triệt để, trong khi lâu nay kênh tiền gửi tiết kiệm được đánh giá an toàn nhất trong các kênh đầu tư.
NHTM có vốn nhà nước đã an toàn?
Hệ thống NH hiện có 4 NHTM có vốn nhà nước trong đó Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ tại Agribank, 95,28% vốn điều lệ tại BIDV, 77,11% vốn điều lệ tại Vietcombank và 64,46% vốn tại Vietinbank. Với lợi thế riêng, các NH này luôn có mức huy động vốn ấn tượng.
Cụ thể, trong năm 2017, tổng huy động vốn của Vietcombank đạt 889.724 tỷ đồng, tăng 38,7% so với năm 2016, đạt đến 118% kế hoạch 2017; nguồn huy động của BIDV đạt 1,106 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 17,9% so với 2016; Vietinbank đạt 1,012 triệu tỷ đồng, tăng 16,4% so với cuối năm 2016, hoàn thành 102% kế hoạch; nguồn huy động của Agribank cũng đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Trong tổng vốn huy động, nguồn vốn của các tổ chức, doanh nghiệp gửi tại các NH này cũng chiếm tỷ lệ lớn.
Lãnh đạo NHNN đã nhiều lần nhấn mạnh đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi người gửi tiền là mục tiêu hàng đầu. Song khi xảy ra các vụ việc, khách hàng chỉ đơn độc đứng ra làm việc với NH để đòi quyền lợi của mình. Đối với vụ khiếu nại mất tiền tại Eximbank đang diễn ra, NHNN cho biết đã yêu cầu NH có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi người gửi tiền nhưng không đề xuất giải pháp cụ thể. |
Phán quyết của tòa án dựa trên lý, nhưng về tình khi cách Vietinbank hành xử trong quá trình xét xử vụ án khiến người gửi tiền bất an khi đem tài sản gửi vào NH. Hơn nữa, so với mặt bằng chung, lãi suất huy động của các NHTM có vốn nhà nước rất thấp. Theo biểu lãi suất tiền gửi của Agribank, tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng áp dụng lãi suất 4,1%/năm, 3 tháng 4,8%/năm, từ 6 tháng trở lên 5,3-6,7%/năm. Tương tự tại Vietcombank, Vietinbank, BIDV lãi suất cũng áp dụng như Agribank. Do vậy, với khách hàng cá nhân, từ vụ việc Huyền Như và lãi suất sẽ là vấn đề cân nhắc khi tìm nơi gửi tiền.
NHTMCP: Lãi cao rủi ro cao?
NHTMCP: Lãi cao rủi ro cao?
Những năm gần đây, các NHTMCP đã có bước phát triển đáng chú ý. Riêng đối với khách hàng gửi tiền, điểm nhấn của NHTMCP là lãi suất luôn cao hơn các NHTM có vốn nhà nước. Hiện lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng của các NHTM hầu hết đều áp dụng chạm trần 5,5%/tháng, từ 6 tháng đến 12 tháng áp dụng từ 5,5-7,5% năm, trên 12 tháng từ 6,7-7,9%/năm.
Đặc biệt đang có khá nhiều NHTMCP áp dụng lãi suất huy động kỳ hạn dài trên 8%/năm. Một chuyên gia kinh tế cũng đánh giá, hiện lãi suất giữa các NHTM có vốn nhà nước và NHTMCP chênh lệch khá lớn. Trong cùng 1 kỳ hạn gửi tiền, chênh lệch lãi suất huy động của các NHTM có vốn nhà nước và lãi suất của NHTMCP lên đến 2%, giúp các NHTMCP có sức hấp dẫn lớn đối với người dân.
Ảnh minh họa.
