Đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, tại các dự án cao tốc hoàn thành năm 2022, các nhà thầu đang thi công lớp móng, mặt đường, cần huy động nguồn tài chính rất lớn nhưng nhiều địa phương đến nay mới công bố chỉ số giá quý IV/2021 hoặc quý I/2022 khiến việc điều chỉnh giá chậm, nhà thầu có tâm lý cầm chừng, vừa làm vừa ngóng. Đó là chưa kể thời tiết xấu, mưa nhiều từ đầu mùa đến nay khiến các dự án buộc phải “đóng máy” dừng thi công.
Mưa lớn kéo dài, nhà thầu dừng thi công
Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc bắc-nam giai đoạn 2017-2020 có tổng chiều dài gần 653km, chia thành 11 dự án thành phần (3 dự án đầu tư PPP và 8 dự án đầu tư công).
Đầu năm 2022, dự án Cao Bồ-Mai Sơn dài hơn 15km đã đưa vào khai thác; 10 dự án còn lại tiếp tục triển khai theo kế hoạch. Hiện nay, các đơn vị đã hoàn thành chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ các hộ dân, bàn giao mặt bằng đạt 99,9%, chỉ còn lại khoảng 0,655km chưa bàn giao, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 6 này.
“Tính đến ngày 10/6, tổng giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành đạt hơn 3.544 tỷ đồng, tương đương 41,3% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 0,74% giá trị hợp đồng so kế hoạch. Trong đó, 4 dự án hoàn thành năm 2022 sản lượng trung bình đạt 59,7% giá trị hợp đồng, chậm 1,7%; 4 dự án hoàn thành năm 2023 sản lượng trung bình đạt 39,7% giá trị hợp đồng, đáp ứng kế hoạch; 2 dự án hoàn thành năm 2024 sản lượng trung bình đạt 10,2% giá trị hợp đồng, chậm 1,9%”, Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm đánh giá.
Giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long Dương Viết Roãn cho biết, dự án đoạn Mai Sơn-Quốc lộ 45 (dài 63,4km) theo kế hoạch sẽ hoàn thành tháng 12/2022; sản lượng thực hiện đến nay đạt 64,2% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu. Đến nay, các nhà thầu đã hoàn thành đắp 5,28 triệu m3 nền đường, đạt 89,9%; đắp gần 20km lớp nền K98, đạt 34,7%; móng cấp phối đá dăm đã hoàn thành 14,5km, đạt 25,3%; công trình cầu đã cơ bản hoàn thành kết cấu phần dưới, đang thi công kết cấu phần trên; công trình hầm (dài 0,93km) đã cơ bản hoàn thành 1/2 hầm, còn lại hầm Thung Thi đang đúc bê-tông vỏ hầm.
Giám đốc điều hành dự án Mai Sơn-Quốc lộ 45 (Ban Quản lý dự án Thăng Long) Lương Văn Long đánh giá, hiện nay, dự án có 3/5 gói thầu đang vượt kế hoạch đã đăng ký từ 0,4% đến 1,9% giá trị hợp đồng, 2 gói thầu XL.11 và XL.13 cơ bản đáp ứng kế hoạch. Tuy nhiên, tiến độ triển khai thi công các lớp móng mặt đường gần đây bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng.
Từ tháng 5 trở lại đây, thời tiết khu vực miền bắc diễn biến bất thường với số ngày mưa và lượng mưa lớn hơn trung bình nhiều năm; địa bàn tỉnh Ninh Bình và Thanh Hóa có tới 18 ngày mưa, ảnh hưởng rất lớn đến thi công.
Đối với đoạn Cam Lộ-La Sơn (dài 98,3km), sản lượng thực hiện đến nay đạt khoảng 87,6% giá trị hợp đồng, chậm 1,53% so kế hoạch. Tiến độ thi công dự án thời gian gần đây bị ảnh hưởng do thời tiết không thuận và biến động giá vật liệu xây dựng. Từ tháng 5 đến nay, khu vực Bắc Trung Bộ có nhiều ngày mưa; địa bàn tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế thuộc phạm vi dự án có khoảng 22 ngày mưa, ảnh hưởng lớn tiến độ thi công dự án.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh và các nhà thầu tập trung khắc phục khó khăn để hoàn thành dự án; cắt chuyển 1,99km và một số hạng mục công trình của nhà thầu chậm tiến độ, bảo đảm hoàn thành dự án vào cuối tháng 9/2022 theo đúng kế hoạch.
Thiếu nguồn vật liệu, giá tăng vọt
Theo Thứ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Duy Lâm, ở đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết (dài 100,8km) cũng đang chậm 1,93% so tiến độ cam kết. Nguyên nhân chủ yếu là khó khăn về nguồn vật liệu đất đắp nền đường, thời tiết không thuận lợi và biến động giá vật liệu xây dựng. Tại khu vực dự án, mùa mưa năm nay đến sớm hơn so thường lệ, từ tháng 4 trở lại đây có khoảng 30 ngày mưa.
Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án 7 cắt chuyển 21km của nhà thầu chậm tiến độ, giao cho nhà thầu khác thi công và thực hiện thủ tục bổ sung nhà thầu phụ để thi công khoảng 4km trong tháng 6. Các nhà thầu đang tổ chức tăng ca, kíp thi công, bảo đảm hoàn thành vào tháng 12 tới.
