Điểm đến cư dân “chất xám” cao
TP Thủ Đức trong tương lai sẽ có nền tảng là đô thị sáng tạo, tương tác cao cùng nền kinh tế tri thức, hợp tác phát triển, hình thành nguồn nhân lực tiên tiến, đẩy mạnh tăng cường kết nối.
Đề án cũng đặt ra những chỉ tiêu bền vững như thu hút 50.000 dân cư đến sinh sống và làm việc, trong đó 20.000 kỹ sư, chuyên gia, có nghĩa sẽ có gần 50% cư dân là lao động có hàm lượng chất xám cao. Sau 5 năm, số lượng phát minh, sáng chế tăng trưởng tới 100%.
Để đạt được những mục tiêu đó, phát triển cơ sở hạ tầng giai đoạn này cũng sẽ hướng tới hình thành các quỹ đất lớn khoảng 100ha, tập trung vào các trụ cột kinh tế sáng tạo có sẵn như Khu Công nghệ cao, Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Đại học Quốc gia… Quỹ đất cho công nghiệp sáng tạo cần đạt khoảng 50ha. TP Thủ Đức sẽ xây dựng thêm 500.000m2 sàn văn phòng hạng A, 1 triệu m2 sàn hạng B, C và 1 triệu m2 sàn thường.
TPHCM đặt kỳ vọng, 25% dân số của TP Thủ Đức sẽ sử dụng phương tiện công cộng, tăng 60% số km đường phục vụ giao thông công cộng sau 5 năm. Ngoài ra, đơn vị hành chính đặc biệt của TPHCM cũng hình thành dự án và bổ sung tuyến BRT, hoàn thành khép kín vành đai 2, triển khai Quốc lộ 13, vành đai 2 cùng hàng loạt công trình trọng điểm khác.
Đặc biệt, mới đây HĐND TPHCM đã thông qua nghị quyết về triển khai dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3, hướng đến giải quyết nhu cầu giao thông kết nối các đô thị vệ tinh và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tạo đột phá về hạ tầng trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo quốc phòng an ninh, đặc biệt là tại TP Thủ Đức.
3 trụ cột tạo sức bật phát triển
Đòn bẩy làm nên sự đổi mới mô hình tăng trưởng đô thị cho TP trẻ sẽ là Khu Công nghệ cao TPHCM, Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM và Khu Trung tâm Đô thị mới Thủ Thiêm. Khu Công nghệ cao hiện đã thu hút thành công nhiều tập đoàn, công ty công nghệ vào đầu tư sản xuất sản phẩm CNC, như Intel, Nidec, Samsung... với hàm lượng giá trị tạo ra từ nghiên cứu và phát triển trong cơ cấu giá trị sản phẩm vượt gấp nhiều lần so với sản phẩm từ các khu công nghiệp cả nước.
Tương tự, Khu Đại học Quốc gia hiện có cơ sở hạ tầng kỹ thuật khá hiện đại, tập trung 12 trường đại học, viện nghiên cứu với 10.000 giảng viên, hơn 1.000 giáo sư, tiến sĩ và khoảng 100.000 sinh viên. ĐHQG TPHCM cũng là nơi thu hút nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao.
Còn Khu đô thị mới Thủ Thiêm sẽ thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế gắn với chương trình chuyển đổi số bao gồm các ngành nghề như chứng khoán, phân tích dữ liệu, quản lý tài sản, hệ thống dịch vụ bảo hiểm, ngân hàng thế hệ mới, trí tuệ nhân tạo, công nghệ, đầu tư, bảo mật, vườn ươm khởi nghiệp.
3 nền tảng trên gắn kết với nhau sẽ tạo ra sức bật phát triển mới, tạo động lực mạnh mẽ để TP Thủ Đức trở thành đô thị sáng tạo tương tác cao, hình thành khu vực dẫn dắt kinh tế mới với mũi nhọn là ngành kinh tế tri thức, trung tâm đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo.
TP Thủ Đức tương lai thành đô thị sáng tạo, tương tác cao – Ảnh: Vietnam logistic review
Đô thị kiểu mẫu, độc đáo thu hút người dân, du khách
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, cho biết mục tiêu thu ngân sách TP Thủ Đức là chiếm 30% tổng thu ngân sách của TPHCM. Đây là kỳ vọng rất lớn. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội rất lớn để hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TP Thủ Đức.
Hiện, có một vài mô hình đô thị kiểu mẫu đã rõ hình hài, đơn cử như Vinhomes Grand Park không chỉ giải quyết, đón đầu nhu cầu sống của tầng lớp cư dân cao cấp mới, lượng lớn chuyên gia nước ngoài mà chủ động tạo ra những điểm nhấn độc đáo như Công viên lớn nhất Đông Nam Á, Đại lộ mua sắm cao cấp, bến Du thuyền… thu hút và giải quyết nhu cầu của người dân và du khách.
Sự xuất hiện của những đô thị kiểu mẫu không chỉ góp phần thay đổi diện mạo của TP Thủ Đức mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút đội ngũ lao động chất xám về làm việc, xây dựng nên một đô thị sáng tạo phía Đông TPHCM.