Bất động sản "đứng hình" chờ giải pháp kích cầu

(ĐTTCO)-Hầu hết các hoạt động mua bán, chuyển nhượng đầu tư xây dựng trong lĩnh vực bất động sản đã ngưng trệ trong nhiều tháng qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thị trường sau thời gian “nén” nếu có những chính sách hợp lý, kịp thời có thể bung ra phục hồi tốt trở lại.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Ảm đạm thị trường
Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, nguồn cung nhà, đất trên địa bàn trong thời gian qua giảm mạnh.
Theo ghi nhận, trong quý 2-2021, Sở Xây dựng đã xác nhận 7 dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai với 3.002 căn hộ giảm 40% so với quý 1-2021 và 14,3% so với quý 2-2020. Thị trường phát triển chưa bền vững, nguồn cung giảm, đặc biệt là phân khúc bình dân chưa đáp ứng nhu cầu thực của người mua.
Ghi nhận của ĐTTCO tại các sàn môi giới, doanh nghiệp có dự án mới đưa ra thị trường trong 3 tháng trở lại đây hầu như không có giao dịch gì.
“Không phải thị trường không có nhu cầu mà do việc đi lại khó khăn nên những khách hàng có nhu cầu đầu tư không thể đi tìm hiểu dự án, đi lại công chứng khi giao dịch… nên hầu hết các kế hoạch đầu tư của khách hàng đều dừng lại. Ngoại trừ những khách hàng có nhu cầu rất bức thiết về chỗ ở mới quyết tâm tìm kiếm và giao dịch trong những ngày này, còn nhu cầu đầu tư thì rất hiếm”- ông Đoàn Chí Thanh, Chủ tịch Hoàng Anh Holding chia sẻ.
Chủ tịch một doanh nghiệp chia sẻ thêm, doanh nghiệp này đang triển khai một dự án nhà phố quy mô hơn 2.000 sản phẩm, công tác bán hàng mới chỉ triển khai hơn 1 tháng thì dịch bùng phát, hơn 3 tháng qua mọi hoạt động dừng lại, văn phòng đóng cửa, bộ phận sale tứ tán trốn dịch. “Mọi việc như thế nào sau dịch chúng tôi mới tính, bởi trước đó chúng tôi cũng đã đưa ra một vài tình huống dự báo nhưng đều không chính xác nên thôi”- vị này chia sẻ.
Ông Phạm Lâm, chủ tịch DKRA Việt Nam nhận định, qua một thời gian dài ngưng trệ, hầu hết doanh nghiệp đều khó khăn về nguồn lực, đặc biệt là các sàn môi giới- một trong những nhân tố góp cho thị trường bất động sản hoạt động sôi nổi.
Theo khảo sát mới đây của Hội môi giới bất động sản Việt Nam, hơn 80% sàn giao dịch bất động sản không có doanh thu, doanh thu thấp, 28% sàn giao dịch phải giải thể, phá sản do ảnh hưởng dịch COVID-19. Bên cạnh đó, có 28% sàn có nguy cơ giải thể, phá sản, 32% sàn đang phải nỗ lực chống đỡ để duy trì hoạt động, rất cần sự hỗ trợ của chính sách vĩ mô, cộng đồng và 40% sàn giao dịch còn khả năng chống đỡ, nhưng không cao.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam dự báo, nếu phải chống đỡ với khó khăn dịch bệnh thêm 1 - 2 tháng nữa tỉ lệ phá sản các sàn giao dịch bất động sản sẽ tiếp tục tăng cao. Hiện chỉ có khoảng 1% sàn môi giới bất động sản có doanh thu ổn định, 16% số sàn đạt 50 - 80% doanh thu, 51% sàn có doanh thu dưới 50%, khoảng 32% số sàn không có doanh thu. Do không có doanh thu, quỹ lương cạn kiệt, 78% sàn giao dịch bất động sản buộc phải cắt giảm nhân sự, cho nhân viên nghỉ việc, tạm nghỉ việc không lương.
Do đó, đây là thời điểm các nhà đầu tư nghe ngóng chờ những chính sách hỗ trợ nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng của Chính phủ để phục hồi trong thời gian tới trên cơ sớ đó nhà đầu tư mới tính tiếp.
