BRICS lo ngại rạn nứt (K1): Hụt hơi

Tốp 5 nền kinh tế mới nổi BRICS từng được kỳ vọng như “cứu tinh” cho tăng trưởng chung của toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình BRICS gần đây đã cho thấy nhiều dấu hiệu bất ổn đáng lo ngại.

Tốp 5 nền kinh tế mới nổi BRICS từng được kỳ vọng như “cứu tinh” cho tăng trưởng chung của toàn cầu. Tuy nhiên, tình hình BRICS gần đây đã cho thấy nhiều dấu hiệu bất ổn đáng lo ngại.

Từng được kỳ vọng làm động lực thúc đẩy con tàu kinh tế thế giới nhưng BRICS đã xuống sức khi các thị trường xuất khẩu thắt lưng buộc bụng.

Kỳ vọng cứu tinh

Thuật ngữ “BRIC” được đặt ra bởi Jim O'Neill, chủ tịch bộ phận quản lý tài sản của Goldman Sachs, khi ông ghép các chữ cái đầu tiên của 4 nền kinh tế mới nổi nổi bật nhất: Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc. BRIC có 3 điểm chung đáng chú ý: dân số lớn, thị trường lao động giá rẻ và vô số tiềm năng chưa được khai thác. BRIC là tốp ưu tú của một nhóm rộng hơn được gọi là các thị trường mới nổi, là các thị trường từng chìm trong quan liêu và cơ sở hạ tầng yếu kém.

Tuy nhiên, trong vòng 2 thập niên qua, BRIC cùng với Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Indonesia đã có thể giảm bớt những trở ngại đối với đầu tư nước ngoài và thúc đẩy nhu cầu rất lớn từ các nền kinh tế phát triển. Sự gia tăng nhu cầu toàn cầu đối với lao động giá rẻ đã cung cấp cho các nền kinh tế mới nổi nguồn lực tăng trưởng lớn nhất. Đặc biệt trong trường hợp của Trung Quốc, lao động giá rẻ đã giúp họ cạnh tranh mạnh mẽ trước những nước công nghiệp hóa khác và vươn lên vị trí  nhà sản xuất lớn nhất thế giới.

Ở Nga và Brazil, tăng trưởng kinh tế chủ yếu nhờ vào các loại hàng hóa cơ bản và nông nghiệp, trong khi ở Ấn Độ là từ lực lượng lao động có tay nghề cao trong ngành công nghệ. Gần đây, Nam Phi đã tham dự 2 hội nghị thượng đỉnh BRIC và đăng cai tổ chức hội nghị thượng đỉnh BRICS vào tháng 3-2013. Người ta đã thêm chữ S (Nam Phi) vào thành BRICS, 5 quốc gia đại diện cho 40% dân số và khoảng 25% GDP của thế giới.

Thặng dư thương mại khổng lồ và đầu tư trực tiếp nước ngoài to lớn đã khuếch đại sức hấp dẫn của BRICS, đưa đến những sự bùng nổ trên các TTCK của họ. Kết quả chung là tốc độ tăng trưởng của các thị trường mới nổi rất ấn tượng ở mức 2 con số, vượt xa phương Tây. Đã có lúc BRICS được kỳ vọng đủ mạnh để tự mình trụ vững và làm “cứu tinh” giữa cơn khủng hoảng kinh tế thế giới.

Lộ diện nhiều bất ổn

Tuy nhiên, thực tế cho thấy BRICS chưa đủ mạnh. Sự tăng trưởng của BRICS đặt nền móng trên một yếu tố quan trọng, đó là hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ cho các quốc gia giàu có Hoa Kỳ, EU, Canada… Trong cơn chấn động sụp đổ thị trường địa ốc Hoa Kỳ và cuộc khủng hoảng nợ lan tràn tại EU, các biện pháp thắt lưng buộc bụng bắt đầu đè nặng, đến nỗi người tiêu dùng phương Tây - mỏ vàng của các thị trường mới nổi - phải hết sức dè sẻn chi tiêu.

Cùng lúc, lợi thế cạnh tranh mà các thị trường mới nổi được hưởng trước đây, như chi phí sản xuất giá rẻ, đã nhanh chóng biến mất khi tiền lương tăng vọt nhiều lần. Song song đó, sự tăng giá đồng nội tệ đã gây thêm khó khăn cho nhà sản xuất và khiến các thị trường mới nổi khó duy trì mô hình tăng trưởng của họ. Từ năm 2010, các thị trường mới nổi đã bị mắc kẹt trong một vòng luẩn quẩn với tốc độ tăng trưởng chậm lại, dòng vốn đầu tư yếu đi và TTCK mất sức.

Ngoài ra, tham nhũng tiếp tục là một căn bệnh kinh niên đối với tất cả các thành viên BRICS, không chỉ làm hoen ố hệ thống chính trị của họ mà còn xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Thuế cao và quy định nặng nề là những vấn đề gai góc làm trì trệ năng suất, đầu tư và tăng trưởng, đặc biệt là tại Brazil và Ấn Độ.

BRICS lo ngại rạn nứt (K1): Hụt hơi ảnh 1

BRICS chưa lớn mạnh như người ta vẫn tưởng.

Trong tốp BRICS, Trung Quốc là nền kinh tế mạnh nhất. Nhưng năm 2012, lần đầu tiên kể từ đầu thiên niên kỷ mới, Trung Quốc đã tăng trưởng với tốc độ dưới 8%. Mặc dù 8% có thể là con số mơ ước của các quốc gia châu Âu và Hoa Kỳ, nhưng với Trung Quốc thì nó gây thất vọng. Lực lượng lao động của Trung Quốc không còn tăng nhanh như trước, thặng dư từ lao động giá rẻ cũng trượt dốc, tiền lương lao động tăng đã giáng đòn nghiêm trọng vào khả năng cạnh tranh của Trung Quốc.

Tình hình đó đã mở ra khoảng trống cho Mexico chen chân xuất khẩu sang Hoa Kỳ, đẩy Trung Quốc vào vị trí phải cạnh tranh với các quốc gia khác dựa trên chiến lược, tính hiệu quả và năng suất tối ưu thay vì đơn giản dựa vào lao động rẻ mạt như trước. Một phần nguyên nhân giảm tốc cũng có thể do các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã thực hiện một quyết định táo bạo tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và hạ nhiệt bất động sản nhằm tránh nguy cơ vỡ bong bóng bất động sản như đã xảy ra ở Nhật Bản thập niên 90 của thế kỷ trước hay Hoa Kỳ năm 2008.

Theo Ruchia Sharma (tác giả cuốn “Breakout Nations” nói về các nền kinh tế mới nổi), nếu tăng trưởng của Trung Quốc xuống mức 6-7% có thể sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế nhưng không tới mức tương tự cuộc khủng hoảng châu Âu hay đại suy thoái Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Trung Quốc giảm tốc sẽ làm tổn thương các nước đang phát triển khác, bao gồm các đối tác còn lại trong BRICS là Brazil, Nga, Ấn Độ, Nam Phi.

(Còn tiếp)

Các tin khác