Các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sắp được 'giải cứu'?

(ĐTTCO) - Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 được kỳ vọng sẽ tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, đặc biệt sẽ xử lý được 5 nhà băng nằm trong diện kiểm soát đặc biệt.

Các ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt sắp được 'giải cứu'?

Trong đó Dự thảo Thông tư quy định về kiểm soát đặc biệt (KSĐB) đối với các TCTD mà NHNN đang lấy ý kiến để áp dụng vào bộ luật mới này vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn. Để làm rõ vấn đề này, ĐTTC có cuộc trao đổi với TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Đại học Kinh tế TPHCM.

PHÓNG VIÊN: - Thưa TS, được biết hơn một năm trước, NHNN đã trình Chính phủ phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc 4 NH này, nhưng vì sao cho đến nay vẫn chưa thể triển khai được?

TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Đúng là 4 NH thuộc diện KSĐB đến nay đã nhiều năm vẫn chưa có cách giải quyết, dẫu nhiều lần được đặt ra trên truyền thông, nghị trường… bởi vướng là ai sẽ là chủ sở hữu các NH này? Cũng dễ hiểu, vốn thực tế tại các NHTM này bị âm thì liệu có nhà đầu tư nào dám nhận chuyển nhượng, dù giá nhận chuyển nhượng bằng 0 để tái cấu trúc. Đó là nhìn trên bình diện dòng vốn đã khó, còn trên luật càng khó chuyển nhượng hơn.

Trước đây, khi đưa các NH này vào diện KSĐB, NHNN nhận chuyển giao cổ phần thì các NHTM này thuộc sở hữu nhà nước, và nếu đã thuộc sở hữu nhà nước khi có một nhà đầu tư (bên thứ 3) nhận chuyển nhượng để tái cấu trúc, lúc này NHNN chuyển nhượng phải thực hiện theo trình tự thoái vốn của nhà nước. Dù biết rằng NHNN nhận chuyển nhượng giá bằng 0, nhưng thực tế lượng cổ phần trong các NHTM này vẫn bằng lượng vốn điều lệ của chính họ.

THAY-TRI.jpg

Do vậy khi chuyển nhượng cổ phần sở hữu nhà nước, phải thông qua quá trình định giá lại tài sản và thực hiện đấu giá công khai lượng cổ phần đó. Trong khi đó, thủ tục định giá lại tài sản tại các NHTM bị KSĐB không dễ dàng. Nếu định giá được, có thể số tiền này thấp hơn các khoản nợ của NH đưa đến vốn âm, thì bán cổ phần này sao được? Hơn nữa, một số NH bị KSĐB còn trong quá trình xử lý như NH Đông Á, đang có đến 5 phiên tòa vẫn chưa xử lý xong tài sản.

- Như TS phân tích, phải chăng vướng mắc này đã đưa đến việc NHNN buộc phải ban hành Dự thảo Thông tư quy định về KSĐB đối với các TCTD theo Luật Các TCTD năm 2024 đã được Quốc hội thông qua?

- Thực ra việc chuyển giao bắt buộc đã được quy định trong Luật Các TCTD 2010, nhưng khi xử lý vẫn vướng một số điều. Do vậy Luật Các TCTD 2024 ban hành có rất nhiều điểm mới, đặc biệt các điều luật quy định về hoạt động của các NHTM bị KSĐB. Để triển khai các điều luật này, vừa qua NHNN đã ban hành Dự thảo Thông tư về hoạt động KSĐB. Điều đáng quan tâm trong dự thảo này là Điều 8: NHNN được phép ghi giảm vốn điều lệ của các NHTM bị KSĐB. Tức việc ghi giảm và thậm chí bằng 0 là điều đáng làm, vì phản ánh được bản chất của chính NHTM đó.

Điều đáng quan tâm trong dự thảo này là Điều 8. NHNN được phép ghi giảm vốn điều lệ của các NHTM bị KSĐB. Tức việc ghi giảm và thậm chí bằng 0 là điều đáng làm, vì phản ánh được bản chất của chính NHTM đó.