Đối với vướng mắc về nguồn vật liệu đắp, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản gửi Bí thư và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đề nghị chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương hỗ trợ, ưu tiên và tập trung giải quyết dứt điểm các thủ tục, tạo điều kiện cho các đơn vị khai thác vật liệu.
Ngoài các nguyên nhân khách quan, Bộ Giao thông vận tải nhận định, tiến độ thi công chậm còn do một số nhà thầu thi công chưa nỗ lực huy động nhân lực, thiết bị và tài chính để triển khai.
Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị Bộ Xây dựng đẩy nhanh tiến độ kiểm tra và sớm ban hành hướng dẫn điều chỉnh hợp đồng, giá hợp đồng; chỉ đạo các địa phương công bố chỉ số giá các loại vật liệu xây dựng hằng tháng, bảo đảm có đầy đủ thông báo giá và chỉ số giá các loại vật liệu cho công trình giao thông, phản ánh đúng mặt bằng giá thị trường và mức độ biến động giá khu vực xây dựng. Đây là giải pháp của Chính phủ để tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, nhà thầu thi công.
Theo Ban Quản lý dự án 7, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (đoạn Vĩnh Hảo-Phan Thiết) hiện có 5 mỏ đất đã được cấp phép khai thác với tổng trữ lượng 2,2 triệu m3 nhưng chưa thể khai thác. Trong đó, 1 mỏ với trữ lượng 0,11 triệu m3, nhà thầu đang hoàn thiện các thủ tục liên quan; 4 mỏ trữ lượng 2,08 triệu m3, địa phương tạo điều kiện để nhà thầu khai thác từ đầu tháng 5 nhưng giữa tháng 5 phải dừng để điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Nếu vướng mắc về vật liệu đắp không được tháo gỡ kịp thời trong tháng 6 này sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ hoàn thành dự án trong năm 2022, do các tháng tiếp theo là mùa mưa.
Đối với 12 dự án thành phần cao tốc bắc-nam giai đoạn 2021-2025, tổng chiều dài khoảng 729km, đi qua địa phận 12 tỉnh, thành phố đang được triển khai đáp ứng các mốc tiến độ. Theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, dự án đang được gấp rút triển khai với khối lượng công việc rất lớn, trong đó có nhiều nội dung công việc quan trọng, phức tạp cần sự phối hợp tích cực, hiệu quả và sớm hoàn thành của các bộ, ngành và các địa phương.
Theo đó, về báo cáo đánh giá tác động môi trường, vẫn còn 4 dự án thành phần chưa phê duyệt. Một số thỏa thuận với địa phương như mỏ vật liệu xây dựng, bãi đổ thải, giá vật liệu xây dựng đến chân công trình, phương án tổng thể giải phóng mặt bằng chưa hoàn thành.
Sau khi khung chính sách giải phóng mặt bằng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tỉnh Bình Định kiến nghị điều chỉnh cập nhật giá trị giải phóng mặt bằng dự án Quảng Ngãi-Hoài Nhơn tăng gần 1.100 tỷ đồng, dự án Quy Nhơn-Chí Thạnh tăng 1.132 tỷ đồng. UBND tỉnh giao các địa phương ban hành hệ số điều chỉnh giá đất, dẫn đến không thống nhất giữa các địa phương và chưa phù hợp khung chính sách được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm tăng chi phí GPMB .
Về nguồn cát đắp cho 2 dự án Cần Thơ-Hậu Giang và Hậu Giang-Cà Mau, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ đã phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai nghiên cứu sử dụng cát biển cho các dự án giao thông. Để áp dụng vào thực tế, cần thi công thí điểm và quan trắc ảnh hưởng môi trường và ban hành tiêu chuẩn, quy trình thi công, định mức đơn giá. Nếu nghiên cứu thí điểm thành công, đến cuối năm 2023 mới có thể áp dụng. Như vậy, trong giai đoạn xây dựng (2023-2024), các dự án vẫn sử dụng nguồn cát sông là chủ yếu.
Thứ trưởng Nguyễn Duy Lâm cho biết, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo dự án cao tốc bắc-nam yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 4 dự án thành phần trước ngày 20/6/2022.
Theo Nghị quyết số 18/NQ-CP ngày 11/2/2022 của Chính phủ, cho phép triển khai đồng thời một số việc liên quan bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xác định các bãi đổ chất thải rắn trong giai đoạn chuẩn bị dự án, bảo đảm tiến độ đến ngày 20/11/2022, bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công. Vì thế, Bộ Giao thông vận tải đề nghị các tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo Hội đồng giải phóng mặt bằng các quận, huyện triển khai giải phóng mặt bằng trong phạm vi đã được bàn giao, bảo đảm hoàn thành theo đúng tiến độ.
Về chỉ định thầu, Bộ Giao thông vận tải cũng đề nghị các bộ: Kế hoạch và đầu tư, Tư pháp, Xây dựng sớm có ý kiến để Văn phòng Chính phủ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, chỉ đạo thực hiện.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm ban hành hướng dẫn trình tự, thủ tục, quy mô, giá trị gói thầu, tiêu chuẩn đánh giá, quy trình thẩm định, quyết định chỉ định thầu các gói thầu xây lắp thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/6 tới, làm cơ sở để tổ chức triển khai thực hiện, đáp ứng tiến độ yêu cầu của dự án.