Trưởng thành trong chiến tranh
Cuộc tấn công xuyên biên giới ngày 7-10-2023 của Hamas, khiến ít nhất 1.400 người thiệt mạng, là cuộc tấn công trên bộ lớn nhất vào Israel kể từ năm 1948. Thủ tướng Netanyahu đã ngay lập tức tuyên chiến với Hamas.
Sau lời tuyên chiến này, khoảng 11.000 người Palestine đã thiệt mạng chỉ sau 4 tuần xảy ra các cuộc tấn công của Israel, nhưng nhà lãnh đạo đảng Likud không có ý định dừng cuộc tấn công. Ông cho biết mục tiêu của mình là "đè bẹp Hamas".
Thế nhưng, khi chiến tranh tiếp tục diễn ra với phần lớn sự tập trung của quốc tế đổ dồn vào Israel, ông Netanyahu hiện đứng giữa một “cơn bão” chính trị.
Ông Netanyahu sinh năm 1949 tại Tel Aviv, 1 năm sau khi nhà nước Israel được thành lập. Ông gia nhập Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vào năm 1967, năm diễn ra “Cuộc chiến 6 ngày”. Sau cuộc chiến này, Israel chiếm được Đông Jerusalem, Bờ Tây, Dải Gaza, bán đảo Sinai; Cao nguyên Golan. Tất cả chỉ trong 6 ngày và nhờ thành tích này, ông Netanyahu được phong cấp thành chỉ huy nhóm nhỏ thuộc Sayeret Matkal của IDF.
Năm 1976, các chiến binh của Mặt trận Nhân dân giải phóng Palestine đã cướp một chiếc máy bay của Air France chở 248 hành khách và buộc nó phải hạ cánh xuống Uganda, nơi đang được cai trị bởi nhà độc tài Idi Amin. Lúc đó, Sayeret Matkal được điều động tới Uganda để giải cứu các con tin bị bắt tại sân bay. Khi đó, anh trai của ông Netanyahu là Yonatan là chỉ huy Sayeret Matkal.
Nhiệm vụ của Sayeret Matkal đã thành công khi hầu hết các con tin đều được giải cứu, nhưng Yonatan đã thiệt mạng. Ông là trường hợp tử vong duy nhất của IDF. Theo ông Netanyahu, việc mất đi người anh trai đã hình thành quan điểm của ông về “chủ nghĩa khủng bố”, mà ông gọi là một hình thức của chủ nghĩa toàn trị.
"Xé bỏ” Hiệp định Oslo
Ông Netanyahu lên nắm quyền vào năm 1996 khi Israel đang trải qua những thay đổi lớn. Thời điểm đó, Israel do Thủ tướng Đảng Lao động Yitzhak Rabin đứng đầu, và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO) đã ký Hiệp định Oslo.
Theo Hiệp định Oslo, PLO công nhận nhà nước Israel và Israel đồng ý thành lập một chính phủ lâm thời tại các lãnh thổ bị chiếm đóng. Tuy nhiên, ngày 4-11-1995, Thủ tướng Rabin đã bị một kẻ cực đoan Do Thái ám sát.
Người kế nhiệm Rabin là Shimon Peres đã kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, điều mà ông cho rằng sẽ tăng thêm sức mạnh để tiếp tục kế hoạch hòa bình. Nhưng trong cuộc bầu cử trực tiếp đầu tiên chọn ra Thủ tướng, ông Netanyahu, một người chỉ trích cứng rắn tiến trình Oslo, đã giành chiến thắng.
Trong sự nghiệp chính trị của mình, ông Netanyahu hầu như không đưa ra bất kỳ nhượng bộ và thỏa hiệp nào với người Palestine. Chính vì vậy, ông đang chịu sức ép từ chức từ cả trong và ngoài nước.
Sau khi nắm quyền, ông Netanyahu đã đưa ra một số nhượng bộ nhỏ, nhưng rút lại nhiều lời hứa mà những người tiền nhiệm đã đưa ra. Khi Chính quyền Palestine được thành lập, cả 2 bên đều nhất trí rằng đây sẽ là bước đầu tiên trong kế hoạch hòa bình đầy tham vọng.
