Ban hành Nghị quyết hỗ trợ người bị ảnh hưởng Covid-19: Những ai sẽ nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ?

(ĐTTCO) - Nghị quyết 68 Chính phủ ban hành ngày 1-7 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, có 12 nội dung và đối tượng hỗ trợ. Mức hỗ trợ từ 1.500.000 -3.710.000 đồng/người/tháng. 
Người lao động tại các doanh nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ từ 1.500.000-3.710.000 đồng/tháng. Ảnh: Bộ Y tế
Người lao động tại các doanh nghiệp, lao động tự do bị ảnh hưởng bởi Covid-19 được hỗ trợ từ 1.500.000-3.710.000 đồng/tháng. Ảnh: Bộ Y tế
Nghị quyết do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ban hành, nêu rõ mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. Người lao động được hỗ trợ một lần bằng tiền và chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ. Gói hỗ trợ có giá trị 26.000 tỷ đồng.
12 nội dung và đối tượng hỗ trợ cụ thể gồm:

Giảm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Người sử dụng lao động được áp dụng mức đóng 0% quỹ tiền lương, làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong 12 tháng, tính từ ngày 1-7-2021 đến hết ngày 30-6-2022, cho người lao động thuộc đối tượng áp dụng chế độ (trừ người hưởng lương từ ngân sách nhà nước).

Người sử dụng lao động sẽ dùng toàn bộ số tiền từ việc giảm đóng Quỹ Bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hỗ trợ cho người lao động.

Tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất: Người sử dụng lao động đã đóng đủ bảo hiểm xã hội, hoặc đang tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất đến hết tháng 4-2021, bị ảnh hưởng dịch phải giảm từ 15% lao động tham gia bảo hiểm xã hội trở lên, thì lao động và người sử dụng lao động được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất 6 tháng, kể từ thời điểm đề nghị.

Với trường hợp đã được giải quyết tạm dừng đóng năm 2020, nếu đủ điều kiện thì vẫn được giải quyết, nhưng tổng thời gian áp dụng không quá 12 tháng.

Hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm: Người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí đào tạo, nâng cao trình độ nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp khi đóng đủ bảo hiểm thất nghiệp; doanh nghiệp thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định; có doanh thu quý liền trước thời điểm đề nghị hỗ trợ giảm từ 10% trở lên so với cùng kỳ năm 2019 hoặc 2020; có phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động... được hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/lao động/tháng. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng.

Ban hành Nghị quyết hỗ trợ người bị ảnh hưởng Covid-19: Những ai sẽ nhận hỗ trợ từ gói 26.000 tỷ? ảnh 1 Trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn, đồng thời hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ trong thời gian điều trị.
Với người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương theo yêu cầu phòng, chống dịch, với thời gian tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương từ 15 ngày trở lên, tính từ ngày 1-5-2-021 đến hết ngày 31-12-2021, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, được hỗ trợ một lần từ  1.855.000 đồng/người đến 3.710.000 đồng/người, tùy vào thời gian.

Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động bị ngừng việc và thuộc đối tượng phải cách ly y tế, hoặc trong các khu vực bị phong tỏa, đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc được hỗ trợ một lần 1.000.000 đồng/người.

Với người lao động làm việc tại doanh nghiệp, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp công lập,  cơ sở giáo dục dân lập, tư thục... phải dừng hoạt động để phòng, chống dịch nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Những lao động đang mang thai được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/người; đang nuôi con hoặc chăm sóc thay thế trẻ em chưa đủ 6 tuổi được hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ, và chỉ hỗ trợ cho 1 người là mẹ hoặc cha.

Với trẻ em phải điều trị do nhiễm Covid-19 hoặc cách ly y tế được ngân sách nhà nước đảm bảo các chi phí điều trị và tiền ăn theo quy định. Đồng thời được ngân sách nhà nước hỗ trợ thêm 1.000.000 đồng/trẻ trong thời gian điều trị.

Những người  phải điều trị Covid-19 (F0) được hỗ trợ tiền ăn 80.000 đồng/ngày theo thời gian điều trị thực tế, nhưng tối đa không quá 45 ngày. Những người phải cách ly y tế (F1) được hỗ trợ tiền ăn mức 80.000 đồng/người/ngày, tối đa 21 ngày.

Với đạo diễn, diễn viên, họa sĩ giữ chức danh nghề nghiệp hạng IV trong các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động nghệ thuật biểu diễn (không bao gồm các đơn vị lực lượng vũ trang) phải dừng hoạt động từ 15 ngày trở lên để phòng, chống dịch được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Hướng dẫn viên du lịch được cấp thẻ hành nghề, bị ảnh hưởng dịch cũng được hỗ trợ một lần 3.710.000 đồng/người.

Với hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh, có đăng ký thuế và phải dừng hoạt động từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết ngày 31-12-2021 để phòng, chống dịch, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ một lần 3.000.000 đồng/hộ.

Về chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất: Người sử dụng lao động được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 0%, không phải thực hiện biện pháp bảo đảm tiền vay, để trả lương ngừng việc cho lao động đang phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên.

Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Với doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch, khi quay trở lại sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cũng được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động. Mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng với số người lao động đang làm việc theo thời gian trả lương thực tế tối đa 3 tháng. Thời hạn vay vốn dưới 12 tháng.

Với lao động tự do và một số đối tượng đặc thù khác sẽ căn cứ điều kiện cụ thể và ngân sách của địa phương hỗ trợ. Mức hỗ trợ không thấp hơn 1.500.000 đồng/người/lần, hoặc 50.000 đồng/người/ngày, căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương.

Các tin khác