Áp thuế để bảo vệ thép sản xuất trong nước

Ngày 6-6 tới Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương sẽ tổ chức tham vấn các bên liên quan việc điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Theo ông Phạm Chí Cường, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, khi có đầy đủ chứng cứ thì Việt Nam cần áp thuế chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ cán nguội để bảo vệ các nhà sản xuất trong nước. Xu hướng bảo vệ sản xuất trong nước đều được các nước trên thế giới áp dụng.

Ngày 6-6 tới Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương sẽ tổ chức tham vấn các bên liên quan việc điều tra chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội xuất xứ từ Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan.

Trước đó, hồi đầu tháng 12-2013, Cục Quản lý cạnh tranh đã công bố kết luận điều tra của mình trong giai đoạn điều tra theo đề nghị của hai doanh nghiệp trong nước là Posco VST và Inox Hòa Bình về áp dụng biện pháp chống bán phá giá với sản phẩm trên nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc, Đài Loan, Malaysia và Indonesia.

Kết luận của cơ quan này là có hiện tượng chống bán phá giá, và đề nghị áp dụng mức thuế tạm trong thời gian 120 ngày, với mức thuế thấp nhất từ 6,45% đến cao nhất là 30,73%.

Ngay lập tức, 18 doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng từ nguyên liệu inox nhập khẩu từ 4 thị trường nêu trên đã phản ứng khá quyết liệt với kết luận sơ bộ của Cục Quản lý cạnh tranh vì cho rằng nếu áp thuế sẽ chặn đứng khả năng tiếp cận nguồn nguyên liệu phong phú với giá cạnh tranh, và sẽ đẩy các doanh nghiệp này vào tình thế khó khăn, không thể cạnh tranh được.

Trao đổi quanh vụ việc này, ông Cường, một chuyên gia lâu năm trong ngành thép cho rằng, khi có đủ bằng chứng việc bán phá giá thép không gỉ vào Việt Nam thì việc điều tra chống bán phá giá là điều nên làm bởi việc bán phá giá nguyên liệu vào Việt Nam sẽ gây ảnh hưởng lâu dài cho sản xuất trong nước.

“Việc khởi kiện chống bán phá giá là việc đòi lại sự công bằng trong thương mại quốc tế. Thép xuất khẩu của Việt Nam lâu nay bị kiện nhiều, đây là lần đầu tiên Việt Nam muốn áp thuế chống bán phá giá thép nên cần thận trọng, nên áp thuế chống bán phá giá với các mức khác nhau và có thời hạn để cho các công ty bị đánh thuế tự điều chỉnh”, ông Cường nói.

Ông Cường cho biết thông thường khi đứng trước sự cân nhắc giữa xung đột quyền lợi nhà sản xuất trong nước và nhà nhập khẩu thì các quốc gia khác thường quyết định theo hướng bảo vệ nhà sản xuất trong nước.

Thép không gỉ là mặt hàng mặt hàng đầu tiên bị kiện bán phá giá tại thị trường Việt Nam kể từ khi pháp lệnh quy định về chống bán phá giá đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam được ban hành từ năm 2004 đến nay.

Hiện các mặt hàng thép không gỉ có mức thuế nhập khẩu vào Việt Nam từ 0-10%. Trong đó, mức thuế suất nhập khẩu bằng 0% được áp dụng cho thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ một số nước, như Trung Quốc và các nước ASEAN, theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam có tham gia.

Trong khi Việt Nam chuẩn bị các bước cho việc áp thuế chống bán phá giá thép không gỉ thì Ủy ban chống bán phá giá của Indonesia (KADI) vừa thông báo khởi xướng điều tra xem xét tạm thời về chống bán phá giá thép cuộn cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam, Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản theo yêu cầu của nguyên đơn là Công ty PT Krakatau Steel (Indonesia).

Trước đó, vào tháng 12-2012 KADI đã ban hành quyết định biên độ phá giá cuối cùng đối với các công ty xuất khẩu thép cuộn cán nguội của Việt Nam với mức thuế từ 13,5 – 36,6%. Theo số liệu của Bộ Thương mại Indonesia, trong năm 2010 Indonesia đã nhập khẩu 924.800 tấn thép cuộn cán nguội (loại nguyên liệu sử dụng trong ngành sản xuất ô tô, ống dẫn và nội thất), tăng 57,19% so với năm 2009.

Các tin khác