Như một hệ quả tất yếu, Bộ KH-ĐT dự báo số lượng DN thành lập mới trong năm nay có xu hướng giảm ở 15/17 lĩnh vực so với cùng kỳ năm 2019. Giảm mạnh nhất sẽ là lĩnh vực nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 23%); dịch vụ lưu trú và ăn uống (giảm 14,5%); bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (giảm 11,8%)… dẫn tới số lao động đăng ký mới giảm mạnh như nghệ thuật, vui chơi và giải trí (giảm 50,2%); vận tải, kho bãi (giảm 37,9%).
Cho đến nay, vẫn còn quá sớm để đánh giá thiệt hại mà vòng xoáy Covid-19 gây ra cho các DN, nhưng đã có thể nhìn thấy những lĩnh vực đang phải đối diện với nhiều thách thức hơn cả là du lịch, vận tải; nông nghiệp; công nghiệp điện - điện tử; da giày, dệt may... Giám đốc Công ty Du lịch Lửa Việt đã không quá lời khi gọi đây là một “đòn trời giáng” đối với các DN du lịch.
Không chỉ các DN nhỏ, ngay cả các DN FDI lớn cũng không khỏi lo lắng về những tác động của Covid-19 tới sản xuất - kinh doanh. Tập đoàn LG, cũng như một số DN khác cho biết, nếu Covid-19 không được ngăn chặn hiệu quả trong vòng 2 tuần tới, họ sẽ không có nguyên liệu đầu vào cho sản xuất - kinh doanh.
Samsung đang bị kẹt hàng trăm container nguyên liệu nhập khẩu tại cửa khẩu Lạng Sơn, nếu không được thông quan kịp thời có thể bị giảm tới 50% doanh số trong năm 2020. Apple có kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng ở Việt Nam trong năm 2020, nhưng sản lượng của Apple lại phụ thuộc vào các công ty gia công (OEM) như Samsung, Foxconn, LG… nên khi các công ty này gặp khó thì “Quả táo” cũng liên lụy theo.
Trong bối cảnh này, thu hút đầu tư nước ngoài cũng chịu tác động không nhỏ. Tập đoàn HP dự kiến trung tuần tháng 2 sẽ tới Việt Nam để tìm kiếm và thảo luận về các cơ hội đầu tư tại Việt Nam, còn Citi Group đã lên kế hoạch tổ chức một diễn đàn đầu tư tại Singapore, song đều phải hoãn lại.
Tuy nhiên, Chính phủ đã bắt đầu cho phép thông quan hàng hóa ở các cửa khẩu, với điều kiện kiểm soát chặt dịch bệnh; góp phần tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất - kinh doanh của các DN. Bức tranh kinh tế Việt Nam cũng vừa được thắp lên những hy vọng mới với việc Nghị viện châu Âu vừa chính thức thông qua Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (EVIPA). Nếu mọi việc thuận lợi, EVFTA có thể được thực hiện ngay từ giữa năm nay, còn EVIPA cần được nghị viện tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn, nên sẽ được thực thi chậm hơn.
Tuy EVIPA có lẽ chưa thể phát huy tác dụng ngay trong năm nay, song EVFTA là một hiệp định toàn diện, chất lượng cao, được kỳ vọng mang lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho cả Việt Nam và EU. Cùng với nhiều giải pháp hỗ trợ toàn diện cho DN mà Chính phủ vừa giao trách nhiệm rất cụ thể cho các bộ ngành, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2020 vẫn có thể có gam màu sáng chủ đạo.