Đây không phải lần đầu thương hiệu Việt bị đánh cắp ở nước ngoài. Thời gian qua, rất nhiều doanh nghiệp trong nước đã tốn không ít chi phí và công sức để giành lại thương hiệu vốn thuộc về mình.
Hiện chỉ có "giống lúa ST25" được cấp bằng bảo hộ của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và nhóm tác giả giống lúa của ông Hồ Quang Cua.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học công nghệ, cho biết, bảo hộ của nhà nước là đối với bản thân lúa giống, chứ không phải là gạo - sản phẩm chế biến sau thu hoạch. Trường hợp này, bất kỳ ai, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí cũng không thể được bảo hộ độc quyền dấu hiệu ST25 cho sản phẩm gạo.
"Khi đã gọi là ST25 thì nó là tên gọi chung của một sản phẩm… thì theo logic không đăng ký được riêng cho ai độc quyền tên đó cả" - ông Bảy nêu rõ.
Điều này có nghĩa là đến 3/6/2021, trong vòng 30 ngày theo luật nhãn hiệu của Mỹ, nếu không ai phản đối, Mỹ sẽ cấp độc quyền cho nhãn hiệu "ST25" cho sản phẩm gạo dưới tên doanh nghiệp I&T I&T ENTERPRISE, INC. của Mỹ.
Trước thực tế này, theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) việc xây dựng, bảo vệ thương hiệu không chỉ cho sản phẩm gạo mà các ngành hàng nông sản Việt Nam đang là vấn đề cấp bách.
"Sự việc gạo ST 24, 25 nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung bị đăng ký quyên sở hữu sản phẩm cho nhãn hiệu của mình ở nước ngoài cho thấy vấn đề đăng ký nông sản Việt ở nước ngoài trở thành vấn đề cấp bách. Doanh nghiệp cần chủ động tiến hành các thủ tục cần thiết để đăng ký sở hữu trí tuệ đặc biệt ở những thị trường xuất khẩu chủ lực" - ông Vũ Bá Phú lưu ý.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học công nghệ), Việt Nam có gần 1.000 sản phẩm đặc sản ở các vùng miền đều có thể đăng ký bảo hộ chỉ dần địa lý, bảo hộ thương hiệu. Thế nhưng đáng buồn là trong một thời gian dài có đến 80% nông sản Việt xuất khẩu dưới cái tên của doanh nghiệp nước khác.
Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, câu chuyện gạo ST25 đang bị công ty ở Mỹ nộp hồ sơ đăng ký quyền bảo hộ, sở hữu trí tuệ đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự chậm chân của doanh nghiệp Việt trong việc bảo hộ thương hiệu của mình trên thị trường quốc tế.
"Chúng ta phải tạo cơ hội để xây dựng thương hiệu quốc gia. Gạo ST 24, 25 của chúng ta ngon thứ nhất thứ nhì rồi nhưng lại không xây dựng thương hiệu quốc gia mà để cho doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp chưa đủ mạnh, đủ lớn thì làm cho xây dựng thương hiệu bị mất và không bảo hộ được cho các doanh nghiệp" - ông Hoàng Trọng Thủy bày tỏ.
Có thể thấy, cho đến bây giờ, câu chuyện bảo vệ thương hiệu gạo ST25 và rất nhiều sản phẩm nông sản khác vẫn còn khiến cả doanh nghiệp, ngành chức năng lúng túng, trong khi thời gian thì không chờ đợi. Với hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam rất cần nhận được sự hỗ trợ đắc lực, kịp thời của các cơ quan Nhà nước về thông tin, pháp lý đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở cả thị trường trong nước và nước ngoài.
Tuy nhiên cũng cần khẳng định, Chính phủ không thể làm thay doanh nghiệp mà chính từng doanh nghiệp cần ý thức việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu trong bối cảnh hội nhập. Đó cũng là tài sản mà doanh nghiệp không được thờ ơ.