Liên quan đến kết quả khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư 9 tỷ USD làm đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ, Bộ Giao thông Vận tải vừa có ý kiến yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá đầy đủ các yếu tố theo quy định của pháp luật về đầu tư.
Theo đó, Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn rà soát, làm rõ số liệu dự báo nhu cầu vận tải bảo đảm tính khoa học, thống nhất với số liệu trên hành lang vận tải Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ; tính toán phân bổ với các phương thức vận tải khác để xác định sự cần thiết, thời điểm, quy mô đầu tư, phương án phân kỳ, phương án khai thác và đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội, tài chính của dự án.
Tuyến đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ cần phải được đặt trong bài toán tổng thể của quy hoạch, đầu tư mạng lưới đường sắt quốc gia, kết nối với tuyến đường sắt Bắc-Nam, đường sắt xuyên Á và đường sắt kết nối với cảng Cái Mép-Thị Vải.
Ban quản lý dự án đường sắt, tư vấn phân tích ưu, nhược điểm cho việc lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, tốc độ thiết kế và cần đồng bộ với việc đầu tư, khai thác đảm bảo kết nối thuận tiện; rà soát các chi phí trong tổng mức đầu tư, phương án tài chính dự án; cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện dự án.
Ngoài ra, Ban quản lý dự án đường sắt xây dựng tiến độ cụ thể cho từng nội dung cụ thể trong giai đoạn chủ trương đầu tư; báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư/nhà thầu, tiến độ thi công và đưa vào dự án vận hành khai thác đồng thời chỉ đạo tư vấn thiết kế tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ chủ trương đầu tư dự án, trình Bộ Giao thông Vận tải trong tháng 3/2023.
Dự án đường sắt Thành phố Hồ Chí Minh-Cần Thơ bắt đầu từ Bình Dương (ga An Bình) đến Cần Thơ (ga Cần Thơ), đi qua 6 tỉnh, thành phố (Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ) với tổng chiều dài 174,42km. Qua khảo sát, tính toán sơ bộ, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 9 tỷ USD (tương đương 213.948 tỷ đồng) theo phương thức đối tác công-tư (PPP), dự kiến nghiên cứu đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030.
Tuyến đường sắt này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi, khổ đường 1.435mm, điện khí hóa để khai thác cả tàu khách và tàu hàng. Tuyến đường sắt bố trí 15 ga, tốc độ thiết kế lớn nhất để chạy tàu là 190km/giờ, khai thác tàu khách với tốc độ dưới 190km/giờ, tàu hàng khai thác tốc độ dưới 120km/giờ.