Với điều này, dự án nổi tiếng trên Vịnh Bengal, vốn sẽ nâng cao hơn nữa tham vọng kinh tế và chiến lược của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương, đã được “chôn cất” chính thức.
Rõ ràng, những lo ngại về môi trường đã khiến chính phủ Bangladesh quyết định hủy bỏ dự án. Bộ trưởng Nội các Khandker Anwarul Islam nói với các phóng viên rằng một cảng biển sâu tại Sonadia sẽ gây tổn hại đến đa dạng sinh học của khu vực.
Thay vào đó, một cảng nước sâu sẽ được xây dựng tại Matarbari, cách Sonadia 25 km, ông nói.
Sự cạnh tranh của Ấn-Trung
Mặc dù các vấn đề về môi trường có thể là một trong những yếu tố mà Dhaka phải xem xét, nhưng nhiều khả năng địa chính trị đã ảnh hưởng đến số phận của dự án.
Cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa Ấn Độ và Trung Quốc ở Bangladesh dường như đã làm chìm kế hoạch xây dựng cảng nước sâu tại Sonadia.
Ý tưởng về một cảng nước sâu tại Sonadia lần đầu tiên được hình thành vào năm 2006. Trung Quốc đã đồng ý xây dựng cảng cũng như cung cấp các khoản vay để tài trợ cho dự án.
Chính phủ Bangladesh và Trung Quốc đã ký thỏa thuận khung trong chuyến thăm của Thủ tướng Sheikh Hasina tới Bắc Kinh vào tháng 7 năm 2014.
Nhưng bất chấp sự quan tâm của Trung Quốc đối với dự án cảng, nó không được đưa vào chương trình nghị sự trong chuyến thăm năm 2016 của Chủ tịch TQ Tập Cận Bình tới Dhaka.
Trong tháng 6 vừa qua, các quan chức Bangladesh đã nhiều lần tuyên bố dự án đã bị loại bỏ, nhưng chính phủ không thực hiện bất kỳ bước chính thức nào để ra hiệu chấm dứt dự án.
Tại một cuộc họp nội các vào cuối tháng 8, chính phủ Hasina đã chính thức thu hồi Đạo luật Cảng vụ Biển Nước sâu Sonadia 2012 và thông báo hủy bỏ dự án.
Bangladesh rất quan tâm đến một cảng nước sâu tại Sonadia. Các cảng hiện có tại Chittagong và Mongla không chỉ tắc nghẽn mà còn có mớn nước cạn. Do đó, các tàu có trọng tải lớn hơn không thể cập cảng này.
Hiện tại, những con tàu như vậy buộc phải xuống hàng tại các trung tâm trung chuyển ở Sri Lanka và Singapore, trước khi các tàu nhỏ hơn đưa các lô hàng đến Bangladesh. Điều này dẫn đến sự chậm trễ và tăng chi phí.
Một cảng biển nước sâu được kỳ vọng sẽ cắt giảm những chi phí như vậy, nâng tầm thương mại của Bangladesh và cũng mở đường cho sự vươn lên của đất nước như một trung tâm vận chuyển hàng hóa khu vực cho các quốc gia giáp biển như Bhutan và Nepal cũng như cho các bang Đông Bắc của Ấn Độ và Vân Nam của Trung Quốc.
Một nghiên cứu khả thi do Nhật Bản thực hiện năm 2006 chỉ ra rằng Sonadia là vị trí tốt nhất cho một cảng biển nước sâu.
Vậy, tại sao Bangladesh quyết định loại bỏ dự án? New Delhi được cho đã phản đối việc Trung Quốc tham gia vào dự án Sonadia, do vị trí của nó ở Vịnh Bengal và vị trí địa lý gần với Ấn Độ.
Ở Ấn Độ có những lo ngại rằng cũng như ở Sri Lanka, Trung Quốc có thể gây áp lực buộc Dhaka phải bàn giao cơ sở hạ tầng chiến lược nếu nước này không thể trả các khoản vay. New Delhi lo ngại một kịch bản như vậy sẽ có những tác động tiêu cực đến an ninh của Ấn Độ.
Nhà đi vay cẩn trọng và khôn khéo
Tuy nhiên, cho đến nay Bangladesh vẫn là người đi vay cẩn thận, không chọn các dự án không phù hợp với các ưu tiên quốc gia của mình. Nước này cũng đã tránh gây khó chịu cho Ấn Độ bằng cách không để Trung Quốc tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng có thể có tác động đến an ninh đối với Ấn Độ.
Bangladesh đã áp dụng một chiến lược phát triển cơ sở hạ tầng thận trọng, bao gồm việc thu hút sự hỗ trợ tài chính và chuyên môn kỹ thuật của một số quốc gia để tránh trở nên phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào.
Do đó, mặc dù là đối tác quan trọng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, nhưng nước này đang đồng thời hợp tác với một số quốc gia cảnh giác với Trung Quốc, bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc, để hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Cảng nước sâu mà Bangladesh đang xây dựng hiện nay tại Matarbari sẽ được tiến hành với sự giúp đỡ của Nhật Bản. Giống như Sonadia, nó nằm trên Vịnh Bengal và gần với Ấn Độ. Tuy nhiên, với mối quan hệ mạnh mẽ giữa Ấn Độ và Nhật Bản, New Delhi khó có thể phản đối. Công việc trên cảng đã bắt đầu.
Do đó, Bangladesh sẽ có cảng nước sâu đầu tiên vào năm 2025 - nhưng nó sẽ do Nhật Bản tài trợ và xây dựng chứ không phải Trung Quốc.