Đúng thuốc nhưng còn phải đúng liều, đúng thời điểm
Liều thuốc kinh điển các NHTW thường sử dụng để chống lại lạm phát là lãi suất. Mỹ đã có kinh nghiệm đau thương với lạm phát những năm 1970, và cái tên đi vào lịch sử là Paul Volcker, Chủ tịch Fed lúc đó, đã dùng lãi suất với liều lượng mạnh để cắt cơn lạm phát 2 con số. Nhưng cái giá phải trả là nền kinh tế rơi vào suy thoái, tỷ lệ thất nghiệp lên trên 10%.
Lần này Fed cũng dùng đến công cụ lãi suất, nhưng ông Jerome Powell đã phải thừa nhận không đánh giá đúng lạm phát lần này, cho rằng lạm phát chỉ là tạm thời. Fed thừa nhận sai lầm đã tăng lãi suất không đủ liều lượng vào tháng 3 vừa rồi, khi chỉ tăng 0,25% thay vì 0,5%.
Và vì vậy, trong 2 lần họp sắp tới, dự kiến sẽ tăng 0,5% mỗi lần nếu mọi việc diễn ra như mong muốn. Còn nếu tình huống xấu hơn có thể lên đến 0,75%.
Nhưng cái khó của Fed là hiệu quả của chính sách không chỉ phụ thuộc vào Fed, còn phụ thuộc vào thị trường, người dân và doanh nghiệp. Bởi lạm phát là kỳ vọng nên quyết định chi tiêu, đầu tư của các thành phần kinh tế sẽ quyết định sự thay đổi của lạm phát.
Thêm vào đó, sau 2 năm gián đoạn vì Covid-19, ước tính các hộ gia đình ở Mỹ có khoản tiết kiệm để chi tiêu lên đến 2.000 tỷ USD. Nhu cầu còn cao lạm phát cũng khó giảm nhanh được.
Mặc dù các chính sách của Fed là quyết định đối với việc kiểm soát lạm phát nhưng sự hỗ trợ từ phía chính phủ cũng rất cần thiết. Vì vậy, mới đây Tổng thống Joe Biden cũng đã xem kiểm soát lạm phát là ưu tiên hàng đầu trong các vấn đề nội địa của Mỹ.
Ông Biden nói chính phủ sẽ cố gắng để chi phí cuộc sống của người dân giảm, ngay cả tính tới khả năng giảm thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng trước đây Mỹ đã áp mức thuế cao, đặc biệt qua các cuộc chiến tranh thương mại ở nhiệm kỳ trước.
Khi Fed quyết liệt nhiều nơi căng thẳng
Cùng với việc Fed tăng lãi suất vào tháng 3, tháng 5, rất nhiều NHTW trên thế giới cũng phải chuẩn bị cho mình các kịch bản đối ứng. Và ảnh hưởng ngay trước mắt đó là việc tăng lãi suất theo. Trừ trường hợp đặc biệt là Nhật Bản và Trung Quốc, hầu hết NHTW đều tăng hay dự định tăng lãi suất theo. Các trường hợp có thể nhắc đến như NHTW của Anh, Australia, New Zealand, châu Âu (ECB) và nhiều nước trong nhóm nền kinh tế mới nổi.
Lý do, khi Fed tăng lãi suất khiến các nền kinh tế khác phải tăng lãi suất, bởi khi lãi suất ở Mỹ tăng tỷ suất sinh lợi của trái phiếu hay tiền gửi tăng, khiến dòng vốn chạy về Mỹ hấp dẫn hơn. Điều này lại khiến đồng USD có giá hơn và vòng lặp có thể xảy ra liên tục: lãi suất tăng cùng với giá USD tăng.
Các nền kinh tế khác muốn giữ chân dòng vốn không có cách nào khác phải cạnh tranh qua lãi suất. Ngoài ra, lạm phát từ một nền kinh tế lớn như Mỹ sẽ có ảnh hưởng lây lan sang kinh tế thế giới. Mặt bằng giá cả hàng hóa dịch vụ tăng nhiều nước bị rơi vào thế bị động, phải tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. Khó khăn sẽ nhiều hơn với những nước phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu những hàng hóa dịch vụ có mức biến động giá lớn.
Với nhiều nền kinh tế đang phát triển hay kém phát triển, lãi suất tăng từ Mỹ còn là mối đe dọa lớn trong trường hợp các nước này vay nợ quốc tế bằng đồng USD. Lãi suất tăng và giá USD tăng sẽ khiến chi phí trả nợ tăng, việc đảo nợ (refinancing) cũng sẽ chịu chi phí cao hơn. Không những thế, áp lực lãi suất quốc tế tăng lãi suất trong nước cũng tăng theo.
Áp lực tăng lãi suất ở Việt Nam
Mặc dù lãi suất điều hành ở Việt Nam hiện nay vẫn duy trì ở mức 2,5% trên thị trường mở (OMO) và lãi suất tái cấp vốn 4%, nhưng áp lực lãi suất tăng ngày càng hiện rõ. Lãi suất qua đêm trên thị trường liên NH từ đầu tháng 5 đến nay đã tăng theo đường thẳng: từ 1,37% cuối tháng 4 lên đến 2% vào ngày 11-5, với biên độ tăng mỗi lần từ 0,07-0,09%.
Một dấu hiệu rõ hơn của áp lực tăng lãi suất đó là lãi suất huy động của các NHTM tăng gần đây, ở mức 0,1-0,3%/năm. Có lý do cho rằng vì NHNN siết chặt cung tín dụng trong khi nhu cầu vẫn cao, khiến các NH phải tăng lãi suất để thu hút lượng tiền gửi. Tuy vậy, lý do chính có lẽ là ở áp lực lạm phát đã rất rõ, lợi tức yêu cầu của người có tiền nhàn rỗi phải tăng lên để bù đắp cho phần lạm phát.
Bên cạnh lãi suất huy động tăng, các phiên đấu giá trái phiếu chính phủ cũng diễn ra khá ảm đạm. Ở phiên đấu giá gần đây nhất vào ngày 11-5, Kho bạc Nhà nước gọi thầu tổng cộng 4.500 tỷ đồng nhưng chỉ trúng thầu 870 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 19%. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu chính phủ phát hành chỉ đạt 12% kế hoạch năm, trong khi đã gần kết thúc 6 tháng năm 2022.
Những tín hiệu ở trên cho thấy yêu cầu của thị trường với mức lãi suất cao hơn là không thể tránh được. Có lẽ trong thời gian ngắn sắp tới sẽ có một số điều chỉnh về chính sách lãi suất từ phía NHNN. Vì rút kinh nghiệm của Fed hay một số nơi khác, việc áp dụng đúng liều lượng và đúng thời điểm quyết định rất lớn đến hiệu quả của chính sách.
Lạm phát từ một nền kinh tế lớn như Mỹ sẽ có ảnh hưởng lây lan sang kinh tế thế giới, đã khiến NHTW các nền kinh tế cũng phải cạnh tranh qua lãi suất để giữ chân dòng vốn. |