Bến cảng thảm họa (K2): Bagamayo - Siêu cảng tranh cãi

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tanzania năm 2013, 2 bên đã ký kết 16 thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về siêu cảng Bagamoyo, cách thành phố lớn nhất nước Dar es Salaam 60km về phía Bắc.

Trong chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Tanzania năm 2013, 2 bên đã ký kết 16 thỏa thuận, trong đó có thỏa thuận về siêu cảng Bagamoyo, cách thành phố lớn nhất nước Dar es Salaam 60km về phía Bắc.

Tàn tích nô lệ

Dự án cảng Bagamoyo cách thị trấn Bagamoyo 10km, một khu vực được đề nghị đưa vào danh sách di sản thế giới của Liên hiệp quốc, nơi có các di tích đổ nát của một chợ nô lệ và những tàn tích khác của hoạt động buôn bán nô lệ ở Đông Phi. Vào thời hoàng kim, Bagamayo là cửa ngõ tiếp nhận hàng hóa từ Ấn Độ Dương cùng gỗ, ngà voi và nô lệ được xuất khẩu ở bến cảng phía Đông. Sau đó Bagamoyo bị lãng quên trong hơn 1 thế kỷ.

Nay, với kế hoạch cho dự án 11 tỷ USD, Bagamayo sẽ trở thành bến cảng lớn nhất lục địa đen và sẽ thông quan lượng hàng hóa gấp 20 lần so với cảng Dar es Salaam, hiện là cảng lớn nhất Tanzania. Cảng Bagamayo dự kiến thúc đẩy thương mại trong khu vực bằng cách hoạt động như một trung tâm xuất khẩu nguyên liệu thô từ lục địa đen, cũng như mang về các loại hàng hóa do Trung Quốc sản xuất.

Dự án do Trung Quốc hậu thuẫn sẽ khiến cảng Mombasa (Keynya) - cửa ngõ thương mại phía Đông của châu Phi, cách Bagamoyo khoảng 300 km về phía Bắc và bao gồm 1 khu công nghiệp, đường sắt và đường liên kết - sẽ trở nên nhỏ bé.

"Đó sẽ là động lực cho hoạt động kinh tế, không chỉ cho Bagamoyo mà đối với toàn bộ khu vực" - một quan chức Bộ Giao thông-Vận tải Tanzania nói. Trung Quốc không chỉ giúp xây dựng siêu cảng, còn hứa hẹn nâng cấp và xây mới nhiều tuyến đường sắt, đường bộ để nối siêu cảng với hệ thống giao thông hiện có. China Merchant Holding International (Trung Quốc) cùng hợp tác với quỹ đầu tư toàn quyền Oman, State General Reserve Fund, trong phát triển dự án này.

Tuy nhiên, nhiều người nghi ngờ khả năng thành công của dự án, đã đặt vấn đề liệu Bagamoyo có là vị trí thích hợp để làm cảng, vì nó cách cảng Dar es Salaam chỉ 60km và quá xa mỏ khí ngoài khơi bờ biển phía Nam của Tanzania.

Tổng thống Jakaya Kikwete quê ở Bagamoyo và nhiều người coi dự án cảng như di sản của ông. Ngoài ra, Tanzania đang đối mặt với khủng hoảng ngân sách và đã phải cắt giảm chi tiêu cơ sở hạ tầng. Nước này cũng thiếu đánh giá tín dụng, nên việc vay mượn sẽ càng tốn kém hơn.

Voi trắng

Các nhà phê bình cho rằng dự án quá lớn và quá sớm đối với một quốc gia có tốc độ tăng trưởng vững chắc nhưng khoảng cách cơ sở hạ tầng lớn. Họ cho rằng chính phủ nên tập trung vào việc cải thiện cảng Dar es Salaam, nơi thông qua tới 90% hàng xuất khẩu và tăng trưởng ở mức 12% mỗi năm.

"Tôi nghĩ họ chưa có định hướng rõ ràng trong giai đoạn tiền dự án" - Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế chính của Ngân hàng Thế giới (WB), cho biết. Một điều đáng ngạc nhiên là Quốc hội không hề được thông báo trước về dự án này. Một số đại biểu quốc hội cũng phản đối việc để Trung Quốc vận hành siêu cảng tới 40 năm sau khi nó hoàn thành. Những người này cũng đặt vấn đề vì sao phải xây một cảng lớn quá mức cần thiết? Và có phải sự dư thừa công suất đó là để Trung Quốc sử dụng cho mục đích quân sự trong 40 năm họ điều hành?

