Hình ảnh điểm đến cũng vì thế mà trở nên xấu xí bởi giao thông ách tắc, giá cả tăng. Lỗi này có phải thuộc về ngành du lịch? PGS.TS Phạm Trung Lương, nguyên Viện phó Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, đã chia sẻ với ĐTTC xung quanh vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: - Thưa ông, một số ý kiến cho rằng việc quá tải trong các dịp nghỉ lễ kéo dài là hệ lụy phát triển nóng của ngành du lịch?
Di sản là thế mạnh, tạo điều kiện cho phát triển bền vững của du lịch Việt Nam. Do đó, khai thác di sản phải gắn liền với bảo tồn. Hành động làm biến dạng, tác động trực tiếp đến di sản đều phải ngăn chặn kịp thời. Bảo vệ, bảo tồn di sản phải là nhiệm vụ bắt buộc của những người kinh doanh du lịch. Ông VŨ THẾ BÌNH, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam |
TS. PHẠM TRUNG LƯƠNG: - Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới cũng vậy. Du lịch phát triển nóng không phải nguyên nhân chính, mà do năng lực quản lý điểm đến. Quản lý ở đây không có nghĩa là mình đi soi mói, bắt bẻ này kia mà là hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp phát triển theo nguyên tắc, để đảm bảo sự phát triển bền vững và quản lý khách du lịch theo sức chứa của điểm đến.
Ví dụ điểm này chỉ chứa được khoảng 100 khách, chúng ta phải quản lý số lượng đó chứ không phải cứ chạy theo lợi ích về vật chất rồi tăng lên đến 1.000 hay 1 triệu khách. Lưu ý sức chứa điểm đến không chỉ là du khách, mà phải cộng thêm số khách là người dân địa phương. Khi đã có được số lượng ước tính tương đối chính xác, công tác tiếp theo thuộc về dự báo.
Trong trường hợp thấy lượng khách ước tính vượt quá khả năng sức chứa, cần phải đưa ra cảnh báo trên các phương tiện truyền thông để du khách biết và cân nhắc khi lựa chọn các điểm đến phù hợp, để không bị lâm vào tình trạng đi nghỉ mà như một cuộc hành xác.
- Vậy công tác dự báo, quản lý điểm đến phải chăng chính là trách nhiệm của ngành du lịch?
- Không thể đổ một mình trách nhiệm cho ngành du lịch được. Du lịch là một cách nói chung, nhưng đó là một chuỗi các ngành liên quan như thương mại, giao thông, y tế, an ninh và đặc biệt là chính quyền địa phương.
Ngành du lịch chỉ là một phần của chuỗi sản phẩm ấy. Khách đến quá đông ngành du lịch không thể và không có quyền điều tiết việc ấy. Theo tôi, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về chính quyền địa phương vì họ mới là người quản lý chung nhất các lĩnh vực.
Có một thực tế là các điểm du lịch luôn mong có khách thật đông, như vậy việc kinh doanh dễ dàng đem lại lợi nhuận nhiều hơn. Bởi lẽ quy luật cung- cầu luôn có ngưỡng để thu lợi tốt nhất. Tuy nhiên chúng ta thiếu tầm nhìn sâu, như du khách đến quá đông đường xá ách tắc, nơi nơi đều kẹt cứng người đến chỗ ngồi, chỗ nghỉ còn không có, thì sao có thể có thời gian, tâm trí đâu mà tận hưởng việc mua sắm, ăn uống, nghỉ ngơi thư giãn…
Trong trường hợp ấy người kinh doanh cũng chưa chắc đã thu được lợi nhuận gì, thậm chí còn thất thu. Do đó, có thể nói công tác dự báo và cảnh báo chính xác là có lợi cho cả người làm du lịch lẫn du khách.
- Theo ông làm thế nào để có được cảnh báo tốt?
- Một thực tế dễ thấy là kinh tế tốt lên, ngày nghỉ nhiều hơn thì nhu cầu đi du lịch của người dân cũng tăng lên. Song tâm lý đi du lịch theo phong trào, hiệu ứng đám đông đang chiếm ưu thế tại thời điểm này.
Do đó, bên cạnh việc cảnh báo cũng cần đa dạng thêm nhiều sản phẩm du lịch, nâng cao nhận thức của khách du lịch để họ có thể những việc họ được làm và không được làm, tránh ảnh hưởng đến tài nguyên thiên nhiên và đời sống xã hội của điểm đến, trong đó bao gồm việc tôn trọng văn hóa của người bản xứ.
Giải pháp gỡ khó khăn, trước mắt ngành du lịch cần nhanh chóng đánh giá một cách tổng thể, khoa học hệ thống sản phẩm hiện nay. Từ đó xác định sản phẩm nào có khả năng hút khách quay lại, cần đầu tư làm mới, cái nào cần xây dựng. Du lịch nghỉ dưỡng là loại hình có khả năng thu hút khách quay lại nhiều.
Việt Nam hiện nay có rất nhiều khu nghỉ dưỡng sang trọng, chất lượng bậc nhất thế giới. Có thể tập trung phát triển loại hình này trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng của Việt Nam.
Cùng với đó, mỗi địa phương cũng cần đưa ra nhiều tình huống giả định để có phương án ứng phó kịp thời. Cụ thể như trong trường hợp quá tải, thì phân luồng giao thông từ xa như thế nào để không xảy ra ách tắc; phương án xử lý dọn dẹp môi trường như thế nào; xây dựng các điểm đến phụ cận…để giảm tải cho khu vực trung tâm mà những khu vực xung quanh cũng có thể kinh doanh tốt. Nói tóm lại là cần có một đầu tàu tốt, một “nhạc trưởng” tài ba, có tâm, để có thể cảnh báo, điều tiết, dẫn dắt du lịch phát triển theo hướng tăng trưởng bền vững.
Ông NGUYỄN XUÂN THẮNG, Chủ tịch Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam: Không nên khai thác bằng mọi giá Việc coi các di sản văn hóa và thiên nhiên chỉ là nguồn tài nguyên để kiếm lời, là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đáng kể đến tính bền vững và mức độ an toàn của các tài nguyên văn hóa, di sản thiên nhiên của mỗi quốc gia trong giai đoạn hiện nay. Lịch sử đã để lại nhiều bài học lớn cho các quốc gia đang phát triển du lịch, chúng ta cần xem đó để có kinh nghiệm phòng tránh. Đơn cử như ở châu Á là tấm gương của du lịch Bali, Indonesia. Do mải chạy đua bằng mọi giá vì lợi nhuận, hầu như toàn bộ môi trường tự nhiên, môi trường văn hóa bản địa vốn độc đáo và phong phú của vùng đất này, đã bị biến dạng chỉ chưa đầy một thập kỷ. Hay như Cố đô Authaia, đại diện cho nền văn minh của đất nước Thái Lan cũng rơi vào tình trạng tương tự, bị UNESCO cảnh báo đưa ra khỏi danh mục di sản văn hóa thế giới, mà nguyên nhân là do tác động ồ ạt của du lịch. Đây là là ẩn số cần được giải mã chính xác trong quá trình hoạch định chính sách phát triển của mỗi quốc gia khi đứng trước sự lựa chọn: một bên là sự thôi thúc bởi các lợi ích kinh tế đầy hấp dẫn, và bên kia các mục tiêu văn hóa lâu dài. |