Bến cảng đóng vai trò quan trọng trong giao thương, phát triển kinh tế của một khu vực và quốc gia. Tuy nhiên, nếu quy hoạch không đúng, nó có thể trở thành thảm họa của các cộng đồng địa phương và để lại hậu quả nghiêm trọng cho đất nước. ĐTTC điểm qua vài dự án cảng gây tranh cãi.
5 tháng sau khi nhậm chức, ngày 5-3-2015, Tổng thống Sri Lanka Sirisena đã thực hiện một trong những lời hứa quan trọng trước bầu cử: Đình chỉ vô thời hạn dự án TP cảng Colombo (CPC) trị giá 1,5 tỷ USD.
Đe dọa môi trường
Dự án CPC được Tổng thống tiền nhiệm Mahinda Rajapaksa chính thức phê duyệt vào tháng 9-2014, dưới sự khuyến khích của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đây được xem là dự án tư lớn nhất trong lịch sử Sri Lanka. Tuy nhiên, từ khi được thông qua, CPC nhiều lần bị đình chỉ vì những cáo buộc tham nhũng, vi phạm môi trường nghiêm trọng.
CPC được thiết kế để biến Colombo thành trung tâm toàn cầu về kinh doanh và du lịch, bằng việc phát triển thị trường xa xỉ với những cơ sở thuộc đẳng cấp thế giới trên diện tích rộng 223ha. Tuy nhiên, việc thiếu những nghiên cứu nghiêm túc về tác động đối với con người và môi trường đã khiến nhiều vấn đề nghiêm trọng nảy sinh đối với dự án. CPC, như nhiều dự án phát triển khác ở Sri Lanka thời hậu chiến, được cấp ngân sách từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, trong số 4 tỷ USD Trung Quốc rót vào các dự án cơ sở hạ tầng, chủ yếu dưới hình thức vay mượn, trong khoảng thời gian 2009-2013, dự án CPC chiếm tới 48% đất khai phá và do một đầu tư duy nhất thuê và làm chủ là Công ty TNHH Kiến trúc - Viễn thông Trung Quốc (CCCC), với cổ đông lớn là nhà nước Trung Quốc.
Hiệu quả kinh tế của dự án, cũng như tác động của nó đối với môi trường và dân cư, đã được các nhà chuyên môn trong nước theo dõi chặt chẽ. Chỉ 2 ngày trước khi dự án bị chính thức đình chỉ, một ban gồm các chức sắc tôn giáo, nhà hoạt động nhân quyền và môi trường, đại diện ngư dân, lãnh đạo Phật giáo… cùng hợp lại với biểu ngữ “Phong trào nhân dân chống TP cảng” (PMPC) để lên tiếng phản đối dự án.
Nhìn chung, nhóm này nêu quan ngại về nguy cơ ảnh hưởng xấu tới môi trường và sức khỏe người dân ngay trong quá trình xây dựng dự án. Đầu tiên, các nhà hoạt động môi trường chỉ ra tác động khủng khiếp của dự án đối với môi trường, trước hết là tài nguyên. Với diện tích ngang ngửa Monaco, dự án sẽ tiêu tốn tới 5 triệu m3 đá granite, 60-70 triệu m3 đất và 4 triệu m3 đá vụn.
Việc khai thác đá granite đã gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cho cộng đồng địa phương, như làm suy yếu nguồn nước, hư hại nhà cửa và hủy diệt hệ sinh thái đa dạng động thực vật ở khu vực. Tiếp theo, các nhà môi trường quan ngại về tiến trình nạo vét được dùng để lấp biển nhằm tạo ra 219ha diện tích đất nhân tạo, nơi TP cảng tọa lạc.
Tổn hại sinh kế
Cả 2 nghiên cứu kỹ thuật và môi trường do Đại học Moratuwa thực hiện đều không nhìn thấy được sự phức tạp của những vấn đề này. Thậm chí, một báo cáo không ngượng ngùng tuyên bố “không có tác động lớn tới môi trường” liên quan đến việc tạo các đảo nhân tạo. Song có những bằng chứng cho thấy đã có tác động đến môi trường và các cộng đồng dân cư ven biển.
