TTCK Việt Nam quá sợ hãi chăng?
Nếu coi TTCK mà đại diện là các chỉ số là “hàn thử biểu” của nền kinh tế, thì có lẽ “hàn thử biểu” của Việt Nam (chỉ số VN Index) đã gặp trục trặc khi phản ánh sự lo ngại quá mức. Giá dầu thế giới đạt đỉnh 5 tháng trong tuần đầu tháng 6-2022, thì chỉ số S&P500 đại diện TTCK Mỹ tạo đáy ngày 16-6-2022. Trong khi đó VN Index tạo đáy vào ngày 6-7-2022. Và kể từ đáy, S&P 500 đã tăng 12,4% trong khi VN Index tăng khoảng 9,3%.
Các số liệu vĩ mô của Việt Nam hoàn toàn khác biệt với nhiều quốc gia khác, khi duy trì được sự ổn định rất tích cực. CPI tháng 7 tăng 3,14% so cùng kỳ, tăng 3,59% so với tháng 12-2021, và lạm phát bình quân 7 tháng được kiểm soát ở mức 2,54%, vẫn chưa quá lo ngại so với mục tiêu 4% của Chính phủ cho năm 2022.
Yếu tố gây áp lực lớn nhất tới lạm phát là giá năng lượng, thì giá dầu thế giới đã xuống thấp hơn hẳn ngưỡng 100USD/thùng (dầu WTI còn khoảng 90USD/thùng và dầu Brent khoảng 96USD/thùng). Giá nguyên vật liệu cơ bản cũng đang giảm mạnh, như giá thép xây dựng trong nước trải qua kỳ điều chỉnh thứ 13 liên tiếp kể từ tháng 5-2022. Giá xăng dầu trong nước cũng điều chỉnh giảm liên tục khi các biện pháp giảm thuế được thực thi. Nếu giá dầu thế giới tiếp tục yếu như hiện tại hoặc xuống thấp hơn, dư địa giảm giá xăng dầu còn mạnh hơn nữa.
Diễn biến giá một số mặt hàng cơ bản: Phôi thép, Ngô, dầu Brent đều đã đạt đỉnh trong tháng 5-2022 và giảm mạnh tới đầu tháng 8-2022. Nguồn: Tradingeconomics.
Việc kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng khiến sức ép lạm phát ở Việt Nam ít chịu ảnh hưởng từ yếu tố tiền tệ, mà chủ yếu từ yếu tố chi phí đẩy, tức là giá hàng hóa thế giới được nhập khẩu hoặc các tác động dây chuyền tới hàng hóa cơ bản khác trong nước sử dụng.
Vì thế khi giá hàng hóa thế giới giảm, sức ép này cũng giảm. Dĩ nhiên vẫn sẽ có độ trễ nhất định, chẳng hạn với giá thức ăn chăn nuôi, tuy giá bắp ngô thế giới đã đạt đỉnh từ đầu tháng 5-2022 và giảm tới 23% so với đỉnh, nhưng giá thức ăn chăn nuôi trong nước vẫn đang rất cao do giá nguyên liệu nhập dự trữ vẫn còn cao.
Dù vậy xu hướng giảm giá nguyên liệu một khi đã hình thành thì sớm muộn cũng sẽ phản ánh lên giá sản phẩm cuối.
Nhiệm vụ kiểm soát lạm phát 2022 của Việt Nam vẫn được các tổ chức quốc tế lẫn trong nước đánh giá là khả thi, cũng chủ yếu ở tín hiệu hạ nhiệt hàng hóa toàn cầu. Đây là kỳ vọng mà TTCK Việt Nam chưa thật sự phản ánh hết. Nguyên nhân một phần đến từ yếu tố thua lỗ quá lớn trong quý II của đa số nhà đầu tư (NĐT), cũng như việc giới hạn dòng tiền so với giai đoạn trước.
Tuy vậy, nếu nhìn xa khi kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng ở mức cao và nền lãi suất vẫn thấp, là tiền đề cho TTCK tiếp tục xu hướng hàn gắn lại những tổn thương của quý II.
Dòng tiền thay đổi, cơ hội thay đổi
Đối với các NĐT đã trải qua giai đoạn bùng phát tăng trưởng 2020-2021 và quý I-2022, khác biệt có thể cảm nhận rõ nhất trên thị trường giai đoạn này là sự xoay vòng của các cổ phiếu thuộc các nhóm ngành khác nhau.
Không còn tình trạng cổ phiếu tăng giá đồng loạt và NĐT cứ nắm giữ một vài mã quen thuộc để có lợi nhuận tốt, như: phân bổ vốn sai lầm, chọn cổ phiếu nhưng không hiểu đặc điểm mới của thị trường rất dễ dẫn đến thua lỗ hoặc đọng vốn.
Lấy thí dụ về các cổ phiếu hàng hóa cơ bản trong chu kỳ tăng giá và thoái trào như thép, than, thức ăn chăn nuôi, dầu khí. Các chu kỳ giá cổ phiếu lệch nhau là hệ quả của biến động giá thế giới. Khi giá thép tăng vọt, cổ phiếu xây dựng thoái trào, nhưng cổ phiếu thép lại thăng hoa.
Và chỉ khi NĐT hiểu rõ chu kỳ giá hàng hóa mới có thể tối ưu dòng tiền và tìm kiếm lợi nhuận tốt nhất khi đầu tư theo chiến lược xoay vòng các nhóm cổ phiếu này. Các yếu tố địa chính trị lần đầu tiên được cảm nhận rõ tác động, như giá thực phẩm (cả thức ăn chăn nuôi), giá dầu, than, thay đổi lớn từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Vì vậy các tiến triển hay thoái trào của xung đột này không còn là “chuyện bên kia đại dương” nữa, mà sẽ phản ánh ngay lên cổ phiếu trên thị trường Việt Nam. Hay như tình trạng thiếu khí đốt, nhiên liệu dẫn đến lạm phát cao ở châu Âu, Mỹ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhu cầu tiêu dùng của người dân sở tại, khiến năng lực xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam cũng bị tác động và giá cổ phiếu không thể đứng ngoài cuộc.
Một thay đổi lớn nữa là các dòng tiền cơ hội trên TTCK đang dịch chuyển. Thí dụ, lượng vốn không hề nhỏ từ các đợt phát hành trái phiếu bất động sản, hay tiền nhàn rỗi trong kinh doanh được không ít doanh nghiệp bỏ vào TTCK suốt giai đoạn 2020-2021, thì lúc này dòng vốn đó đã chảy ra đáng kể.
Nói cách khác, chiến lược và năng lực của NĐT đang được thử thách khi cần có cái nhìn tổng quát hơn nhiều so với những con số cơ bản như P/E hay lợi nhuận hàng quý. Các biến số đầu vào cho mỗi chiến lược đầu tư cũng dễ dàng thay đổi, như giá dầu có thể quay lại xu hướng tăng mạnh nếu có bất kỳ động thái gia tăng căng thẳng nào về nguồn cung. Khi đó những giả định về bối cảnh giảm sức ép lạm phát sẽ không còn nữa.
Rủi ro suy thoái của châu Âu, Mỹ - những địa bàn xuất khẩu quan trọng của Việt Nam - cũng là sẽ là yếu tố tác động mà thị trường có thể phản ánh trước.
Nếu nhìn xa khi kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng ở mức cao và nền lãi suất vẫn thấp, là tiền đề cho TTCK tiếp tục xu hướng hàn gắn lại những tổn thương của quý II. |