Mục tiêu thực sự là tìm ra giải pháp lâu dài cho vấn đề Palestine thông qua đề xuất 2 nhà nước của Liên Hiệp quốc. Thế nhưng, ông Netanyahu lại cho rằng tiến trình hòa bình của Hiệp định Oslo đã giúp lực lượng dân quân Palestine mạnh mẽ hơn. Hamas, phong trào Hồi giáo, cũng phản đối Hiệp định Oslo, đã thực hiện một số vụ tấn công liều chết trong thời kỳ này.
Ông Netanyahu đổ trách nhiệm cho Chính quyền Palestine (lúc đó do Yasser Arafat lãnh đạo) về tình trạng bạo lực gia tăng. Dennis Ross, đặc phái viên hòa bình của Tổng thống Mỹ Bill Clinton, sau đó cho biết: "Cả Tổng thống Clinton và Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đều không tin rằng Netanyahu thực sự quan tâm đến việc theo đuổi hòa bình".
Ông Netanyahu luôn phản đối việc đưa ra bất kỳ nhượng bộ lớn nào đối với người Palestine. Đối với ông, “Jerusalem là không thể chia cắt”, bởi đây là “thủ đô vĩnh cửu của Israel”. Ông kiên quyết phản đối sự trở lại của những người tị nạn Palestine (những người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa vào năm 1948 khi nhà nước Israel được thành lập) như một phần của bất kỳ khu định cư nào.
Ông từng nói: “Bất kỳ yêu cầu nào về việc tái định cư những người tị nạn Palestine ở Israel đều làm suy yếu sự tồn tại liên tục của Israel với tư cách là nhà nước của người Do Thái”. Ông kiên quyết phản đối quyết định của Ariel Sharon đơn phương rút quân và người định cư Israel khỏi Gaza vào năm 2005.
Ông Netanyahu nói: “Việc sơ tán đơn phương không mang lại hòa bình cũng như an ninh”. Ông cũng liên tục ủng hộ các khu định cư của người Do Thái ở các vùng lãnh thổ của người Palestine, điều mà đối với ông là sự “tăng trưởng tự nhiên” của dân số.
Chính sách “3 không”
Tháng 9-1967, vài tháng sau “Cuộc chiến 6 ngày”, các nước Ả Rập đã thông qua nghị quyết “3 không” tại Hội nghị thượng đỉnh Khartoum. Đó là: không hòa bình với Israel, không đàm phán với Israel và không công nhận Israel.
Trong một đề cập gián tiếp đến nghị quyết Khartoum, ông Netanyahu sau đó cũng đưa ra chính sách “3 không” của riêng mình. Đó là: không rút khỏi Cao nguyên Golan, không thảo luận về tình trạng của Jerusalem, và không đàm phán với bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Năm 1994, 1 năm sau khi Hiệp định Oslo đầu tiên được ký kết, Jordan đã đạt được một hiệp ước hòa bình với Israel. Vào năm 2020, thêm 4 quốc gia Ả Rập là UAE, Bahrain, Sudan (nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh Khartoum) và Maroc đã bình thường hóa quan hệ với Israel.
Dù vậy, ông Netanyahu đã không thỏa hiệp với bất cứ tiêu chí “3 không” nào của mình. Thậm chí, ông còn siết chặt sự chiếm đóng của Israel ở Bờ Tây, bao gồm cả Đông Jerusalem, và thực thi lệnh phong tỏa làm tê liệt Dải Gaza.
Thế nhưng, sau 16 năm nắm quyền và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình chính sách đối nội và đối ngoại của Israel, ông Netanyahu vẫn chưa giải giải quyết được bất kỳ vấn đề an ninh quan trọng nào của đất nước mình. Bất cứ thứ gì ông được thừa kế, cho dù là Hamas, Hezbollah hay Iran, vẫn đang gây khó khăn cho nhà nước Do Thái.
Và vụ tấn công ngày 7-10-2023 của Hamas không chỉ phơi bày những thất bại của các cơ quan tình báo Israel mà còn vạch trần những lỗ hổng trong mô hình an ninh mà ông Netanyahu đã xây dựng trong nhiều thập niên.