Có nghĩa khi NHNN tìm kiếm được bên thứ ba nhận chuyển giao để tái cấu trúc, NHNN chuyển giao mà không cần bán cổ phần và không yêu cầu định giá lại tài sản của tổ chức bị KSĐB này. Như vậy quy trình này sẽ rút ngắn thời gian và không gặp phải tình huống định giá lại nếu bị âm không thể xử lý được.

- Nói như vậy dự thảo này sẽ “giải thoát” cho các NH này?

- Thực ra vẫn còn một giải pháp kỹ thuật quan trọng trong việc nhận chuyển giao bắt buộc khi thực hiện tái cấu trúc các NH này. Đó là khi ghi giảm vốn điều lệ bằng 0, khi nhận chuyển giao bắt buộc NHNN phải ghi không có cổ phần nào tại các NHTM bị KSĐB này.

Trong khi đó, các NH thuộc diện KSĐB có vốn chủ sở hữu bị âm, hay nói đúng hơn là vốn điều lệ cộng với phần lợi nhuận giữ lại đang bị lỗ do phần tài sản có nợ xấu rất cao. Điều đó có nghĩa rằng, vốn thực tế tại các NH thuộc diện KSĐB đang bị âm. Tuy nhiên, khi NHNN nhận chuyển giao sở hữu của các NH này với giá trị bằng 0, nhưng họ vẫn còn nắm giữ một lượng cổ phần tương ứng trên vốn điều lệ của các NH này.

Và khi đã nắm giữ vốn cổ phần thì việc chuyển giao sở hữu sang một bên thứ ba tham gia tái cấu trúc, buộc phải bán cổ phần này theo nguyên tắc đấu giá mà quy định của luật đã đề cập.

Khi bán đấu giá cổ phần bắt buộc phải qua một khâu quan trọng, đó là định giá lại tài sản của NH này. Nhưng thủ tục, quy trình cho định giá không thể diễn ra một cách nhanh chóng, trong khi việc tái cấu trúc các NH bị KSĐB rất cần thiết và nhanh nhất.

- Thưa TS lâu nay có rất nhiều cổ đông của một NH gửi thông tin đến tòa soạn cho rằng, vẫn chưa minh bạch trong tài sản của một TCTD khi đưa vào diện KSĐB, như vậy thì họ mất trắng. TS có thể lấy một số liệu trên báo cáo tài chính năm 2014 của NH Đông Á trước khi đưa vào diện KSĐB để lý giải vấn đề này?

- Theo báo cáo tài chính 2014 như nhà báo đề cập, tổng tài sản của Đông Á khoảng 87.000 tỷ đồng, trong đó cho vay khách hàng 50.000 tỷ đồng. Trong khi đó vốn chủ sở hữu 5.600 tỷ đồng. Trong khoản cho khách hàng vay 50.000 tỷ đồng, nếu nợ xấu trên 15% thì vốn chủ sở hữu sẽ không còn, thậm chí bị âm vốn. Vẫn biết khoản cho vay 50.000 tỷ đồng có rất nhiều các tài sản đảm bảo, nhưng không đủ để thu hồi lại khoản cho vay này. Nghĩa là cổ đông đã bị thua lỗ, thậm chí đã bị âm rất là nhiều.

Do vậy, với tư cách của NHNN sẽ đưa Đông Á vào diện KSĐB và ghi giảm vốn điều lệ về bằng 0. Vậy cổ đông dù lớn hay nhỏ đều bị tiêu hủy hoàn toàn lượng vốn góp trong NH. Đây là mấu chốt của Điều 8 Dự thảo Thông tư này.

Sau khi ghi giảm vốn bằng 0, NHNN sẽ tiếp quản và tư cách cổ đông của các nhà đầu tư trước đây không còn nữa. Khi tìm kiếm được bên thứ 3 để tái cấu trúc, NHNN sẽ chuyển giao quyền sở hữu NH này cho bên thứ ba mà không phải định giá cổ phần, tức định giá lại tài sản của Đông Á và không tổ chức đấu giá. Vấn đề của cổ đông là do đã ủy quyền vào người đại diện và thiếu sự giám sát hoạt động của NH, khi tham gia vào mô hình cổ phần đại chúng.

