Bước tiến mới mở cửa thị trường hàng không

(ĐTTCO) - Ngày 15-11, trong phiên bế mạc hội nghị Bộ trưởng GTVT các nước ASEAN lần thứ 25 tại Hà Nội, 10 bộ trưởng GTVT ASEAN đã ký Nghị định thư thực hiện Gói cam kết thứ 11 về dịch vụ vận tải hàng không nhằm tự do hóa hơn nữa các dịch vụ phụ trợ hàng không và Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 giữa ASEAN - Trung Quốc.

 Đây là 2 nội dung quan trọng, sẽ tác động mạnh đến thị trường hàng không Việt Nam và khu vực trong thời gian tới.

Nỗ lực tự do hóa dịch vụ

Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng cho biết, 2 nghị định thư vừa được ký kết là một bước tiến quan trọng hướng đến mục tiêu mở cửa thị trường hàng không khu vực ASEAN. Trong đó, với Nghị định thư Gói cam kết thứ 11, các nước có thể mở rộng thị trường cung cấp những dịch vụ hỗ trợ hàng không tới các nước trong khối, tạo thêm nhà cung cấp dịch vụ, thúc đẩy nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa.
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã tham gia tự do hóa 9/13 dịch vụ hỗ trợ hàng không và nằm trong nhóm các nước cam kết nhiều nhất về dịch vụ hỗ trợ. Các dịch vụ hỗ trợ hàng không được tự do hóa bao gồm: bán và tiếp thị sản phẩm hàng không, đặt giữ chỗ bằng máy tính, thuê máy bay kèm tổ bay, sửa chữa bảo dưỡng máy bay...

Các hãng hàng không trong nước đang lạc quan trước cơ hội mở rộng thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các hãng hàng không trong nước đang lạc quan trước cơ hội mở rộng thị trường. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Với Nghị định thư số 3 về mở rộng quyền vận chuyển thứ 5 giữa ASEAN - Trung Quốc, Trung Quốc có quyền bay đến 18 điểm trong khu vực ASEAN và phát triển tiếp các đường bay từ ASEAN tới các nước thứ 3. Tương tự, các nước ASEAN có quyền bay tới 36 điểm của Trung Quốc và phát triển tiếp các đường bay từ Trung Quốc tới nước thứ 3. Đánh giá về việc ký kết 2 nghị định thư này, ông Đinh Việt Thắng cho biết, đây là nỗ lực rất lớn của các nước ASEAN và Trung Quốc trong việc mở cửa thị trường. Trung Quốc là thị trường rất lớn của Việt Nam, đứng thứ 2 sau thị trường khối ASEAN. Dự kiến năm 2019, sản lượng thị trường hàng không giữa Việt Nam - Trung Quốc ước đạt khoảng 7 triệu hành khách. Hiện mỗi tuần có 266 chuyến bay từ Việt Nam đến Trung Quốc, trong đó riêng hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines có 110 chuyến bay/tuần.

Nhiều cơ hội hợp tác

Theo ông Lưu Văn Đoan, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế, Cục HKVN, các thỏa thuận chung về xây dựng và khai thác thị trường hàng không ASEAN thống nhất, tự do trong thời gian qua đã giúp cho chi phí đi lại thấp hơn. Các hãng hàng không cũng có nhiều cơ hội lựa chọn về thị trường, nguồn khách, tạo ra loại hình hợp tác giữa các hãng hàng không trong khu vực, tăng năng lực phục vụ, mở rộng mạng đường bay, giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội sử dụng dịch vụ vận chuyển hàng không. Trong bối cảnh đó, các quốc gia thành viên ASEAN có ngành hàng không đang trên đà phát triển như: Campuchia, Lào và Myanmar cũng được hưởng lợi. Mức tăng trưởng lưu lượng vận chuyển hàng không trong khối đạt trung bình 270%/năm. 

Tuy nhiên, việc mở cửa bầu trời ASEAN cũng được dự báo là cạnh tranh thị trường sẽ khốc liệt hơn. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia hàng không, các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore và đối tác Trung Quốc đều có những hãng hàng không rất lớn mạnh, nếu không có sự chuẩn bị sẵn sàng, hàng không trong nước sẽ gặp không ít khó khăn. Tuy có lo ngại về vấn đề này nhưng ông Đinh Việt Thắng vẫn cho rằng, đây là lúc các hãng hàng không Việt Nam phải tự khẳng định mình bằng cách nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm giá thành, phát triển đội bay hiện đại, chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực, đảm bảo tốt an ninh, an toàn cho hoạt động khai thác.

Đại diện các hãng hàng không trong nước đều cho biết, đã sẵn sàng đón nhận những cơ hội và thách thức khi 2 nghị định thư được ký kết. Trong đó, các hãng hàng không mới mở như Vietjet, Bamboo hy vọng về khả năng hợp tác với các nước ASEAN về những dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa máy bay. Các hãng cũng cho biết đã đầu tư mạnh mẽ cho đội bay, nâng cấp dịch vụ để sẵn sàng tận dụng cơ hội khai thác thị trường nội khối và thị trường Trung Quốc. Các hãng hàng không cũng kiến nghị Chính phủ tạo điều kiện cho đấu thầu thuê đất một cách công bằng trong các sân bay để xây dựng các cơ sở bảo dưỡng, trạm nhiên liệu, dịch vụ mặt đất... vừa phục vụ cho hãng vừa thu hút các đối tác từ nước ngoài.

Các tin khác