Cần hỗ trợ nhà đầu tư, người mua nhà để kích thị trường
Bà Nguyễn Thanh Hương, Tổng giám đốc Vạn Phúc Land đưa ra một số “kịch bản” cho thị trường bất động sản trong thời gian tới. Theo đó, kịch bản tích cực là kiểm soát dịch trong tháng 9 giúp thị trường phục hồi cuối quý 3 và khởi sắc trở lại trong quý 4 với giả thiết tối thiểu 50% người dân được triển khai chích vaccine và các công ty 100% chích vaccine được cho nhân viên.
Kịch bản xấu hơn là tiếp tục mất thêm quý 3 để dập dịch, vaccine không đủ để triển khai cho dân và nhân viên các công ty đủ tỷ lệ cần thiết để hoạt động trở lại do đó thị trường các tháng cuối năng khả năng tăng trưởng không cao do các doanh nghiệp bị đuối sức. Các kế hoạch sản xuất kinh doanh sẽ bị phá vỡ và như vậy doanh thu sẽ sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên trong cả 2 kịch bản sẽ vẫn có những yếu tố ngoại lực tác động vào thị trường đó là trợ lực từ cơ chế chính sách của nhà nước, các gói hỗ trợ doanh nghiệp, các gói kích cầu tiêu dùng, tiến độ giải ngân các gói đầu tư công, tiến độ tháo gỡ nút thắt pháp lý... sẽ ảnh hưởng trực tiếp lẫn gián tiếp đến các doanh nghiệp các nhà đầu tư và tâm lý thị trường chung theo chiều hướng lạc quan hay thận trọng.
Nói về “gói hỗ trợ” ông Phạm Lâm cho biết, nếu như Chính phủ chỉ giảm lãi suất, giãn nợ cho doanh nghiệp thì chưa đủ để thị trường bất động sản hoạt động tốt trở lại.
Bên cạnh các chính sách nói trên, Chính phủ cần có thêm gói “kích cầu” cho người mua, doanh nghiệp tương tự như gói 30.000 tỷ trước đây. Bởi vì doanh nghiệp được giảm lãi suất, giãn nợ nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh không có gì khởi sắc do không có người mua thì họ vẫn tiếp tục khó khăn. Do đó thêm gói hỗ trợ cho người mua nhà sau dịch là rất cần thiết.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, tạo điều kiện doanh nghiệp có nguồn lực “giải cứu” những doanh nghiệp khó khăn khi triển khai dự án, Sở Xây dựng TPHCM vừa có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho thị trường bất động sản.
Theo đó, cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng chưa cần phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất toàn bộ dự án nhưng đã có quyết định giao đất và thực hiện xong nghĩa vụ tài chính do cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với dự án hoặc một phần dự án được chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.
Cho phép nhà đầu tư khi nhận chuyển nhượng dự án để xây dựng và khai thác mà không cần chức năng kinh doanh bất động sản đối với các công trình văn hóa, y tế, trung tâm thương mại (không phải là nhà ở)… Ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản và đảm bảo giao dịch bất động sản minh bạch lành mạnh.
Trước đó, Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cũng kiến nghị Bộ Xây dựng và các bộ, ngành trình Chính phủ bổ sung nhóm ngành môi giới bất động sản vào nhóm được hưởng đầy đủ chính sách hỗ trợ sản xuất kinh doanh của Nhà nước; được hoãn, giãn thời hạn nộp các khoản thuế phải nộp, các khoản BHXH, sớm ban hành nghị quyết về miễn, giảm thuế hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng đề nghị các chủ dự án hỗ trợ, tạo điều kiện, không phạt hợp đồng nếu các sàn không thực hiện đúng cam kết tiến độ bán hàng do thực hiện giãn cách xã hội; không nợ phí môi giới của các sàn giao dịch. Sớm thanh toán hoặc thanh toán một phần để các sàn giao dịch có nguồn kinh phí duy trì hoạt động.
Thị trường vẫn đang khó khăn nhưng theo nhận định của Sở Xây dựng TP, dòng vốn nước ngoài vẫn tiếp tục tìm kiếm đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là tại TPHCM. Theo nhận định, sau thời gian dịch bệnh Covid-19 thị trường có thể xảy ra tình trạng nóng sốt tại các khu vực có đầu tư hạ tầng kỹ thuật- xã hội đồng bộ; các dự án tại khu đô thị trung tâm, dự án được thi công nhanh, chủ đầu tư uy tín, giá cả hợp lý…

Các tin khác