Chiều 10-11, đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM dẫn đầu đoàn công tác của TPHCM đến kiểm tra tình hình phòng, chống dịch Covid-19 và việc phục hồi hoạt động sản xuất tại Khu Công nghệ cao (KCNC) TPHCM.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đánh giá, KCNC đã chấp hành tốt yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 và bày tỏ khá yên tâm về những giải pháp mà BQL KCNC thực hiện.
Quan tâm chăm sóc các doanh nghiệp
Theo Bí thư Thành ủy TPHCM, sau hơn 18 năm hình thành và phát triển, KCNC TPHCM vẫn là khu công nghệ hàng đầu của cả nước. Khi dịch bệnh xảy ra tại TPHCM, KCNC đã nhanh chóng chấp hành các quy định giãn cách. Đặc biệt, ở giai giai đoạn thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như Chỉ thị 18 của UBND TPHCM, KCNC đã thực hiện khá tốt các yêu cầu, hướng dẫn trong giai đoạn “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Bí thư Thành ủy TPHCM cũng đánh giá cao về khu cách ly tập trung tạm trong KCNC cũng như sự tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch ở một số DN mà đồng chí kiểm tra thực tế như Công ty FPT Software, Công ty Samsung.
Đồng chí đánh giá, đó là những điểm sáng trong phòng, chống dịch Covid-19 và phục hồi sản xuất trong tình hình mới. Trong đó, BQL KCNC đã thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM là quan tâm chăm sóc các DN hiện có trên địa bàn thành phố.
“Đây là hành động xúc tiến đầu tư có ý nghĩa nhất. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh xảy ra, việc này càng có ý nghĩa hơn”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên biểu dương và hoan nghênh BQL KCNC TPHCM đặt mục tiêu vì sức khỏe, tính mạng của công nhân, người lao động lên trên hết.
Với mục tiêu ấy, BQL đã xây dựng các kịch bản, kế hoạch và hỗ trợ, kết nối, theo dõi, liên lạc thường xuyên với công nhân, người lao động khi họ nghỉ việc về quê tránh dịch. Các DN trong KCNC cũng trả lương 70% cho công nhân, người lao động trong thời gian giãn cách, phải ngừng việc. Vì vậy, khi DN mở cửa hoạt động trở lại, công nhân trở lại nhà máy rất nhanh.
Đánh giá cao việc BQL ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, kết nối cơ sở dữ liệu chung của thành phố để kiểm soát, giám sát rủi ro dịch bệnh, đồng chí Nguyễn Văn Nên cũng yêu cầu, KCNC tiếp tục phát huy những thế mạnh, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin, để chia sẻ và cùng với TPHCM thực hiện tốt, hiệu quả chiến lược phục hồi và phát triển kinh tế.
Thời gian qua, hoạt động sản xuất trong KCNC không bị đứt gãy. Kết quả này nhờ sự chủ động, nỗ lực trong phòng, chống dịch gắn với hoạt động sản xuất của BQL và các DN. Đồng chí Nguyễn Văn Nên nhận xét, dù tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của KCNC có giảm nhưng giá trị sản xuất vẫn tăng. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Ổn định chỗ để người lao động yên tâm làm việc
Hiện, toàn KCNC đã có khoảng 45.000 lao động trở lại làm việc. Theo ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng BQL KCNC, dự kiến đến cuối tháng 11, các DN trong KCNC sẽ khôi phục hoạt động 100%. BQL KCNC cũng sẽ tập trung các nhiệm vụ trọng tâm thích ứng an toàn và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chú ý đến một số DN lớn như Samsung, Nidec...
Theo BQL, đến nay các DN trong KCNC ghi nhận gần 2.550 ca mắc (tại DN và ngoài DN), trong đó có hơn 1.000 ca là của Công ty Nidec Sankyo phát sinh vào đầu tháng 7-2021. Từ ngày 1-10 đến nay có 774 ca mắc, trong đó có 533 ca phát sinh tại nhà máy.
“Từ giữa tháng 10 đến nay, số doanh nghiệp có ca mắc Covid-19 và số ca mắc Covid-19 có tăng, nhưng tình hình dịch bệnh tại KCNC vẫn được kiểm soát tốt”, ông Nguyễn Anh Thi khẳng định và cho biết, một trong những giải pháp quan trọng là đẩy mạnh ứng dụng CNTT.
Ngoài ra, từ ngày 4-11, KCNC đưa vào vận hành khu cách ly tạm dành cho F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ có quy mô 100 giường (có thể mở rộng lên 200 giường), nằm trong KCNC. Chi phí đầu tư, vận hành khu cách ly tạm do các DN trong KCNC đóng góp. Việc vận hành do đơn vị y tế tư nhân đảm trách. Đây là mô hình đầu tiên tại TPHCM và cả nước. Cùng với khu cách ly tập trung tạm, việc các DN đồng thời phải đảm bảo các khu cách ly tạm tại DN tạo sự chủ động cho các DN thích ứng an toàn với dịch bệnh.
Đề cập đến mô hình khu cách ly này, đồng chí Nguyễn Văn Nên chia sẻ việc đã đến kiểm tra thực tế, tiếp xúc và thăm hỏi công nhân, người lao động mắc Covid-19 đang cách ly tại đây. Qua thăm hỏi, công nhân, người lao động rất an tâm và đội ngũ y bác sĩ cũng yên tâm làm tốt nhiệm vụ. Đồng chí đánh giá cao BQL KCNC đã thể hiện được tinh thần trách nhiệm chăm lo cho công nhân, người lao động bằng hành động cụ thể; đồng thời yêu cầu các đơn vị khác tham khảo, nhân rộng mô hình này.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Nên, thời gian tới người lao động từ các tỉnh, thành quay trở lại làm việc thì phải quan tâm thống kê, rà soát để tiêm vaccine thật sớm cho người lao động và đưa vào cơ sở dữ liệu để quản lý. Đồng thời BQL phải phối hợp với địa phương kiểm soát công nhân, người lao động trong KCNC chặt chẽ hơn nữa để phòng, chống dịch hiệu quả.
Bí thư Thành ủy TPHCM nhắc lại, hiện nay chiến lược quan trọng của TPHCM là an sinh xã hội, trong đó có nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, người lao động. Do đó, KCNC cần sớm sử dụng những khu đất còn trống để xây dựng nhà lưu trú cho công nhân, người lao động. Khi công nhân, người lao động có chỗ ở ổn định thì sẽ càng yên tâm hơn trong lao động, sản xuất.
Trước buổi làm việc với BQL KCNC, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên đến kiểm tra khu cách ly tập trung tạm công nhân, người lao động mắc Covid-19 của các DN. Tại đây, đồng chí kiểm tra thực tế khu vực cách ly F0, các phòng ăn, phòng tập thể dục dành cho F0 và thăm hỏi sức khỏe, động viên một số F0 đang cách ly tập trung. Báo cáo với đoàn, bác sĩ về hưu Nguyễn Văn Ba (nguyên bác sĩ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) cho biết, khu cách ly tập trung tạm đang cách ly 62 F0. Đa phần các F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tiếp đó, Bí thư Thành ủy TPHCM cùng đoàn công tác đến kiểm tra thực tế tại các Công ty FPT Software, Công ty Samsung về công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong hoạt động sản xuất. Đoàn đã đi kiểm tra thực tế trong các khu nhà xưởng, khu vực ăn uống, nghỉ ngơi dành cho công nhân, người lao động cũng như các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. |