Parkson (đến từ Malaysia) bắt đầu mở trung tâm thương mại (TTTM) đầu tiên tại Việt Nam cách đây 13 năm, từng một thời là điểm đến yêu thích của các tín đồ mua sắm, khi hàng hóa được tổ chức khá chặt chẽ, thiết kế bắt mắt và vào mùa giảm giá rất mạnh nhiều mặt hàng. Tuy nhiên, việc không kịp thay đổi trong chiến lược cộng với sự phát triển của thương mại điện tử (TMĐT) đã khiến Parkson dần tụt hậu.
5 năm gần đây, đã có nhiều TTTM mọc lên, trong đó không chỉ có nước ngoài mà còn có cả trong nước. Tại khu vực trung tâm TP, 1 TTTM trong nước nằm đối diện với Parkson tỏ rõ ưu thế so với đối thủ nước ngoài. Mặt khác, trong lĩnh vực TMĐT hiện nay các đơn vị kinh doanh thường chủ trương huy động vốn từ nhiều nguồn khác nhau, kể cả vốn ngoại.
Hơn 1 năm qua các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước đã liên tục đầu tư hạ tầng, kho bãi, con người và chất lượng dịch vụ. Vì thế, khả năng 1 nhà bán lẻ trực tuyến dù lớn thế nào cũng khó lòng có thể tác động đến DN cùng ngành. Vả lại, TMĐT vẫn đang trong xu thế phát triển, miếng bánh vẫn đang nở to và có đủ phần cho nhiều đơn vị.
Tuy nhiên, sự có mặt của Amazon cũng sẽ buộc những chiến lược của các đơn vị bán lẻ trực tuyến phải đẩy nhanh việc thực thi chiến lược. Trước nhất là việc đầu tư vào hệ thống kho bãi, vận tải.
Như đã biết, Amazon chính là đơn vị tiên phong trong việc tổ chức hệ thống cất trữ hàng hóa theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ tối đa và hiện đã có một số nhà bán lẻ lớn cũng đang khẩn trương thực hiện tương tự. Kế đến, trong hoạt động vận chuyển hàng hóa, hiện thị trường cũng đang có cuộc chạy đua quyết liệt giữa Tiki và Thế giới Di động về tốc độ giao hàng. Năm ngoái Tiki gây sốc với sản phẩm giao hàng trong 2 giờ đồng hồ sau khi đặt hàng.
Còn nay Thế giới Di động cùng sàn TMĐT của mình là VuiVui đã công bố chương trình giao hàng chỉ trong… 1 giờ, nếu trễ 1 phút sẽ tặng phiếu mua hàng 100.000 đồng. Ông Phạm Văn Trọng, Giám đốc sàn TMĐT VuiVui, nhấn mạnh tốc độ giao hàng là lợi thế cạnh tranh đặc biệt quan trọng để phát triển TMĐT. Để đạt được thời gian giao hàng trong 1 giờ, VuiVui đã phải tổ chức hệ thống kho bãi, hàng hóa một cách khoa học.
Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị Thế giới Di động, Điện máy xanh hay Bách hóa Xanh rộng khắp cũng là lợi thế cực lớn và những điều này đã được tích lũy trong nhiều năm.
Không chỉ bán lẻ trực tiếp đến khách hàng (B2C) những năm gần đây, Amazon cũng đẩy mạnh việc kết hợp với các đối tác để kinh doanh trực tiếp trên sàn của mình (B2B). Theo những thông tin ban đầu, Amazon sẽ hỗ trợ DN trong nước xuất khẩu trực tuyến, cũng là một hình thái tương tự B2B. Và như vậy, các nhà bán lẻ trực tuyến trong nước từ nay cũng sẽ phải đầu tư vào mảng B2B nhiều hơn, đặc biệt là liên kết với các DN và nhà cung cấp.