Bộ Công Thương kiểm tra công tác chuẩn bị hàng Tết tại TPHCM

(ĐTTCO) - Trưa 27 tháng Chạp, bà Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Bộ Công Thương và các cơ quan chuyên trách đã có chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại TPHCM. 

Bộ Công Thương kiểm tra công tác chuẩn bị hàng Tết tại TPHCM

Bả Phan Thị Thắng làm trưởng đoàn, cùng đại diện các cơ quan chuyên trách đã có chuyến kiểm tra công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024 tại siêu thị Co.op Mart Lý Thường Kiệt (quận 10) và chợ Bến Thành (quận 1).

Ghi nhận tại 2 điểm đến trên, số lượng người dân “đổ về” mua sắm, tham quan khá đông. Cụ thể, tại hệ thống siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt, có tình trạng khách xếp hàng chọn mua thịt gia súc gia cầm, đồ hải sản tươi sống, thịt heo, bánh chưng, kẹo, mứt…

Để đáp ứng đa dạng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, Co.opmart chú trọng đẩy mạnh bán hàng qua kênh online; triển khai thanh toán điện tử, giao hàng tận nơi cho khách hàng và chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng đưa ngay giỏ quà tết đến khách.

Người dân chọn mua trái cây các loại trưa 6-2 tại siêu thị Co.opmart Lý Thường Kiệt, quận 10, TPHCM

Trao đổi với đoàn, ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho hay, sức mua của toàn hệ thống tăng từ 15-20% theo từng tuần kinh doanh tết. Cụ thể, từ 5 đến 9-2 (ngày 26 đến 30 tháng Chạp) bước vào cao điểm mua sắm tết nên hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food… tập trung nguồn lực, liên tục đưa hàng tết lên quầy kệ.

Bên cạnh đó, Saigon Co.op cũng tăng giờ hoạt động trên hệ thống từ 6 giờ sáng đến 22 giờ đêm; tập trung các nguồn lực để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm từ 9 giờ đến 11 giờ và 16 giờ đến 20 giờ.

Tương tự, với chợ Bến Thành, ghi nhận vào trưa cùng ngày, lượng khách trong và ngoài nước tham quan tấp nập. Tuy mãi lực tăng chậm, nhưng các tiểu thương cho rằng vẫn có sự chuyển biến tích cực so với ngày thường, trong đó sức mua tăng đối với nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu dịp tết như trái cây, hàng tươi sống, một số mặt hàng khô…

Bánh chưng truyền thống loại đặc biệt được nhiều người dân quan tâm chọn mua

Để gia tăng sức mua, bà con tiểu thương tranh thủ bán thêm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, bao gồm cả livestream bán hàng... Thống kê chưa đầy đủ của một số tiểu thương, mãi lực đã tăng đáng kể so với ngày bình thường, dù rằng trị giá đơn hàng không lớn bằng cùng kỳ các mùa tết trước dịch Covid-19.

Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương đánh giá cao sự chuẩn bị nguồn hàng, giá cả, chất lượng dịch vụ… của hệ thống siêu thị Co.opmart nhằm đảm bảo nguồn hàng tết chất lượng, giá mềm, cung ứng đến người tiêu dùng. Đồng thời, Thứ trưởng cũng ghi nhận sự nỗ lực của tiểu thương, Ban Quản lý chợ Bến Thành trong việc đồng hành cùng ngành công thương phục vụ hàng tết đa kênh, tiện lợi đến khách hàng.

Thứ trưởng Phan Thị Thắng trao quà tặng của Bộ Công Thương cho đại diện chợ Bến Thành

Ngoài việc ban hành các văn bản chỉ đạo, Bộ Công Thương đã làm việc các sở, ban ngành, các doanh nghiệp sản xuất, phân phối lớn của TP Hà Nội và TPHCM về công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tại các địa phương.

"Hôm qua và hôm nay, chúng tôi cùng các thành viên trong đoàn tổ chức 2 mũi kiểm tra tại Hà Nội và TPHCM. Tại TPHCM, qua kiểm tra 2 điểm gồm siêu thị Co.opmart và chợ Bến Thành, chúng tôi nhận thấy hàng hóa về nhiều, khá phong phú; các mặt hàng chất lượng, mẫu mã đẹp và tiện lợi, phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện đại; nhiều chương trình giảm giá, bình ổn giá... Trong đó, có khoảng 90% hàng hóa xuất xứ trong nước. Sức mua tăng, tập trung vào nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu", Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho hay.

Các tin khác