1c8.jpg

Trong một doanh nghiệp chuyện phá sản là bình thường. Còn đối với NH rất nhạy cảm, nên Luật Các TCTD cũ hay mới đều có các điều khoản, đó là cổ đông buộc phải chuyển giao bắt buộc khi NH thua lỗ, bởi cổ đông đã tín nhiệm sai người quản lý. Do vậy trong những cuộc họp đại hội đồng cổ đông là cơ hội để cho các cổ đông nhỏ bảo vệ chính mình.

Quay trở lại tình huống Đông Á, vốn đã được NHNN ghi giảm bằng 0 và các cổ đông không còn là chủ sở hữu, NHNN đại diện quản lý và chủ sở hữu sau đó chuyển cho bên thứ ba lên phương án tái cấu trúc hoạt động. Tuy nhiên, khi tham gia vào tiếp nhận tái cấu trúc NH bị KSĐB này, bên thứ 3 phải góp vốn vào NH bằng tiền, vì quy định của Nghị định 86/2019 của Chính phủ, vốn pháp định của NHTM tối thiểu là 3.000 tỷ đồng. Đồng thời phải có phương án hoàn trả lại tiền NHNN trực tiếp hay gián tiếp cho NH Đông Á hoạt động kể từ lúc bị KSĐB đến nay.

- Vậy tại sao không định giá tất cả tài sản của một TCTD bị đưa vào diện KSĐB, sẽ dễ giải ra bài toán còn vốn, hòa vốn hay âm vốn sẽ minh bạch hơn?

- Tôi lấy ví dụ của NH Đông Á, để xác định khoản cho vay khách hàng mà có đến 5 vụ án đưa ra xét xử để quy trách nhiệm. Ông Trần Phương Bình, Chủ tịch HĐQT đã đối mặt 5 vụ án, qua đó xác định trách nhiệm và tổn thất mà ông này phải hoàn trả lại cho NH. Thế nhưng, ông không còn khả năng khắc phục khi mà vợ con ông ta đã từ bỏ ông ta.

Vậy định giá lại NH này sẽ đưa đến thảm hại là vốn đã âm còn âm hơn. Những khoản phải thu từ ông Bình càng trở nên vô vọng. Nếu đưa vào định giá sẽ càng làm cho NH này khó tìm ra đối tác nhận tái cấu trúc. Trong tình huống này, đôi khi bên nhận chuyển nhượng ngoài việc góp thêm vốn tối thiểu vào NHTM này (3.000 tỷ đồng) để thực hiện đúng Nghị định 86/2019, còn đòi hỏi thêm việc vay vốn từ NHNN lãi suất ưu đãi theo Điều 169 Luật Các TCTD 2024, thì mới đủ hấp dẫn đầu tư.

- TS vừa nhắc đến, nếu như có một tổ chức hay cá nhân nhận chuyển giao bắt buộc từ NHNN với giá bằng 0, nhưng phải có nguồn vốn tối thiểu bằng vốn điều lệ của NH được nhận chuyển giao. Như vậy việc này có ý nghĩa như thế nào?

- Bởi chiếu theo Nghị định 86/2019 của Chính phủ hướng dẫn Luật Các TCTD năm 2010, hay tới đây là Luật Các TCTD 2024, một NH bắt buộc phải có vốn điều lệ tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Như vậy một NH chuyển giao bắt buộc mà ghi giảm vốn điều lệ về bằng 0 có vi phạm Nghị định 86 hay không?

Vậy thì đưa đến một vấn đề, khi NHNN chuyển giao cho bên thứ 3 để tham gia tái cấu trúc, bên thứ ba sẽ trở thành một cổ đông của NH bị KSĐB này. Lúc này họ sẽ phải tăng vốn điều lệ. Nghĩa là bên thứ ba sẽ phải bỏ vào trong NH thuộc diện KSĐB này với số tiền tối thiểu là 3.000 tỷ đồng, để đáp ứng với quy định về vốn tối thiểu của một NH.

Hơn nữa, Luật Các TCTD 2024 có sửa đổi và bổ sung một nội dung quan trọng, bên nhận chuyển giao NH bị KSĐB ngoài lên phương án hoạt động, tái cấu trúc gửi cho NHNN thẩm định, thì được NHNN cho vay lãi suất ưu đãi, nhưng thẩm quyền này thuộc quyền quyết định của Thủ tướng. Mức lãi suất có thể bằng 0%. Đây là một lợi ích rất lớn cho bên nhận chuyển giao để hỗ trợ tái cấu trúc NH.

