40% chợ truyền thống tại TPHCM phải đóng cửa, Sở Công thương yêu cầu quận huyện đảm bảo hàng hóa

(ĐTTCO) - 93 trong tổng số 234 chợ truyền thống tại TPHCM đang phải dừng kinh doanh, nhiều siêu thị cũng phải tạm ngưng hoạt động do liên quan ca Covid-19. Sở Công thương gửi văn bản yêu cầu các quận, huyện đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân.

 

Đã có 93 chợ truyền thống tại TPHCM đã phải tạm dừng hoạt động. Ảnh: Thanh niên
Đã có 93 chợ truyền thống tại TPHCM đã phải tạm dừng hoạt động. Ảnh: Thanh niên

Sở Công Thương TPHCM vừa có công văn gửi UBND TP Thủ Đức và các quận huyện, về vấn đề đảm bảo cung ứng lương thực thực phẩm, hàng hóa thiết yếu cho người dân trong lúc nhiều chợ truyền thống đang phải tạm ngưng hoạt động  dịch Covid-19 phức tạp.

Theo Sở Công Thương TPHCM, đến nay đã có 93 trong tổng số 234 chợ truyền thống tại thành phố tạm ngưng hoạt động, chiếm tỷ lệ 40%.

Để đảm bảo hàng hóa lưu thông liên tục và đảm bảo quyền lợi chính đáng cho tiểu thương, Sở đề nghị các đơn vị nhanh chóng báo cáo tình hình hoạt động các chợ trên địa bàn.

Đối với các chợ tạm ngưng hoạt động, cần thống kê rõ số lượng tiểu thương kinh doanh thực phẩm tươi sống, thời điểm ngưng hoạt động, lý do ngưng hoạt động, cũng như dự kiến thời gian hoạt động trở lại.

Đối với các chợ tạm đóng cửa do có liên quan các ca lây nhiễm, lãnh đạo Sở Công thương yêu cầu thực hiện ngay việc cách ly, khoanh vùng, khử khuẩn, xét nghiệm… và các biện pháp khắc phục khác theo quy định của cơ quan y tế. Chủ động xem xét, đánh giá, triển khai các biện pháp cần thiết để đưa chợ hoạt động trở lại sớm nhất.

Trường hợp chợ buộc phải đóng cửa do không đảm bảo quy định, tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, TP Thủ Đức và các quận huyện cần nghiên cứu rà soát các tiêu chí chưa đạt, không đủ điều kiện, để có biện pháp khắc phục, nhanh chóng hoạt động trở lại.

40% chợ truyền thống tại TPHCM phải đóng cửa, Sở Công thương yêu cầu quận huyện đảm bảo hàng hóa ảnh 1 Rau củ quả tại các chợ tăng khá cao những ngày gần đây, do việc vận chuyển khó khăn hơn. Ảnh: H. Minh
Lãnh đạo địa phương phải giao trách nhiệm cụ thể cho cá nhân, cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm theo dõi tình hình cung ứng hàng hóa, giá cả thị trường trên địa bàn.

Cùng với đó, liên hệ các đầu mối cung ứng hàng hóa, căn cứ tình hình thực tế, chủ động thảo luận cách thức tổ chức, phương thức bán hàng, chuẩn bị nhân lực bố trí điểm bán hàng, để thực hiện theo hướng bán hàng đồng giá hoặc bán hàng đăng ký trước.

Sở Công thương nhấn mạnh phải hạn chế tối đa việc tiếp xúc, giao dịch để đảm bảo nguồn cung hàng hóa tại địa phương được thông suốt, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Không được để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, sốt giá trên địa bàn, vừa thực hiện tốt công tác phòng chống dịch.

Ngoài chợ truyền thống đóng cửa, trong tháng 6, nhiều siêu thị lớn tại TP.HCM cũng phải tạm ngưng hoạt động, do liên quan các ca mắc Covid-19 là nhân viên hoặc khách hàng thuộc diện F0 đi mua sắm. Thời gian tạm đóng cửa kéo dài khiến doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Một số doanh nghiệp đang đề xuất được sớm hoạt động trở lại khi đảm bảo đủ điều kiện an toàn.

Sở Công Thương TPHCM cũng đã có văn bản đề xuất sớm mở cửa lại các điểm bán liên quan ca mắc Covid-19.

Về vấn đề này, theo hướng dẫn của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), ban quản lý các siêu thị, trung tâm thương mại có liên quan ca mắc Covid-19 phải phối hợp cơ quan y tế xác định tất cả trường hợp có tiếp xúc bệnh nhân, để thực hiện cách ly y tế và vệ sinh khử khuẩn toàn địa điểm.

Theo HCDC, các điểm bán này có thể trở lại hoạt động ngay sau khi đã hoàn thành công tác vệ sinh khử trùng, đảm bảo nhân viên làm việc tại địa điểm này không có người đang trong thời gian phải cách ly y tế theo quy định.

Các hệ thống bán lẻ có thể tuân thủ hướng dẫn này để rút ngắn thời gian tạm ngưng hoạt động, đảm bảo an toàn.

Các tin khác