Dự án có mục đích giảm bớt áp lực cho cảng Dar es Salaam và biến đổi một khu vực buồn tẻ thành trung tâm thương mại và sản xuất. Tuy nhiên, có những khó khăn thực tế. Không giống như Dar es Salaam, do vị trí địa lý, cảng Bagamoyo phải thường xuyên nạo vét mở rộng. "Bagamoyo là thí dụ điển hình của 1 dự án voi trắng. Nếu nó được xây dựng gần mỏ khí ngoài khơi bờ biển phía Nam sẽ phù hợp hơn?” - một chuyên gia về hạ tầng nói.

Tanzania có tới 1.500 tỷ m3 khí đốt ngoài khơi, ngang ngửa với một số nhà sản xuất Trung Đông, nhưng nước này vẫn chưa có nhà máy khí thiên nhiên hóa lỏng. Kế hoạch nâng cấp tuyến đường sắt trung tâm của Tanzania nối Cộng hòa Dân chủ Congo giàu khoáng sản đến bờ biển đang tiến triển chậm. "Nếu bạn chỉ cải thiện các cảng, không cải thiện đường sắt, bạn không làm được bất cứ điều gì" - Shaaban Mwinjaka, Thư ký thường trực của Bộ Giao thông-Vận tải, nói.

Cảnh báo của Tasaa

Hồi tháng 6, Hiệp hội Vận tải biển Tanzania (Tasaa) cảnh báo chính phủ về sự không cần thiết của dự án. Theo Tasaa, dựa trên tốc độ phát triển kinh tế hiện nay của Tanzania và những nước lân cận, dự án cảng Bagamoyo sẽ chưa cần đến trong ít nhất 25 năm nữa. “Chúng tôi cảnh báo chính phủ rằng với tốc độ phát triển kinh tế hiện nay đất nước sẽ không bao giờ thu hút được tàu có trọng tải trên 6.000TEU trong ít nhất 25 năm nữa” - Chủ tịch Tasaa Peter Kirigini nói.

Vì vậy, thay vì xây mới cảng Bagamoyo, Tasaa đề nghị chính phủ nên dùng tài lực đó để nâng cấp cảng Dar es Salaam. “Những gì chúng ta cần làm là đầu tư nâng cấp cảng hiện tại, như nạo vét khu vực neo tàu để giúp tàu lớn hơn có thể ra vào; cải thiện tiến trình thông quan và tự động hóa hệ thống. Từ đó, chúng ta sẽ thông quan được nhiều hơn, hiệu quả hơn và có thể phát triển tốt trong vòng 20 năm nữa, không cần xây thêm cảng mới” - ông Kirigini nói.

Với lượng hàng hóa thông qua cảng Dar es Salaam tăng 12% mỗi năm, các nhà chuyên môn đều cho rằng công việc cấp thiết là phải nâng cấp cảng này. Trong khi đó, WB gần đây cũng đưa ra một đánh giá về hiệu quả của cảng Dar es Salaam, dự kiến sẽ đạt công suất tối đa trong vòng 1 thập niên. Tháng 9-2014, WB đã ký thỏa thuận 565 triệu USD để nâng gần gấp đôi công suất cảng này vào năm 2020.

“Nếu cảng này hiệu quả như cảng Mombasa, Tanzania sẽ tăng thêm thu nhập 2 tỷ USD mỗi năm” - nhà kinh tế WB Morisset nói. Hiện nay, cảng này đang cải thiện kho bãi để có thể lưu giữ nhiều hàng hóa, máy móc hơn và nâng cấp cầu cảng hàng hóa tổng hợp thành cảng container. Cũng có những kế hoạch nạo vét nơi neo đậu tàu để đón những tàu container lớn hơn. Người ta tin rằng việc nâng cấp cảng Dar es Salaam sẽ mang lại hiệu quả kinh tế hơn nhiều cho Tanzania trong tương lai gần.

Các nhà đầu tư nước ngoài đến tham quan nơi sẽ là siêu cảng Bagamoyo.

Các nhà đầu tư nước ngoài đến tham quan nơi sẽ là siêu cảng Bagamoyo.

Tuy nhiên, bất chấp những phản đối, chính phủ Tanzania đã khởi công dự án vào ngày 16-10 vừa qua, dự án dự kiến sẽ hoàn thành trong vòng 10 năm. Trên toàn khu vực, các nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng đua nhau triển khai các dự án cơ sở hạ tầng trên một quy mô chưa từng có. Nhiều nước đang gặp nút thắt cổ chai.

Kenya, nền kinh tế hàng đầu Đông Phi, đang nâng cấp cảng Mombasa và cho biết có kế hoạch thúc đẩy trở lại dự án siêu cảng đã bị trì hoãn một thời gian lâu ở Lamu, một cảng Arập cổ xưa gần biên giới với Somalia.

Các tin khác