Tuy nhiên, mức vay và thời gian vay bao lâu chắc phải chờ NHNN ban hành thông tư hướng dẫn, hoặc có thể thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Vấn đề người dân quan tâm là liệu sau khi được vay ưu đãi, bên nhận chuyển giao này có hoàn trả lại vốn tín dụng vay mới và vay cũ trước đó không? Làm sao giám sát dòng tiền này, nếu không lại tiếp tục dung túng cho “đứa con hư” này.

- Như vậy càng không thể khi có một tổ chức hay cá nhân nhận chuyển giao bắt buộc lại tiếp tục được “bầu sữa” NHNN nuôi tiếp?

- Lẽ dĩ nhiên sẽ không thể nào NHNN nuôi dưỡng tiếp tục. Mục đích xử lý này là giúp cho hệ thống NH hoạt động lành mạnh lại, và quan trọng hơn hết là NHNN thu hồi lại lượng tiền cho vay trực tiếp hay gián tiếp này về. Hiện nay, những bất lợi của hệ thống cũng do chậm xử lý các tồn tại này trong các NHTM bị KSĐB.

Như tôi có đề cập, làm sao để NHNN phải kiểm soát được và giám sát được bên nhận chuyển giao thực hiện đúng phương án tái cơ cấu, hay chỉ là một bánh vẽ và vốn cũ cho vay không thu hồi lại thêm lượng vốn mới từ NHNN. Dòng vốn hỗ trợ cho vay lãi suất ưu đãi cũng sẽ bị dùng sai mục đích.

- Quay trở lại dự thảo thông tư quy định về KSĐB đối với TCTD. Vậy Điều 8 trong dự thảo cho phép NHNN được ghi nhận vốn điều lệ bằng 0 có là giải pháp để xử lý các NH này?

- Như tôi đã phân tích, Điều 8 của dự thảo thông tư có một tác dụng tốt là phản ánh đúng bản chất vốn của NH. Bởi NHNN không phải là cổ đông của các NH này, vì không có sở hữu cổ phần nào. Điều này giúp khi chuyển giao cho bên thứ ba không cần định giá tài sản và không vướng vào vấn đề chủ sở hữu nhà nước từ NHNN.

Vấn đề còn lại là liệu bên nhận chuyển giao có thấy được những hấp dẫn từ các NH này để tham gia hay không. Luật đã giúp “cởi trói”, nhưng có tìm ra được bên thứ ba mới có thể đưa chủ trương xử lý các NH bị KSĐB này vào cuộc sống đích thực. Tôi tin vào hướng giải quyết này sẽ giải quyết được các NH bị KSĐB tồn đọng.

Tuy nhiên, cách ghi giảm vốn bằng 0 như Điều 8 của dự thảo cũng có một số bất lợi mà chúng ta chưa phân tích, nhưng xét về lợi ích cho hệ thống thì việc ghi giảm là điều cần làm. Vấn đề là các cổ đông và tổ chức quản trị NH sau khi nhận chuyển giao tái cấu trúc lo ngại bị giảm đi vai trò quá lớn của HĐQT và tổng giám đốc, vì NH mình đang sở hữu vướng vào diện KSĐB.

Luật Các TCTD 2024 còn đưa ra nhiều điều khoản khác, mà với tư cách cổ đông NH họ cần tìm hiểu để tránh tài sản của mình “không cánh mà bay”.

- Xin cảm ơn TS về cuộc trò chuyện này.

Luật Các TCTD 2024 được xem như một cuộc tái cấu trúc cả hệ thống NH. Nhiều điều khoản mới được đưa vào, nhiều nội dung trước đây được sửa đổi liên quan đến hoạt động, giám sát hoạt động NH. Tuy nhiên, cổ đông, nhà đầu tư và thị trường còn phải chờ đợi phía NHNN ban hành các dự thảo thông tư hướng dẫn thực hiện trong thời gian tới trước khi bộ luật có hiệu lực.

Các tin khác