Giữa lúc các NHTMCP đang ra sức cạnh tranh hút vốn từ khách hàng cá nhân thông qua chính sách lãi suất và hàng loạt ưu đãi về quà tặng, lại xuất hiện vụ án Lê Nguyễn Hưng, nguyên Phó Giám đốc Eximbank Chi nhánh TPHCM, lừa đảo chiếm đoạt 245 tỷ đồng tiền gửi của khách hàng Chu Thị Bình và bỏ trốn ra nước ngoài. Sai phạm xảy ra không chỉ xuất phát từ cá nhân mà có tính chất dây chuyền, ngoài Lê Nguyễn Hưng đang bị truy nã còn có 2 nhân viên khác của Eximbank chi nhánh TPHCM bị khởi tố dẫn đến nghi ngại về vấn đề quản lý của các NH.
Mặc dù sự việc từng bước được làm rõ, nhưng cho thấy lỗ hổng rất lớn trong vấn đề quản lý của NH. Nhiều chi nhánh, phòng giao dịch NH không thực hiện đúng trình tự gửi rút tiền mà rút ngắn hoặc đi tắt quy trình, thậm chí cho nhân viên đến tận nhà thu/chi tiền gửi…
Quan trọng hơn nữa là lỗ hổng về rủi ro đạo đức, bởi các NH luôn khẳng định áp dụng nhiều tầng, cấp giám sát và quản lý, áp dụng nhiều kỹ thuật công nghệ hỗ trợ nhưng sự cố vẫn xảy ra. Hiện, phía NH kiên quyết chờ phán xét của Tòa án thay vì bồi thường cho khách hàng dù nhân viên của NH làm sai, nhưng rõ ràng tâm lý bất an với kênh tiền gửi ngày càng gia tăng và trách nhiệm của NH trong việc bảo vệ tiền gửi đang được đặt ra.
Cần vực dậy niềm tin
Cần vực dậy niềm tin
Gửi tiết kiệm là một hình thức đầu tư phổ biến, có tính thanh khoản cao và luôn được đánh giá kênh đầu tư an toàn và không có rủi ro. Nhưng sau khi xảy ra vụ việc Huyền Như, Lê Nguyễn Hưng cùng nhiều vụ việc rút ruột tiền gửi NH đã và đang được xét xử, độ an toàn của kênh tiền gửi đang được người dân xem xét lại.
Sau các sự cố mất tiền, nhiều NH đã tìm cách tăng uy tín, thương hiệu bằng cách triển khai các chương trình tư vấn an toàn tiền gửi giám sát như Vietbank vừa tổ chức, hay một số NH triển khai các kiểm tra tài khoản tiền gửi từ xa… Tuy nhiên, từ những vụ án đó cho thấy uy tín của các NHTM có vốn nhà nước lẫn các NHTMCP đang được người dân mổ xẻ.
NHNN mới đây nhấn mạnh văn bản, quy định rõ về quy trình, trình tự, thủ tục nhận tiền gửi khách hàng, trong đó quy định rõ trách nhiệm các TCTD nhận tiền gửi phải công khai minh bạch quy trình gửi tiết kiệm, đến hạn trả đủ lãi gốc cho người gửi, đặc biệt phải chịu trách nhiệm lỗi vi phạm khi bị lợi dụng dẫn đến mất tiền do tổ chức mình gây ra.
Hàng năm, NHNN luôn chỉ đạo các TCTD tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ bảm đảm an toàn các hoạt động, trong đó có quy trình nhận tiền gửi. Với một số vụ mất tiền, NHNN đã có chỉ đạo các TCTD tích cực phối hợp với khách hàng, các cơ quan chức năng khác để đưa ra phương án xử lý bảo đảm quyền lợi, lợi ích hợp pháp người gửi tiền.
Nhưng khi đã có quá nhiều sai phạm xảy ra và sự bức xúc của khách hàng trong quá trình giải quyết vụ việc, cho thấy uy tín và trách nhiệm của NH vẫn đáng lo ngại và đặt dấu hỏi về vai trò của NHNN trong việc giám sát các TCTD, cũng như xử lý vi phạm các sự cố mất tiền trong hệ thống.