Hoàng Su Phì là huyện vùng cao biên giới phía Tây tỉnh Hà Giang - cực Bắc của Tổ quốc. Đến Hoàng Su Phì vào dịp này, du khách không khỏi ngẩn ngơ, thán phục trước vẻ đẹp thiên nhiên và sự khéo léo của con người tạo nên lớp lớp ruộng bậc thang trên những núi đồi mờ sương.
Hoàng Su Phì có địa hình bị chia cắt mạnh bởi các dãy núi cao và thấp dần theo hướng dòng chảy của sông Chảy và sông Bạc tạo nên 3 dạng địa hình đặc trưng là đồi núi cao, đồi núi thấp và thung lũng hẹp. Đặc điểm tự nhiên này là điều kiện để đồng bào các dân tộc nơi đây sáng tạo nên những thửa ruộng bậc thang hoàn hảo trong quá trình mưu sinh no ấm. Hoàng Su Phì có 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó ruộng bậc thang gắn bó đậm nét với đời sống và văn hóa người Dao, Nùng, La Chí…
Để tạo nên những thửa ruộng bậc thang như ngày nay, cộng đồng cư dân nơi đây đã phải trải qua quá trình lao động cần cù, sáng tạo, khéo léo và tính toán kỹ lưỡng, từ việc lựa chọn vùng đất, khai phá, đắp bờ, dẫn nước đến việc canh tác. Đối với người Dao đỏ ở xã Hồ Thầu, cứ mỗi khoảnh ruộng họ lại trừ ra một khoảng rừng nhỏ vây quanh ruộng để giữ đất khỏi sạt, lở.
Người La Chí ở xã Bản Phùng giữ lại lớp đất trên bề mặt, sau khi khai ruộng xong trải lớp đất đó lên và canh tác ngay. Việc đắp bờ ruộng cũng đòi hỏi sự khéo léo và kinh nghiệm thiết kế cả hệ thống các thửa ruộng bậc thang, tùy vào thế đất, địa hình mà tạo nên những khoảnh ruộng rộng, hẹp, dài, ngắn, cao, thấp khác nhau.
Ở những thửa ruộng độ dốc cao và nước khe chảy việc làm bờ vất vả hơn, người dân phải lấy đá kè chặt từ ruộng dưới lên đến mặt ruộng trên tại những đoạn bờ hay bị xói lở để bảo vệ ruộng và tránh bị rửa trôi chất màu.
Từ hình thức canh tác phù hợp với điều kiện đồi núi, với bàn tay tài hoa và khối óc sáng tạo, cộng đồng các dân tộc nơi đây đã tạo ra bức tranh khổng lồ tuyệt sắc.
Ngày 16-9-2012, ruộng bậc thang Hoàng Su Phì đón nhận Bằng Di sản Văn hóa quốc gia. Đây là danh hiệu vừa để tôn vinh, vừa góp phần bảo tồn công trình lao động sáng tạo có giá trị lịch sử, văn hóa trong đời sống cộng đồng các dân tộc vùng cao.
Năm 2012, Bộ Văn hóa - Thể thao - Du lịch đã chính thức công nhận ruộng bậc thang |
Những thửa ruộng bậc thang đẹp nhất nằm trên địa bàn các xã Bản Phùng, |
Ruộng bậc thang Thông Nguyên vào mùa lúa chín. |
Phụ nữ người La Chí thăm đồng. |
Phụ nữ vùng cao địu con đi dự lễ cơm mới tại Nhà văn hóa xã Bản Phùng. |
Máy tuốt lúa thay sức đập cơ bắp trước đây. |
Đổ thóc vào bao chuyển về nhà. |
Mùa gặt vùng cao. |