“Khoe” thành tích bán lẻ
Nửa đầu tháng 10, các NHTM bắt đầu hé lộ kết quả kinh doanh quý III với nhiều điểm đáng chú ý. Cụ thể, VIB công bố kết quả kinh doanh chưa kiểm toán cho 9 tháng với lợi nhuận trước thuế (LNTT) 7.800 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái. Công bố tính đến cuối quý III, dư nợ tín dụng của VIB đạt 228.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cuối năm 2021; rủi ro tín dụng tập trung thuộc nhóm thấp nhất thị trường nhờ tỷ trọng dư nợ bán lẻ chiếm 90% tổng danh mục cho vay (vượt 200.000 tỷ đồng), với trên 90% khoản vay có tài sản đảm bảo. NH tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu về thị phần cho vay ô tô và bảo hiểm nhân thọ, chiếm thị phần số 1 tổng mức chi tiêu thẻ Master tại Việt Nam với tỷ lệ trên 35%.
SeABank cũng công bố kết quả kinh doanh hợp nhất 9 tháng với LNTT đạt hơn 4.016 tỷ đồng, tăng trưởng 58,7% so với cùng kỳ 2021. Trong đó, tổng thu thuần gần 7.282 tỷ đồng, tăng 41,5% so với cùng kỳ 2021 nhờ sự tăng trưởng từ kinh doanh mảng bán lẻ, cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ và tăng trưởng các hoạt động doanh thu phí.
Tại TPBank, LNTT lũy kế 5.926 tỷ đồng, tăng 1.532 tỷ đồng so với cùng kỳ. Tổng thu nhập hoạt động trong 3 quý đạt 11.951 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ. Trong đó hơn 8.600 tỷ đồng đến từ thu nhập lãi thuần (tăng 20,62% so với cùng kỳ) và 1.876 tỷ đồng đến từ thu nhập dịch vụ (tăng hơn 78% so với cùng kỳ), nhờ thu từ phí dịch vụ và hoạt động thanh toán tăng nhanh so với năm ngoái.
Thống kê từ TPBank cho thấy, tệp khách hàng của NH đã tăng lên con số 7 triệu, trong đó khách hàng trẻ (Gen Y, Gen Z) chiếm đến 70%. Có thể nói đây là nguồn lợi dồi dào không chỉ ở thời điểm hiện tại, còn ở các năm tới để NH tăng thu dịch vụ từ mảng bán lẻ. Đồng thời, NH này cũng năng động trong mảng cho vay bán lẻ, khi cho biết trong tổng dư nợ tín dụng 178.902 tỷ đồng có sự đóng góp lớn từ phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp nhỏ và vừa.
LienVietPostBank cũng cho biết đã cán đích LNTT của cả năm 2022, khi đạt hơn 4.800 tỷ đồng vào cuối quý III. Đóng góp vào đó là thu nhập lãi thuần tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, nhờ tín dụng bán lẻ tăng trưởng cao cùng với các khoản thu lãi từ khoản vay cơ cấu Covid-19 của các khách hàng đã khôi phục hoạt động kinh doanh… Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của NH cũng tăng mạnh, đạt hơn 779 tỷ đồng (cùng kỳ đạt 546 tỷ đồng) khi kết thúc quý III, nhờ phát triển các dịch vụ trọng tâm như bảo hiểm, NH số…
Trước đó, vào cuối tháng 6 số liệu cho thấy cho vay bán lẻ của NH này đã tăng 22,6% so với đầu năm, đóng góp hơn 52,6% tổng các khoản cho vay. Nhờ đó LienVietPostBank là một trong số ít NH cải thiện được NIM, tăng 58 điểm cơ bản lên 4,13%.
Xu hướng còn kéo dài
Ở thời điểm hiện tại, đằng sau lợi nhuận của các nhà băng đều có sự đóng góp đang kể của mảng bán lẻ, từ cho vay đến các loại phí. Việc “tấn công” vào mảng bán lẻ được lên kế hoạch nhiều năm nay, nhưng thực sự “tăng tốc” trong cơ cấu tín dụng kể từ quý II, trước áp lực tối ưu lợi suất tài sản và duy trì biên lợi nhuận (NIM). Xu hướng này dự kiến sẽ nối tiếp khi lãi suất huy động và lãi suất liên NH tăng nhanh đang gây áp lực lên chi phí vốn, ít nhất là nửa đầu năm 2023.
Theo dự báo của Bộ phận Phân tích Chứng khoán Agribank (Agriseco Research), lợi nhuận ngành NH trong năm 2022-2023 sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020-2021. Động lực tăng trưởng của các NH bị suy giảm hơn do dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều, NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng, trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng. Để đạt được kế hoạch đặt ra đầu năm, ngoài những giải pháp như cơ cấu lại vốn tín dụng (đẩy nhanh tốc độ quay vòng vốn, tăng thu hồi nợ…) và tăng thu ngoài lãi, việc tập trung bán lẻ sẽ tiếp tục là mũi nhọn trong năm 2022, giúp các NH giảm thiểu rủi ro tập trung và NIM cao hơn so với các khách hàng lớn. Agriseco cũng kỳ vọng thu ngoài lãi của các NH sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong nửa cuối năm, với đóng góp chính là khoản thu dịch vụ bancassurance (phân phối bảo hiểm) và phí thẻ.
Ngoài các yếu tố trên, việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) đang được thắt chặt. Những biến cố trên thị trường TPDN cộng với các quy định sửa đổi điều kiện phát hành và giao dịch mới có hiệu lực, cũng khiến thị trường TPDN chững lại. Điều này ảnh hưởng đến danh mục đầu tư của các NHTM, nên cho vay bán lẻ để cân bằng rủi ro chất lượng tín dụng/tài sản và tối ưu NIM là lựa chọn của nhiều NH. Điểm đáng chú ý nữa, là NHNN đã có sự ưu ái hơn đối với các NHTM có tỷ trọng cho vay bán lẻ cao trong danh mục tín dụng để cấp thêm hạn mức tín dụng trong đợt vừa qua. Điều này đã trở thành động lực thúc đẩy các NH chuyển hướng nhanh hơn. Xu hướng này nếu được duy trì sẽ phù hợp với thông lệ quốc tế, các NH phục vụ khách hàng cá nhân và các nhu cầu vay ngắn hạn.
Song trong cuộc đua bán lẻ, không phải NH nào cũng có thể gặt hái thành công nếu không có sự đầu tư. Ngay lúc này, nhà băng nào đã xây dựng được nền tảng vững chắc mới có thể nhanh chóng thu hoạch lợi nhuận. Đơn cử, VIB triển khai mảng bán lẻ thành công ở nhiều lĩnh vực như cho vay tiêu dùng, vay qua thẻ, nhờ đã tiên phong ứng dụng nhiều công nghệ mới và xây dựng các chuỗi giá trị. Trong 9 tháng qua, số lượng giao dịch NH số đã tăng hơn 100% so với 2021, đạt tỷ lệ 93% giao dịch qua kênh số. Đó là cơ sở để VIB có thể thúc đẩy bán lẻ. Hay TPBank, chuyển đổi số nhanh và mạnh cũng giúp tổng số lượng khách hàng tăng nhanh, và 9 tháng qua đã có thêm 2 triệu khách hàng mới, đạt 100% kế hoạch năm.
Sắp tới nhiều tên tuổi lớn đã đầu tư mảng bán lẻ như Techcombank, VPBank, ACB, MB… công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý III, sẽ là động lực cho nhóm NH còn lại theo đuổi mảng kinh doanh béo bở này. |