Sản vật thiên nhiên
Suối Chà Lạp bắt nguồn từ nước bạn Lào, đoạn chảy qua xã Tam Hợp (huyện Tương Dương) dài gần 30km. Dòng suối này chính là “nhà” của cá mát.
Ông Lương Duy Khánh (bản Xốp Nậm, xã Tam Hợp) kể lại, cá mát có hình dạng hơi giống cá trôi khi còn nhỏ. Cá có 2 thỏi trứng hai bên lườn, trứng nhỏ như hạt kê. Cá đẻ mỗi năm 1 lứa vào mùa xuân, tầm tháng 2 - 3 âm lịch, mỗi lần đẻ trứng nở cả ngàn con. Cá lớn rất nhanh, khoảng 6 tháng tuổi đã bằng ngón tay cái. Nếu được bảo vệ tốt, cá to có thể đến 0,5kg/con. Đặc biệt, cá mát chỉ ăn rong, rêu nên ruột cá được xem là món ăn thú vị.
Trong mâm cơm lễ của đồng bào Thái luôn có món cá mát
Mặc dù thiên nhiên cùng ban tặng cá mát cho người Mông, Khơ Mú… nhưng chính người Thái mới có duyên và làm nên truyền thống ẩm thực với cá mát. Người Thái chế biến cá mát thơm ngon nức tiếng.
Cá được nướng giòn chấm chẻo (gồm muối hạt, ớt xanh, mắc khén); hay để nguyên con nấu với canh rau rừng ăn có vị đắng - ngọt rất đặc trưng. Ngoài ra, người Thái cũng thường chế biến món “hỏ mọc” hoặc “hỏ cà nạp” truyền thống để phục vụ lễ, tết, đãi khách phương xa…
Nguy cơ và hồi sinh
Theo ông Lương Duy Khánh, vào những năm 70 - 80 của thế kỷ trước, khu vực Xốp Nậm (xã Tam Hợp) là vùng “đất lành chim đậu” nên nhiều người vào sinh sống, lập bản.
Cuộc sống kinh tế chủ yếu dựa vào việc bắt cá mát ở suối Chà Lạp và thu hái sản vật của rừng. Khi ấy, người dân săn bắt cá mát về, sau đó kẹp cá vào kẹp tre, nướng lên rồi đem bán hoặc đổi nhu yếu phẩm với người từ thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương) vào.
Khi đó, vì người dân đánh bắt thủ công nên cá mát vẫn sinh sôi nảy nở. Tuy nhiên sau này, việc đánh bắt bằng xung điện, nổ mìn đã khiến cá mát đứng trước nguy cơ tiệt chủng.
Ông Dương Phi Thanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hợp, cho biết, ngoài việc người dân trong xã khai thác cá mát quá mức, thì người ngoài địa phương cũng tràn vào bắt cá. Nhiều đêm đèn soi bắt cá nhiều như đom đóm. Phương tiện đánh bắt đủ loại, từ lưới chài, bắt tay, rồi xung điện, mạnh ai người đó săn bắt.
Trước nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là cá mát, tháng 12-2018, HĐND xã Tam Hợp đã thông qua đề án bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn. Chính quyền địa phương nghiêm cấm khai thác thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác.
Người ngoài xã Tam Hợp vào đánh bắt sẽ bị trục xuất ra khỏi địa bàn. Đối với các hộ dân trong xã, nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, trường hợp đánh bắt thủy sản trái với quy định sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính.
Ngoài ra, các bản còn thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng khúc suối cụ thể. Tất cả các khu vực trên đều được cắm biển báo cho người dân biết. Sau thời gian thực hiện đề án, đến nay đàn cá mát ở suối Chà Lạp đang dần hồi sinh. Không những cá mát, mà các loại cá pộp, cá lăng, cá lệch… cũng sinh sôi trở lại.
Ông Dương Phi Thanh phấn khởi: “Cá mát đã sinh sôi ngày càng nhiều. Giờ đây không chỉ đủ phục vụ nhu cầu ẩm thực của người dân mà còn cả nhu cầu tham quan, ngắm cá của du khách. Những ngày đẹp trời, người dân ở các xã lân cận, rồi các bạn trẻ, nhóm phượt ở dưới xuôi cũng lên đây ngắm và thưởng thức cá mát trên dòng Chà Lạp”.