Chỉ sau vài tháng nạo vét, khu vực sinh sản cá ngoài khơi biển Negombo đã bị phá hủy. Còn ở những nơi khác, dữ liệu gần đây cho biết những thay đổi về sóng đã gia tăng xói mòn ở các khu vực ven biển phía Nam như Panadura.
Chủ tịch PMPC Fr. Sarath Iddamalgoda cho rằng dự án có nguy cơ gây những tác hại nghiêm trọng về con người và môi trường, trong khi lợi ích kinh tế có thể chẳng đến đâu. Ông cho rằng đây sẽ là dự án lãng phí, vô dụng như nhiều dự án chính phủ tiền nhiệm đã tiến hành, làm lợi cho túi của các quan chức nhưng gây tổn hại cho cộng đồng dân cư địa phương và cả đất nước.
Một dự án lãng phí khác từng được nhắc đến như đường cao tốc Colombo - Katunayake với chi phí lên tới 57 triệu USD/km. Theo tính toán của giới chuyên gia, nếu dùng vàng để dát lên mặt đường cũng có giá thấp hơn 19 lần. Một số dự án khác cũng lãng phí tương tự như Hambantota, Matale, OCH… đều được thực hiện dưới chính phủ tiền nhiệm.
Bỏ qua tác động dài hạn đối với môi trường, nhiều cộng đồng ngư dân ven biển đã phải hứng chịu tác động tức thời từ việc phát triển dự án CPC, như suy giảm trữ lượng cá, dẫn tới thiệt hại lớn về thu nhập của ngư dân ở Negombo, Wennappuwa, Uswetakeiyawa, Hendala, Panadura, Wellawatte, Mount Lavinia và Moratuwa.
Tại Thamba Gala - nơi TP cảng sẽ được xây dựng - ngư dân báo cáo thiệt hại 30.000USD kể từ khi việc xây dựng cảng bắt đầu. Với những ngư dân thu nhập bình quân 340USD/tháng sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi những tổn thất.
Phóng lao phải theo lao?
Dự án đã hoàn thành 25% trước khi bị đình chỉ xây dựng vào tháng 3-2015 để chờ một cơ quan đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ Ranil Wickramasinghe xem xét và phán quyết số phận của nó. Tuy nhiên, những người ủng hộ TP cảng cho rằng các công trình đã hoàn thành sẽ khiến chính phủ Sri Lanka rất khó rút lui khỏi thỏa thuận thương mại hàng tỷ USD đã ký kết.
Chính phủ cũng có thể bị đe dọa về pháp lý từ phía đối tác là CCCC. Công ty này báo lỗ 380.000USD/ngày nếu dự án bị đình chỉ, tức Sri Lanka sẽ phải bồi thường thiệt hại rất lớn. CCCC lập luận rằng khi hoàn thành dự án sẽ thu hút 13 tỷ USD đầu tư trực tiếp nước ngoài và mang lại sự thịnh vượng kinh tế lớn hơn cho toàn bộ đảo. Song những tuyên bố này đã bị hoen ố bởi những cáo buộc tham nhũng và gian lận. Năm 2011 Ngân hàng Thế giới (WB) cấm CCCC tham gia bất kỳ dự án phát triển nào của WB.
Phối cảnh thành phố cảng Colombo. |
TP cảng Colombo được xem là cơ hội hoàn hảo cho chính phủ Sri Lanka mới để giải quyết các vấn đề lâu dài về vi phạm nhân quyền, tham nhũng và chi tiêu lãng phí. Trong khi những tác động tiêu cực đã rõ ràng, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu những lợi ích tiềm năng của TP cảng và hậu quả của việc không hoàn thành dự án có lớn hơn những tác động tiêu cực đối với nước này.
Những người bị mất mát nhiều nhất từ TP cảng không phải là các nhà đầu tư tỷ đô của Trung Quốc, mà là các cộng đồng dễ bị tổn thương nhất: ngư dân, nông dân và các chủ doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, ngày 9-10, đặc sứ Trung Quốc Liu Zhenmin nói với báo giới rằng giới chức Sri Lanka đã đồng ý nối lại dự án CPC.
(Còn tiếp)